Việt Á chi “lại quả” 800 tỷ, nâng giá kit xét nghiệm 45%: Những ai nhận tiền?

Google News

Việt Á đã chi tiền “hoa hồng” cho các “đối tác” gần 800 tỷ đồng. Ngoài Giám đốc CDC Hải Dương nhận hối lộ 27 tỷ, những ai đã…nhận tiền?

Mới đây, thông tin về kết quả điều tra liên quan đến Công ty Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, theo lời khai Phan Quốc Việt: Việt đã “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng; số tiền “hoa hồng” cho các “đối tác” gần 800 tỷ đồng.
Đến nay, trong số 19 bị can bị khởi tố, cơ quan điều tra đã khởi tố Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương tội nhận hối lộ số tiền 27 tỷ đồng.
Trước đó điều tra ban đầu, Việt Á đã cung ứng Kit xét nghiệm COVID cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng. Dư luận đặt câu hỏi, số tiền “hoa hồng” Việt Á chi cho các “đối tác” gần 800 tỷ, vậy những ai đã nhận tiền?
Viet A chi “lai qua” 800 ty, nang gia kit xet nghiem 45%: Nhung ai nhan tien?
Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt 
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc công ty Việt Á “lại quả” đến 800 tỷ đồng cho các “đối tác” là chuyện "động trời". Với kết quả điều tra đã công khai, nhiều khả năng, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố, xử lý hình sự đối với những người khác về một số tội danh, trong đó có đưa, nhận hối lộ.
Theo luật sư Cường, số tiền 800 tỷ chi “hoa hồng” là rất lớn. Cụm từ "hoa hồng" là "mỹ từ" trong kinh doanh, dưới góc độ pháp lý có thể gọi đây là hành vi "đưa hối lộ", "nhận hối lộ", ít nhất cũng là "nhận quà trái quy định" pháp luật. Bởi nếu "quà tặng" là vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng, trị giá cả một gia tài chỉ có thể là "ăn chia", "chung chi", gian lận chứ không thể có chuyện "người dưng" mà tặng cho nhau như vậy. Doanh nghiệp “tặng quà” số tiền đó lại để ngoài sổ sách, không hạch toán, không kê khai đó là căn cứ xác định của gian, xác định nguồn gốc và động cơ sai phạm, vi phạm pháp luật.
Hơn nữa số tiền 800 tỷ so với vốn điều lệ của doanh nghiệp này là lớn hơn gấp rất nhiều lần, doanh nghiệp không thể mang toàn bộ vốn điều lệ (gia tài) của mình làm “quà tặng” như vậy. Nếu là đấu thầu, mua bán công khai, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật lấy tiền đâu ra một số tiền khổng lồ như vậy để làm quà tặng, bôi trơn, chung chi?
Theo quy định của pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức là người làm công cho nhà nước, được nhà nước trả tiền công, tiền lương, tiền phụ cấp, trợ cấp và các khoản thu theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc cán bộ công chức, viên chức nhận tiền của các tổ chức, doanh nghiệp. Việc cán bộ công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng sự ảnh hưởng của mình để trục lợi từ tổ chức, cá nhân, đó là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này có thể xử lý hình sự bởi các tội danh trong nhóm tội phạm về tham nhũng.
Điều 25 Nghị định 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng nêu rõ, cán bộ, công chức, viên chức không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Do đó, đối với những cán bộ, công chức, viên chức nhận quà trái quy định là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý kỷ luật, thậm chí nếu nếu nhận quà để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa, vi phạm đến mức chịu trách nhiệm hình sự sẽ bị xem xét xử lý “Tội nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Luật sư Cường cho rằng, trong vụ việc nêu trên cơ quan điều tra sẽ làm rõ những ai là người đã nhận quà? quà đó là tiền hay dạng vật chất khác? việc chuyển quà đó được thực hiện như thế nào?... Số tiền dùng để “lại quả” đó có phải là do phạm tội mà có, có phải thu nhập bất chính hay không? Đồng thời làm rõ những tác động của việc “tặng quà” đó mang lại đối với người tặng quà? Những thỏa thuận trực tiếp hoặc thỏa thuận ngầm giữa người chi “hoa hồng” và người nhận quà như thế nào để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người nhận quà trong vụ án này là người có chức vụ quyền hạn, việc nhận quà đó để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc yêu cầu của người tặng quà thì là hành vi đưa hối lộ và người nhận quà sẽ bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ theo điều 354 bộ luật hình sự năm 2015 với chế tài cao nhất của tội danh này là tù chung thân hoặc tử hình nếu của hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên.
