Ông Phan Văn Vĩnh nhận tội tại tòa, cảm thấy hết sức day dứt, ân hận

Google News

(Kiến Thức) - Bị cáo Phan Văn Vĩnh cho biết, với trách nhiệm của mình là Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, trong 6,5 ngày bị cáo ngồi nghe xét xử, lắng nghe 90 phiên thẩm vấn các bị cáo, thật sự trong lòng hết sức day dứt, hối hận.

Chiều ngày 19/11, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tiến hành thẩm vấn bị cáo Phan Văn Vĩnh liên quan việc “bảo kê” đường dây đánh bạc ngàn tỷ của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam.
Ông Phan Văn Vĩnh thấy hết sức day dứt, hối hận
Bị cáo Phan Văn Vĩnh bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong suốt 6 ngày đầu diễn ra phiên xét xử, ngồi ở vị trí dành cho các bị cáo, ông Phan Văn Vĩnh liên tục gặp vấn đề về sức khỏe, một số lần phải vào phòng y tế.
Do vậy, trước khi bước vào phần thẩm vấn, chủ tọa phiên tòa đã hỏi ông Vĩnh có cần bố trí ghế ngồi không? Ông Phan Văn Vĩnh xin được đứng trình bày, lúc nào sức khỏe có dấu hiệu không đảm bảo sẽ xin HĐXX cho ngồi.
Trả lời câu hỏi của HĐXX, ông Phan Văn Vĩnh thừa nhận việc bị viện kiểm sát truy tố trong cáo trạng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ là đúng.
Ong Phan Van Vinh nhan toi tai toa, cam thay het suc day dut, an han
Ông Phan Văn Vĩnh tại phiên thẩm tra. 
Bị cáo Phan Văn Vĩnh cho biết, với trách nhiệm của mình trong 6,5 ngày bị cáo ngồi nghe xét xử, lắng nghe 90 phiên thẩm vấn các bị cáo, thật sự trong lòng hết sức day dứt, hối hận.
"Bởi vì 92 bị cáo cùng với 92 gia đình đã bị lâm vào lao lý. Không những vậy, nghiêm trọng hơn, hàng triệu triệu người khác ngoài xã hội cũng liên lụy vụ án này. Chắc chắn giờ này, họ đã và đang có những đau khổ. Như vậy đây là vụ án đặc biệt nhiêm trọng đối với xã hội, gây ra bất an. Bị cáo thấy rất là thấm thía, rất là ấn hận”, ông Phan Văn Vĩnh nói. Bị cáo cao tuổi nhất vụ này cũng cho biết, với chức vụ Tổng cục trưởng, từng là người chỉ huy trong cơ quan điều tra, phòng, đấu tranh tội phạm lẽ ra bị cáo phải làm tốt hơn để vụ án không xảy ra.
Chọn CNC làm công ty nghiệp vụ của C50, lý do vì sao?
Ông Phan Văn Vĩnh cũng cho biết, ông là chỉ huy cấp trên của Nguyễn Thanh Hóa. Khi nói về mối quan hệ giữa ông Vĩnh và ông Hóa trong 8 năm hoạt động, chưa lúc nào có mâu thuẫn giữa cấp trên với cấp dưới và chưa có mâu thuẫn cá nhân giữa ông với Nguyễn Thanh Hóa.
Đồng thời cho biết, công ty CNC là “mối quan hệ đối tác thực hiện nghiệp vụ của C50” khi nói về mối quan hệ giữa ông Hóa đối với Nguyễn Văn Dương.
Theo lời ông Phan Văn Vĩnh, ông biết Nguyễn Văn Dương thời điểm bắt đầu về Tổng cục Cảnh sát nhận nhiệm vụ vào năm 2011. Thời điểm đó, khi về nhận nhiệm vụ Tổng cục trưởng, C50 đã được thành lập và hoạt động và có thẩm quyền được thành lập công ty nghiệp vụ phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Trả lời câu hỏi Vì sao Tổng cục cảnh sát lựa chọn công ty của Nguyễn Văn Dương làm công ty nghiệp vụ? Ông Phan Văn Vĩnh nói rằng, trong sự nghiệp đấu tranh tội phạm các loại thì theo quyết định 450 của Bộ trưởng công an, C50 được tổ chức thực hiện đơn vị nghiệp vụ đấu tranh phòng chống tội phạm. “Do vậy C50 sử dụng đơn vị nghiệp vụ là đúng quy định của lãnh đạo Bộ", ông Vĩnh nói.
Ông Phan Văn Vĩnh cũng cho biết, việc chọn công ty nghiệp vụ đã được Ban thường vụ của Tổng cục thảo luận và đi đến thống nhất lập tờ trình. C50 cũng đã báo cáo Bộ Công an thành lập công ty bình phong, công ty nghiệp vụ”.
