Bất nhất xác định giá trị tài sản ở thời điểm phạm tội hay khởi tố
Chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tại phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/3, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Đà Nẵng đặt câu hỏi, liên quan đến tài sản nhà nước trong các bản án, việc xác định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra dựa vào giá trị tài sản tại thời điểm phạm tội hay tại thời điểm khởi tố?
Đồng thời đề nghị làm rõ: Vì sao Tòa xử nơi thì căn cứ giá trị tài sản tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, nơi thì căn cứ giá trị tài sản tại thời điểm khởi tố để xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo. Để xảy ra tình trạng bất nhất như vậy, trách nhiệm của Chánh án như thế nào, giải pháp trong thời gian tới là gì?
|
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy |
Trả lời câu hỏi trên, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, về khoa học pháp lý và luật pháp, hậu quả của các vụ án được xác định tại thời điểm xảy ra phạm tội. Tất cả tình tiết khách quan, động cơ, mục đích, hành vi và thủ đoạn cũng được tính ở cùng thời điểm. Nếu tính hậu quả ở thời điểm khác thì không đảm bảo tính khoa học.
“Theo sự phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nghị quyết hướng dẫn, theo đó, từ nay tất cả các vụ án giá trị tài sản (để xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo) đều được tính từ thời điểm khởi tố”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ. Tuy nhiên, khi thu hồi tài sản tại thời điểm thi hành án, sẽ tính toán thu hồi triệt để, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.
|
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình |
Bất cập do đâu?
Thời gian qua, nhiều đại án kinh tế, tham nhũng đưa ra xét xử đã xảy ra nhiều tranh cãi về cách tính thiệt hại và việc xác định mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra.
Trong khi đó, với vụ án hình sự nói chung và các vụ án hình sự về tham nhũng, tội vi phạm khác nói riêng, đặc biệt là giải quyết các vụ án về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai”, việc xác định thiệt hại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định khung hình phạt và trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch – Công ty Luật TNHH một thành viên An Pha Na – Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, căn cứ các quy định theo Bộ luật Hình sự, khoa học pháp lý và pháp luật hình sự đều quy định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra được xác định tại thời điểm phạm tội. Đây là cơ sở để xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
Ngày 30/12/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cũng đã ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ (có hiệu lực từ ngày 15/02/2021) để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14. Theo quy định tại Điều 10 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 về xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra thì: Trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ xử lý hình sự được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội.
Như vậy, theo quy định pháp luật, thiệt hại tài sản làm căn cứ để xử lý hình sự được xác định tại thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội.
Theo luật sư Trạch, mặc dù quy định pháp luật cũng như khoa học pháp lý đều quy định việc xác định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra được xác định tại thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, thực tế quá trình giải quyết các vụ án thời gian qua, không phải cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nào cũng hiểu và áp dụng đúng quy định nêu trên trong việc giải quyết vụ án.
Luật sư Trạch dẫn vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, các Cơ quan tiến hành Tố tụng đã hiểu và áp dụng đúng quy định nêu trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 48/2019/HS-ST ngày 30/01/2019 của TAND thành phố Hà Nội và Bản án hình sự phúc thẩm số 346/2019/HS-PT ngày 13/6/2019 của TAND Cấp cao tại Hà Nội đều nhận định: “Tài sản của Nhà nước bị thiệt hại ngay tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nên hậu quả của vụ án phải được xác định tại thời điểm tài sản bị xâm phạm.”.
Sau đó, mặc dù các Bản án nêu trên bị kháng nghị Giám đốc thẩm về thời điểm xác định thiệt hại, nhưng tại Quyết định Giám đốc thẩm số 14/2019/HS-GĐT ngày 05/12/2019 của Hội đồng thẩm phán – Tòa án nhân dân Tối cao đã khẳng định và kết luận: Trong vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định thiệt hại của vụ án là 7 tài sản đã mua/ thuê trái phép, đang bị kê biên là đầy đủ, đúng bản chất vụ án và giá trị của nó được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là đúng pháp luật.
Trong quá trình giải quyết vụ án xét xử vụ án hình sự : “Trần Văn Minh và đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2020/HS-ST ngày 13/01/2020 của TAND thành phố Hà Nội và Bản án hình sự phúc thẩm số 158/2020/HS-PT ngày 12/5/2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội lại cho rằng: Hậu quả thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tại thời điểm khởi tố, điều tra vụ án.
Luật sư Trạch cho biết, việc hiểu và áp dụng sai quy định pháp luật nêu trên đã và đang gây ra những khó khăn, vướng mắc cũng như xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, bởi thực tế không phải giá trị tài sản bị xâm phạm cũng giữ nguyên trong suốt thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thâm chí tài sản bị xâm phạm còn tồn tại tại thời điểm khởi tố, điều tra vụ án.
Do đó, các cơ quan tiến hành cần hiểu, vận dụng đúng quy định pháp luật về thời điểm xác định hậu quả của tội phạm, việc này là vô cùng quan trọng trong việc xác định tội danh và định khung hình phạt truy tố của Viện Kiểm sát cũng như quyết định mức hình phạt của Tòa án, tránh gây oan sai cũng như xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo.
Lý giải việc các Cơ quan tiến hành tố tụng không thống nhất quan điểm trong quá trình giải quyết vụ án, luật sư Trạch cho biết, phẩn lớn là do cách hiểu, cách vận dụng quy định pháp luật về việc xác định thời điểm xảy ra thiệt hại không đúng và dựa trên quan điểm cá nhân của người tiến hành tố tụng.
Như thực tế quá trình giải quyết vụ án hình sự xét xử “Trần Văn Minh và đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai” nêu trên, những sai phạm trong việc xác định thời điểm tính thiệt hại mặc dù có thể không ảnh hưởng đến khung hình phạt đối với tội danh bị khởi tố, truy tố và xét xử. Tuy nhiên, đến nay đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong vấn đề xác định trách nhiệm dân sự, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự trong vụ án.
Cơ quan tiến hành Tố tụng cần xem xét, kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2020/HS-ST ngày 13/01/2020 của TAND thành phố Hà Nội và Bản án hình sự phúc thẩm số 158/2020/HS-PT ngày 12/5/2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội đề giải quyết lại theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, để đảm bảo việc áp dụng quy định pháp luật về vấn đề nêu trên, các Cơ quan tiến hành Tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) cần thống nhất, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về thời điểm xác định thiệt hại và phương pháp xác định thiệt hại trong các vụ án hình sự để đảm bảo thống nhất trong việc khởi tố, truy tố và xét xử đúng người, đúng tội, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tài sản tham nhũng nghìn tỷ đi đâu, về đâu?