Thậm chí, theo quy định pháp luật, việc nhận hối lộ có thể thực hiện sau khi đã hoàn thành công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ hoặc cũng có thể là sau khi nhận quà mới thực hiện công việc theo yêu cầu. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trước khi nhận quà, người nhận quà đã thực hiện công việc gì vì lợi ích của người tặng quà hay không? Hoặc sau khi nhận quà, người nhận quà có thực hiện công việc gì vì lợi ích của người đưa "quà" hay không. Việc đưa quà có thể trực tiếp hoặc qua trung gian đều có thể là hành vi đưa hối lộ. Người nhận quà có thể là nhận trực tiếp hoặc nhận qua trung gian thì đều có thể là hành vi nhận hối lộ.
Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ số tiền 800 tỷ đồng này là tiền từ đâu mà có, trước khi chuyển giao số tiền này cho các quan chức, có việc thỏa thuận giữa lãnh đạo, cán bộ công ty Việt Á với các cán bộ, lãnh đạo đã mua kit test xét nghiệm hay không? Làm rõ các hợp đồng mua bán, các thủ tục đấu thầu, chỉ định thầu với Việt Á có phù hợp quy định pháp luật hay không?
Nếu có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản của nhà nước. Số tiền tặng quà trên là do phạm tội mà có, hành vi có sự thông đồng cấu kết giữa quan chức và doanh nghiệp để làm thất thoát tài sản của nhà nước sau đó ăn chia, chung chi với nhau qua hình thức "quà tặng" "lại quả" với cái tên mỹ miều là "hoa hồng" hoàn toàn có thể xử lý về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ (kể cả trong trường hợp những người trong cuộc không thừa nhận hành vi phạm tội của mình).
Nếu là hoạt động đấu thầu hoặc chỉ đậu thật định thầu công khai, minh bạch, đúng pháp luật, nhà nước sẽ không bị mua đắt, doanh nghiệp cũng không thể hưởng lợi số tiền khổng lồ để ăn chia với quan chức. Hành vi móc ngoặc giữa doanh nghiệp và quan chức là vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và có hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. Tất cả những hành vi này cần phải xử lý nghiêm minh bằng chế tài hình sự nghiêm khắc.
Nếu có sự thỏa thuận cấu kết, có sai phạm, móc ngoặc để lấy tiền từ nhà nước ra chia nhau đó là hành vi rất đáng trách, đáng lên án và phải xử lý bằng những chế tài nghiêm minh của pháp luật. Hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi là hành vi táng tận lương tâm, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tất cả các cán bộ, cá nhân, cơ quan, tổ chức có sai phạm trong vụ án này cần phải được phanh phui, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Ngoài CDC Hải Dương, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố Nguyễn Minh Tuấn (nguyên vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế thuộc Bộ Y tế); Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế); Trịnh Thanh Hùng (Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ".
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng khởi tố Nguyễn Văn Định (Giám đốc CDC Nghệ An); Nguyễn Thị Hồng Thắm (Kế Toán trưởng CDC Nghệ An); Nguyễn Thành Danh (Giám đốc CDC Bình Dương); Trần Thanh Phong (Phó phòng Tài chính Kế toán CDC Bình Dương); Lê Thị Hồng Xuyên (nguyên phụ trách Phòng Thí nghiệm CDC Bình Dương); Tiêu Quốc Cường (kế toán trưởng, phó phòng tài chính Sở Y tế Bình Dương)…về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Hiện Bộ Công an đang điều tra đối với 6 cán bộ của CDC tỉnh Bình Phước sau sự việc ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc CDC Bình Phước báo cáo việc mình có nhận quà từ Công ty Việt Á.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lý do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố:

Nguồn: PLO

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)