Theo lời ông Vĩnh, sau khi xét các điều kiện có được, C50 đã báo cáo xin thành lập công ty nghiệp vụ. Mà công ty này ban đầu là công ty TNHH, C50 cử người góp vốn để tham gia ký kết hợp tác. Cục trưởng C50 là người chịu trách nhiệm việc thành lập công ty nghiệp vụ. Theo quy định lúc đó, trong nội bộ biết được đó là công ty nghiệp vụ nên không được thảo luận cụ thể tên của công ty này mà chỉ được nói về mặt mô hình. Còn việc sử dụng như thế nào là bí mật của lực lượng công an.
Ông Phan Văn Vĩnh cho biết không trực tiếp quản lý CNC, chỉ nhận báo cáo Công ty này qua C50 vì: “Bị cáo rất bận, có 16 đầu mối là thành tố quản lý hơn nữa ở C50 có 1 tổng cục phó phụ trách. Vì vậy, khi nhận báo cáo bị cáo rất tin tưởng”. Nguyên Trung tướng công an cũng phủ nhận biết việc Cty CNC được cấp xe biển xanh. 
Cho CNC thuê trụ sở tại số 10 Hồ Giám là bình thường
Nói về việc cho thuê CNC thuê trụ sở của Tổng cục Cảnh sát tại số 10 Hồ Giám là trụ sở đặt các máy chủ cho game cờ bạc, bị cáo Phan Văn Vĩnh cho rằng: “Đây gần như là 1 căn hộ nhỏ chứ không phải như trụ sở” và nói thêm: “Ngôi nhà 10 Hồ Giám là căn hộ được phân chia nhỏ lẻ, do vậy CNC đề nghị thuê làm trụ sở bị cáo cho rằng là giải pháp hợp lý”.
Ông Phan Văn Vĩnh cho rằng, việc cho thuê này là bình thường vì không phải là trụ sở to lớn mà cũng giống như căn hộ của dân.
Tại tòa, ông Phan Văn Vĩnh cũng thừa nhận, quyết định công nhận CNC là công ty nghiệp vụ do bị cáo ký. Đồng thời, khi ký, ông Phan Văn Vĩnh có yêu cầu công ty CNC hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật.
Ông Phan Văn Vĩnh cho biết, không hay biết CNC phối hợp với VTC online vận hành game bài Rikvip. Đến năm 2016, mới biết, CNC hợp tác với VTC online thông qua báo cáo không số của Cục trưởng C50 và báo cáo của Phó tổng cục trưởng Nguyễn Công Sơn ký.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc quá trình điều tra, bị cáo có bị bức cung, nhục hình không? Ông Vĩnh mỉm cười, nói: “Dạ, không ạ”.
Khi được Thứ trưởng Lê Quý Vương yêu cầu báo cáo, ông đã yêu cầu C50 báo cáo về việc trang Rikvip chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. Tuy nhiên, bị cáo Phan Văn Vĩnh cho biết, thời điểm này khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo về game bài nhưng ông vẫn tiếp tục ký văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cấp phép cho game bài Rikvip.
Trả lời chủ tọa về việc tại sao khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo nhưng bị cáo không trả lời mà tiếp tục chỉ đạo ký văn bản xin bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cho game bài Rikvip, ông Phan Văn Vĩnh cho biết, do áp lực công việc bởi giai đoạn đó có nhiều vụ án giết người nên bị cáo quên báo cáo việc liên quan đến game bài Rikvip.
Nói về việc đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cho game bài Rikvip, ông Vĩnh giải thích là do nhận thức bộ này là chủ quản lĩnh vực liên quan do đó cần phải xin phép để được hoạt động.
Ông Vĩnh cũng cho biết, ông Nguyễn Thanh Hóa có văn bản báo cáo Bộ trưởng và có nói với ông Vĩnh việc cho CNC được tiếp tục. Khi đó, ông Vĩnh đã yêu cầu đấu tranh, bóc dỡ dấu hiệu chơi cờ bạc online nhưng Nguyễn Thanh Hóa nói rằng, CNC không phải tổ chức đánh bạc.
“Khi đó, Hóa nói là anh không ký thì em ký nhưng anh không ký làm sao em đưa lên Bộ trưởng được, anh bút phê vào đây đi nên tôi ký", ông Vĩnh nói sau khi biết CNC tổ chức đánh bạc, bị cáo không ký văn bản nào nữa. Ông Phan Văn Vĩnh cũng tỏ ra hối hận vì thiếu thông tin dẫn đến hậu quả hết sức nặng nề.

Nguyễn Văn Dương khai cho Phan Văn Vĩnh bao nhiêu tiền?

Tại phiên thẩm tra chiều 19/11, Nguyễn Văn Dương tiếp tục lên bục khai báo để xét hỏi. Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi cho Nguyễn Văn Dương về việc trong quá trình cùng Phan Sào Nam vận hành game bài Rikvip có cho ai tài sản gì không? Tuy nhiên, Dương nói rằng, do bị cáo cho nhiều lần nên không nhớ chi tiết.

Chủ tọa sau đó đề nghị Viện kiểm sát trình chiếu công bố bản cungcủa bị cáo Nguyễn Văn Dương tại cơ quan điều tra.

Theo đó, về cá nhân ông Phan Văn Vĩnh - cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, trong giai đoạn công ty CNC mới vận hành chưa có nhiều lợi nhuận nên mỗi tháng Dương cho ông Vĩnh 2 tỷ đồng trong thời gian 12 tháng. Giai đoạn sau, Dương biếu ông Vĩnh mỗi tháng 200.000 USD, tổng cộng là 1,2 triệu USD. Đến tháng 7/2017, Dương biếu Phan Văn Vĩnh 3 tỷ đồng. Ngoài ra, Tết 2013 biếu ông Vĩnh 20.000 USD; Tết 2014, biếu 50.000 USD; Tết 2015 biếu 20.000 USD; Tết 2016 biếu 10.000 USD.

Chưa dừng lại, Tết 2014, Dương biếu ông Phan Văn Vĩnh 1 chiếc đồng Rolex trị giá 7.000 USD. Trong lần đi nước ngoài, bị cáo Dương có mua cho ông Vĩnh 2 chiếc áo sơ mi trị giá từ 100 đến 200 USD. Những lần đưa tiền và USD cho ông Phan Văn Vĩnh, Dương đưa đến phòng làm việc của ông Vĩnh tại tầng 9 ở số 47 Phạm Văn Đồng (Hà Nội).

Về nguồn gốc số tiền USD, Dương khai đã đổi từ tiền Việt Nam sang tiền USD rồi biếu cho ông Phan Văn Vĩnh. Việc biếu cho ông Vĩnh là tự nguyện, ông Vĩnh cũng không ép buộc hay yêu cầu gì. Bản thân Dương tự nhận thấy rằng ông Vĩnh có tạo điều kiện cho công ty CNC trong hoạt động game bài và có lợi nhuận lớn nên biếu tiền.

Ngoài ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Dương còn biếu cho ông Nguyễn Công Sơn - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát 50 triệu đồng.

Đối với Nguyễn Thanh Hóa – cựu Cục trưởng C50, trong giai đoạn vận hành, Dương có cho với tổng số tiền 24 tỷ đồng. “Anh Nguyễn Thanh Hóa có đến Cty CNC để lấy tiền. Trước khi đến, anh có điện cho tôi. Việc tôi cho anh Hóa tiền là do anh Hóa nói với tôi là hàng tháng lo cho anh Hóa tiền. Lúc đó, tôi hiểu, kinh doanh hệ thống game bài có lợi nhuận thì phải lo cho anh Hóa tiền”, chủ tọa đọc lời khai của Dương.

Tại tòa, Dương xác định đúng là lời khai của bị cáo và việc cho tiền là do bị cáo tự nguyện.

PV Kiến Thức tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa trên...
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)