Sáng 19/11, phiên tòa xét xử ông Phan Văn Vĩnh và 91 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ tiếp tục với phần xét hỏi. Đáng chú ý, trong sáng nay, luật sư đề nghị HĐXX cho được xét hỏi tiếp Phan Sào Nam – cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty VTC Online.
“Ông trùm” đường dây cờ bạc nghìn tỷ khóc nghẹn tại tòa
Tại phiên xét hỏi sáng 19/11, trả lời câu hỏi của luật sư về hai căn nhà M9 và M10 tại quận 9, TP HCM, bị cáo Phan Sào Nam cho biết, hai căn nhà trên do vợ chồng Nam mua và được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất năm 2014. Thời điểm đó, chưa có game bài Rikvip. “Số tiền mua căn nhà này là bằng tiền tiết kiệm”, Phan Sào Nam nói.
Khi Luật sư đề cập đến việc, Phan Sào Nam có 3 con còn rất nhỏ (cháu lớn mới hơn 10 tuổi, cháu bé nhất hơn 1 tuổi). Khi bán nhà vợ con ở đâu?, bị cáo Phan Sào Nam đã khóc nghẹn và cho biết, hiện vợ con đang phải ở nhà thuê, 3 con nhỏ của bị cáo được ông bà nuôi. Hiện vợ chồng Nam đã bán hết nhà để khắc phục hậu quả.
|
Phan Sào Nam nói về vợ con đi thuê nhà trong phiên xét hỏi sáng 19/11. |
Tại phiên tòa sáng nay, bà Phan Thu Nga – mẹ đẻ Phan Sào Nam tham gia với tư cách người tham gia tố tụng khác nói rằng, bà muốn nhắn với con bà rằng: “Mẹ con tôi đã đi với nhau từ khi sinh cháu ra, cháu mãi mãi là người con ngoan, học giỏi. Tôi mong sau sự việc này cháu nâng cao hiểu biết pháp luật. Nam còn 3 cháu nhỏ, các cháu còn quá bé và rất cần sự quan tâm của người bố, các cháu có ông bà chăm sóc nhưng không thể bằng bố được. Ba cháu là tương lai của đất nước. Tôi kính xin quý toà hiểu được tấm lòng người mẹ của tôi".
Cú sốc của “ông trùm” cờ bạc Phan Sào Nam
Trước đó, trong phần xét hỏi ngày 17/11, bị cáo Phan Sào Nam khi trả lời HĐXX về việc bị cáo trốn truy nã ở nước ngoài trong một thời gian đã cho biết, bị cáo chịu cú sốc lớn khi biết đang bị điều tra.
Cụ thể, trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc “vì sao bị cáo biết để trốn?”, Phan Sào Nam khai rằng, khi đó đi công tác nước ngoài chứ không hề có ý định bỏ trốn.
“Bị cáo đi nước ngoài công tác từ 2/9/2017 và lúc đi chưa có việc bị khởi tố và suốt thời gian đi không được nhận thông tin chính thức nào có lệnh truy nã hay khởi tố cho đến khi quay lại.
Khi ra nước ngoài bị cáo có nghe nói đến việc điều tra nên bị sốc và muốn được ở lại nước ngoài một thời gian để suy nghĩ. Lúc đó bị cáo còn không hiểu được thế nào là khởi tố, thế nào là điều tra", Phan Sào Nam trả lời trước tòa.
|
Bị cáo Phan Sào Nam. |
Cũng theo lời bị cáo Phan Sào Nam, khi về Việt Nam đến cơ quan điều tra, mới được xem tận mắt về lệnh khởi tố, truy nã và lệnh này ký từ ngày 12/9, tức là sau 10 ngày Phan Sào Nam ra khỏi Việt Nam.
Bị cáo Phan Sào Nam cũng khai rằng, khi ở nước ngoài, gia đình bị cáo có thông tin về việc cơ quan điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ muốn làm việc với bị cáo.
Cuộc chia chác nghìn tỷ
Kết quả điều tra cho thấy, thỏa thuận tỷ lệ phân chia doanh thu theo Phụ lục hợp đồng số 01 ngày 01/4/2015: “Nếu doanh thu đến 05 tỷ đồng/tháng, thì Công ty CNC hưởng 30%, VTC Online hưởng 70%; Nếu doanh thu từ trên 05 tỷ đồng/tháng đến dưới 15 tỷ đồng, thì CNC hưởng 35%, VTC Online hưởng 65%; Nếu doanh thu trên 15 tỷ đồng/tháng, thì CNC được hưởng 40%, VTC Online hưởng 60% ...”, mỗi tháng, 02 kỳ, Công ty CNC và Công ty VTC Online ký đối soát để thanh toán hợp đồng.
Sau khi trừ chi phí trả thưởng cho đối tượng đánh bạc, chi phí quản lý, trả lương và nộp thuế của các công ty vận hành, Phan Sào Nam được hưởng lợi gần 1.500 tỷ đồng, Nguyễn Văn Dương hơn 1.600 tỷ đồng, Hoàng Thành Trung và 2 người khác là Lê Văn Kiên và Phan Anh Tuấn được lợi tổng số tiền gần 1.600 tỷ đồng.
Tại phiên xét hỏi, Phan Sào Nam cho biết, giai đoạn 1, số tiền mà VTC Online nhận được khoảng 2.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2, tiền thu được từ hệ thống game, Phan Sào Nam nhận phần chia sẻ doanh thu từ Nguyễn Văn Dương và bên phía Phan Sào Nam không hạch toán vào các pháp nhân.
|
Bị cáo Nguyễn Văn Dương. |
Về số tiền này, Phan Sào Nam khai rằng, do game này có tính chất đổi thưởng, doanh thu khoảng hơn 9.000 tỷ đồng phần lớn để đổi thưởng cho người chơi, còn lại bị cáo chi phí cho chi phí vận hành khác. Vì cá nhân bị cáo không trực tiếp vận hành kỹ thuật nên bị cáo không rõ chi tiết chi phí đó, bị cáo chỉ chuyển tiền theo yêu cầu khi mà các bên yêu cầu thanh toán.
Phan Sào Nam khai sau khi phân chia doanh thu từ CNC chuyển lại, bị cáo chịu chi phí rất lớn đó là chi phí đổi thưởng cho người chơi, bên cạnh đó còn chi phí rất lớn nữa là vận hành hệ thống.
Về số tiền được hưởng lợi từ đường dây đánh bạc, Phan Sào Nam thừa nhận hưởng lợi 1.475 tỷ đồng. Số tiền này, bị cáo chuyển cho dì ruột 236 tỷ đồng cất giữ hộ, sau đó nhờ đầu tư sinh lời. Ngoài ra, còn gửi cho người thân, bạn bè, thành lập các công ty khác, đầu tư bất động sản.
Kết luận điều tra cũng nêu rõ, Phan Sào Nam có 3 triệu USD gửi tại ngân hàng Singapore.
Trả lời HĐXX, về nguồn gốc số tiền 3,5 triệu USD hiện đang gửi ở ngân hàng bên Singapore, Phan Sào Nam khai rằng, nguồn gốc số tiền này bạn trả nợ cho bị cáo. Số tiền này trước đây bạn Nam vay ở Việt Nam tương đương 3,5 triệu USD. Sau này bạn của Nam sang Singapore và trả lại cho bị cáo.
Phan Sào Nam cũng cho biết: “Đây là số tiền thu lợi được từ đường dây đánh bạc” và giải thích khoản tiền này không phải là "rửa tiền" mà đã tự nguyện chủ động báo cáo đề xuất cơ quan điều tra. "Ở đây, không hề có sự chuyển tiền từ Việt Nam đi sang Singapore", Phan Sào Nam nói.
Tại phiên tòa, Phan Sào Nam cho biết, toàn bộ tài sản của bị cáo đến nay đã bị cơ quan điều tra phong tỏa. Bị cáo đã nộp được hơn 1.088 tỷ, phong tỏa tài sản là 249 tỷ đồng. Tương ứng 1.337 tỷ đồng. "Bị cáo đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả”, Phan Sào Nam cho biết.
Cũng tại phiên tòa trên, luật sư Giang Hồng Thanh, bào chữa cho bị cáo Phan Sào Nam cho hay, tổng số tiền mặt và giá trị tài sản Nam giao nộp cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ để khắc phục hậu quả đến thời điểm này là hơn 1.300 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trước khi phiên tòa diễn ra vài ngày, Phan Sào Nam phối hợp với gia đình bán 3 căn nhà được thêm 240 tỷ đồng và đã nộp toàn bộ số tiền này với Cục thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ để khắc phục hậu quả.