Tham nhũng qua quan hệ tình dục: Lưới trời tuy thưa mà khó thoát

Google News

Theo các chuyên gia pháp lý, việc chứng minh hành vi phạm tội "Hối lộ tình dục" giữa bên cho và bên nhận không dễ, tuy nhiên, không phải không chứng minh được.

"Hối lộ tình dục" - còn nhiều băn khoăn
Mới đây, Sở Tư pháp TPHCM tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn nội dung, công tác tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Báo cáo viên của hội nghị là thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt - Phó Chánh tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân TPHCM.
Theo thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt, hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định của hối lộ không chỉ tiền, tài sản, mà còn bổ sung thêm lợi ích phi vật chất, như "hối lộ tình dục". Nghĩa là, nếu cán bộ nào thụ hưởng về tình dục, sẽ bị xử lý hành vi này về tội Nhận hối lộ.
Tham nhung qua quan he tinh duc: Luoi troi tuy thua ma kho thoat
Ảnh minh họa.
Quy định mới khiến dư luận băn khoăn về việc khó chứng minh hành vi "hối lộ tình dục". Dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật LSX) cho biết, khái niệm "hối lộ tình dục" rất mới mẻ. Song, phải nhìn nhận thực tế rằng, ở nước ta hiện nay, có việc dùng tình dục để hối lộ.
Theo luật sư, hành vi hối lộ bằng lợi ích phi vật chất như "hối lộ tình dục" là hành động cá biệt, rất khó phát hiện trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Song "lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát".
Trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử về tội danh này, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ lấy lời khai, thu giữ tài liệu ghi âm, ghi hình, phối hợp với hoạt động đối chất và các nghiệp vụ khác để xác định đối tượng đưa hối lộ là lợi ích phi vật chất.
"Lợi ích phi vật chất này thường bị che dấu, nhầm lẫn với các quan hệ tình cảm dân sự thông thường. Tuy nhiên, hậu quả của nó sẽ làm sai lệch hành vi đúng đắn của của cơ quan, tổ chức, người có chức vụ, quyền hạn.
"Hối lộ tình dục" không chỉ căn cứ vào việc quan hệ tình dục
Luật sư Giang Hồng Thanh nêu quan điểm, để xác định được việc quan hệ tình dục có phải là hành vi "hối lộ tình dục" hay không, không chỉ căn cứ vào việc hai bên quan hệ tình dục, mà còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác, như lời khai của hai bên, của người làm chứng, hoặc căn cứ vào những hành vi bất thường của người có chức vụ, quyền hạn.
"Mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động giao cấu với lợi ích của người giao cấu và người có chức vụ, quyền hạn được hưởng - sau khi giao cấu cũng là một trong những căn cứ để xác định hoạt động giao cấu đó có phải là "hối lộ tình dục" hay không?", luật sư Thanh phân tích.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính (Bộ Tư pháp) - cho biết, "hối lộ tình dục" là vấn đề chúng ta mới tiếp cận với các Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng.
"Để chứng minh được hành vi phạm tội "hối lộ tình dục" chỉ cần chứng minh được có sự thỏa thuận giữa người đưa và người nhận hối lộ tình dục", ông Dũng nói.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, quan điểm phải quan hệ tình dục với nhau trong nhà nghỉ, khách sạn mới là "hối lộ tình dục" là không đúng. Chỉ cần có sự thống nhất, thỏa thuận về mặt ý chí, có ghi âm, ghi hình, có người làm chứng (trên thực tế có việc môi giới hối lộ), các bên thừa nhận... đã chứng minh được hành vi phạm tội này.
Theo Cường Ngô / Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)