Xung quanh vấn đề “bảo kiếm” phòng chống tham nhũng hiện nay, Đại biểu Phạm Văn Hoà đã có những chia sẻ thiết thực với PV Tri thức và Cuộc sống.
|
Đại biểu Phạm Văn Hoà. |
“Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp có nhiều nguyên nhân”
Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng?
- Cử tri và nhân dân đánh giá rất cao công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua. Công tác phòng chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Trong 9 tháng đầu năm, Thanh tra Chính phủ đã đôn đốc gần 5.600 kết luận thanh tra, thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng, đạt 60%, gấp đôi năm 2021; xử lý 1.700 tổ chức và 4.800 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ với 93 đối tượng. Khoảng 1.800 vụ đã thi hành án với hơn 15.000 tỷ đồng.
Trong báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn tại Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp, đây có phải là mặt hạn chế?
- Năm 2022 thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ và cao hơn các năm trước nhưng tỉ lệ vẫn đạt thấp. Đây là một trong những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng của nước ta hiện nay.
Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp có nhiều nguyên nhân. Theo tôi, nguyên nhân căn cơ, cốt lõi nhất là sau khi bị phát hiện, đối tượng sai phạm đã tẩu tán hết tài sản, khi cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, bắt giữ đối tượng, kê biên, phong tỏa tài sản thì đã không còn nữa. Do đó, muốn thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả cao, khi phát hiện phải phong tỏa ngay tài sản bất động sản, tài sản trong ngân hàng của đối tượng vi phạm. Nếu đối tượng có hành vi tham nhũng mà bị phát hiện có hành vi tẩu tán, chuyển nhượng, bán tài sản đó cho những đối tượng khác cũng phải phong tỏa tài sản các đối tượng có liên quan.
Bên cạnh đó, cần động viên khuyến khích người thân đối tượng vi phạm hoàn trả lại những tài sản tham nhũng mà bị thất thoát. Ví dụ như vụ ông Nguyễn Đức Chung, khi tòa tuyên án ông Chung gây thất thoát tài sản, người thân ông Chung đã mang đến nộp để giảm hình phạt tù xuống. Đó cũng là một trong những hình thức thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả.
Năm 2022, về kiểm soát tài sản, thu nhập đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; đã xác minh tài sản, thu nhập đối với 7.662 người; đã được kiểm tra việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập đối với 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Kê khai tài sản, thu nhập… nếu làm tốt sẽ chặn được tham nhũng
Có ý kiến cho rằng, việc kê khai tài sản, thu nhập, kiểm soát tài sản sẽ kịp thời phát hiện ngăn chặn tham nhũng, ông đánh giá sao về việc này?
- Việc xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là nhiệm vụ thường xuyên theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, nhằm đánh giá tính chính xác, trung thực, đầy đủ, rõ ràng nội dung kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Cán bộ, công chức, viên chức… đều phải thực hiện. Qua công việc này cũng kịp thời ngăn ngừa, phát hiện xử lý hành vi vi phạm, khuyết điểm trong kê khai tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai. Nếu một cán bộ có 2 hay 3 căn nhà, nhưng trong bản kê khai chỉ nêu 1, thì khi xác minh và phát hiện, cá nhân đó sẽ bị xử lý theo quy định.
Hiện, có quy định mới là bốc thăm ngẫu nhiên hàng năm không dưới 10% là xác minh tài sản công chức viên chức. Do quá đông, cơ quan thanh tra không đủ lực lượng để xác minh hết những tài sản của đối tượng kê khai tài sản nên phải bốc thăm ngẫu nhiên, trúng ai thì kiểm tra tài sản đối với người đó. Điều này khiến bất cứ ai cũng có thể lọt vào danh sách xác minh bản kê khai, nên trước hết phải trung thực, minh bạch. Ngoài ra nếu phát hiện hành vi sai phạm, phát hiện qua đơn tố cáo, tố giác, cán bộ có nghi ngờ cũng sẽ tiến hành xác minh, thẩm tra, thẩm định kê khai tài sản của cán bộ đó.
Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng: Năm 2022 Cơ quan điều tra đã thụ lý 687 vụ án, 1.439 bị can; đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 336 vụ/765 bị can. Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 506 vụ/1.332 bị can; đã giải quyết 426 vụ/1.084 bị can. Tòa án Nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 577 vụ /1.399 bị cáo; đã giải quyết 533 vụ /1.272 bị cáo; trong đó đã xét xử 410 vụ/945 bị cáo. Công tác thi hành án đã thi hành xong 1.895 việc (tăng 290% so với năm 2021).
Thực tế hiện nay mới chỉ kiểm soát tài sản của cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống, còn tài sản do người thân của họ đứng tên sở hữu vẫn là một khoảng trống lớn?
- Việc xác minh bản kê khai thu nhập, tài sản chưa đi vào thực chất khiến không ít trường hợp kê khai không trung thực, che giấu tài sản. Tài sản bất minh mới phải che giấu. Chúng ta yêu cầu kê khai, nhưng không xác minh tính trung thực, tính chính xác, việc kê khai không mang nhiều ý nghĩa. Như vậy, công tác phòng chống tham nhũng sẽ không đạt hiệu quả được. Do đó, quá trình xác minh phải được thực hiện công tâm, công khai, minh bạch. Trường hợp phát hiện các bản kê khai có vi phạm, cần công khai, xử lý đúng quy định, tránh tình trạng nể nang, bao che, tiếp tay cho vi phạm.
Xin cảm ơn ông!
Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được thực hiện đồng bộ
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được tổ chức thực hiện đồng bộ và toàn diện, một số biện pháp hiệu quả thấp. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống tham nhũng hiệu quả chưa cao. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả...
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Chính phủ đã tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện giảm 36,68%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ phát hiện tăng 40,97%...
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng