“Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong phiên bế mạc Đại hội XIII. Một trong những thành công của Đại hội ngoài nội dung văn kiện là đã bầu được 200 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, gồm những người tiêu biểu về năng lực, trí tuệ và phẩm chất chính trị.
“Vinh dự bao giờ cũng đi đôi trách nhiệm. Vinh dự càng cao thì trách nhiệm càng lớn, nhất là nhiệm vụ trong giai đoạn tới với rất nhiều thuận lợi, thời cơ nhưng cũng có muôn vàn khó khăn thử thách, có những điều không lường trước được”, Tổng bí thư chia sẻ khi thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ra mắt Đại hội.
Lĩnh vực trọng yếu được tăng cường ủy viên Trung ương
Danh sách 180 ủy viên Trung ương chính thức gồm 19 người thuộc khối cơ quan Đảng, trong đó có Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh Văn phòng Trung ương Lê Minh Hưng cùng nhiều lãnh đạo là phó các ban Đảng.
|
Quân đội được đánh giá là lĩnh vực trọng yếu, có số lượng ủy viên Trung ương đông nhất với 23 người. Ảnh: Thuận Thắng. |
Ở khối Chính phủ, có 2 bộ trưởng, trưởng ngành lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Bà Hồng cũng là nữ thành viên Chính phủ duy nhất trúng cử nhiệm kỳ này.
Cũng trong khối Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam tái cử.
Với khối Tư pháp, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Phó chánh án TAND Tối cao Lê Hồng Quang và Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đều trúng cử. Trong đó, ông Trí là trường hợp “đặc biệt” khóa XII tái cử trúng cử khóa XIII do đã quá tuổi theo quy định.
Trong số 12 ứng viên thuộc khối Quốc hội kỳ này có 11 người trúng cử, trong đó có Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lần đầu tham gia Trung ương.
Một số phó chủ nhiệm khác cũng lần đầu vào Trung ương như ông Vũ Hải Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại; ông Lê Quang Huy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường; ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.
Đặc biệt lần này, quan điểm tăng cường số lượng ủy viên Trung ương ở những lĩnh vực trọng yếu được thể hiện rất rõ. Đây cũng là điều được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”.
Quân đội là một lĩnh vực như vậy. Trong cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, khối quân đội có số lượng ủy viên Trung ương lớn nhất với 23 người trúng cử (nhiều hơn khóa trước một người). Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Lương Cường; Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Trọng Nghĩa là 3 trong số 23 ứng viên trúng cử.
Ở khối công an, toàn bộ ứng viên của lực lượng này đều trúng cử, gồm Bộ trưởng Tô Lâm và 5 thứ trưởng là các ông: Trần Quốc Tỏ, Lương Tam Quang, Nguyễn Duy Ngọc, Lê Tấn Tới, Lê Quốc Hùng.
Ở các địa phương, 70 ủy viên là bí thư, phó bí thư tỉnh/thành trúng cử. Hà Nội được ghi nhận là địa phương có nhiều ủy viên Trung ương nhất với 23 người. Tiếp đó lần lượt là Nghệ An (14 người) và Hà Tĩnh, Nam Định (11 người).
Trả lời về định hướng tăng cường số lượng ủy viên Trung ương ở những lĩnh vực, địa bàn trọng yếu, ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh đây là quan điểm rất đúng đắn của Đảng.
Lĩnh vực trọng yếu, theo ông Lềnh là đối ngoại, an ninh, quân đội, các ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước.
“Những lĩnh vực trọng yếu có thể phân bổ số lượng ủy viên Trung ương cao hơn. Ví dụ như quân đội, các quân khu đều có đại diện vào Ban Chấp hành Trung ương. Ở lĩnh vực công an, ngoài bộ trưởng có một số thứ trưởng là ủy viên Trung ương”, ông Lềnh nói.
Định hướng này được nêu ra từ khi có đề án nhân sự cách đây hơn 2 năm và đã được thực hiện tốt trong lần bầu Ban Chấp hành Trung ương lần này.
Vừa lãnh đạo đất nước, vừa chuẩn bị đội ngũ kế cận
Đặt niềm tin vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới vừa ra mắt và tin tưởng vào các gương mặt trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa được tín nhiệm bầu, ông Nguyễn Phú Cường (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) kỳ vọng đây sẽ là những nhân tố chủ chốt để triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII, đưa đất nước Việt Nam phát triển cường thịnh.
“Nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới là những người tiêu biểu, rất xứng đáng, có tâm và có tầm. Tôi tin tưởng với một nhiệm kỳ mới đầy phấn khởi, các thành phần chủ chốt này sẽ phát huy năng lực để đưa đất nước phát triển”, ông Cường chia sẻ.
Bí thư Đồng Nai nhận định tinh thần nghị quyết có cả tầm chiến lược lâu dài và có cả chương trình trước mắt để có thể thực hiện, khắc phục những hạn chế và đưa đất nước ta phát triển bền vững hơn.
Ông đánh giá Đại hội XIII được chuẩn bị rất công phu và chặt chẽ, ghi dấu ấn, mở ra một giai đoạn phát triển mới, đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân.
Trong khi đó, theo PGS.TS Vũ Văn Phúc (Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương), Ban Chấp hành Trung ương khóa mới là những người có phẩm chất, bản lĩnh chính trị, có năng lực để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới.
Kỳ vọng 200 ủy viên Trung ương sẽ đoàn kết đưa đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới, ông Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất của đội ngũ này là vừa lãnh đạo đất nước phát triển, vừa chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận cho nhiệm kỳ XIV để cơ cấu cán bộ vững vàng hơn.
Là đại biểu trẻ nhất dự Đại hội XIII, Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai Hà Đức Minh cho biết đánh giá trước khi bầu chọn 200 ủy viên Trung ương khóa mới, công tác nhân sự đã được triển khai chặt chẽ, khách quan, minh bạch. Vì thế, đội ngũ lãnh đạo chủ chốt cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa mới sẽ là những người đủ đức, đủ tài để lãnh đạo đất nước.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ ông đặt nhiều niềm tin từ quá trình xây dựng Báo cáo chính trị cũng như công tác chuẩn bị nhân sự của Đại hội lần này. Quy trình 5 bước tạo ra góc nhìn đa dạng và đầy đủ hơn, giúp chọn lọc được nhân tố tài năng.
“Một Báo cáo chính trị đã vạch ra rất rõ ràng, thể hiện được một tầm vóc của một chính đảng lớn thì đội ngũ con người được giao nhiệm vụ đó không lý gì mà không vượt lên được, không lý gì mà không nắm hết được những tư tưởng quan điểm phát triển đó để cùng tập thể xây dựng đất nước, xây dựng Đảng vững mạnh”, ông Khuê nói.