Bảo vệ ngân hàng không quyết liệt khi đối mặt tên cướp
Ngày 9/1, Công an TP Hải Phòng đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Cưới tài sản”, tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Nam (SN 1988, trú tại huyện Cát Hải, Hải Phòng) để điều tra về hành vi “Cướp tài sản”. Nam đã nghi phạm đã dùng súng thực hiện vụ cướp tại phòng giao dịch ngân hàng Vietcombank ở đường Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An vào chiều 7/1. Nghi phạm này bị cảnh sát bắt giữ vào 11h ngày 9/1 tại nhà nghỉ Bắc Sơn, phường Bắc Sơn, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
|
Nguyễn Văn Nam - nghi phạm gây ra vụ cướp ngân hàng. |
Trong vụ án trên, một tình huống gây tranh cãi ở thời điểm xảy ra vụ việc, bảo vệ tại phòng giao dịch ngân hàng Vietcombank Đình Vũ tỏ ra khá bình tĩnh khi tên cướp giơ súng để uy hiếp nữ nhân viên ngân hàng đưa tiền.
Đoạn clip ghi lại vụ việc thể hiện, nghi phạm rất bình tĩnh tiếp cận ngân hàng, cầm súng đe doạ nhân viên, cướp tiền trong ngân hàng. Trong khi đó một bảo vệ có mặt trong phòng giao dịch thời điểm tên cướp xuất hiện cũng rất bình tĩnh khi hai tay chắp sau lưng. Tên cướp thực hiện hành vi cướp hơn 3 tỷ rất dễ dàng không gặp bất cứ sự kháng cự nào từ phía cán bộ ngân hàng cũng như lực lượng bảo vệ.
|
Bảo vệ rất bình tĩnh khi tên cướp giơ súng uy hiếp. |
Nhiều ý kiến cho rằng, bảo vệ bình tĩnh trong tình huống này là đúng khi nghi phạm thực hiện vụ cướp đang sử dụng súng, có thể sẽ trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng bảo vệ và những người có mặt tại phòng giao dịch.
Nêu ý kiến về tình huống này, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là tình huống gây tranh cãi nhất, bởi khi tên cướp dùng súng đe dọa nhân viên ngân hàng để lấy tiền, bảo vệ vẫn ung dung chấp tay sau đít đi lại như không có chuyện gì xảy ra. Khi đối tượng cầm túi tiền đi ra ngoài một mình cũng không có sự truy hô, đuổi bắt...
Theo luật sư Cường, tình huống này có thể sẽ là một bài học trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại ngân hàng, không để đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản một cách dễ dàng như vậy.
“Clip thể hiện rất rõ chỉ có một đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản với hành động rất lóng ngóng, thiếu chuyên nghiệp nhưng có lẽ không có bất cứ một sự chống trả, can thiệp nào từ phía lực lượng giữ gìn an ninh, bảo vệ của chi nhánh ngân hàng. Nếu những người có mặt trên hiện trường ẩn nấp, hô hoán, bấm còi báo động, ném đồ vật ra hoặc anh bảo vệ thực hiện một trong các hoạt động nghiệp vụ của mình thì có lẽ diễn biến sự việc có thể sẽ rất khác, chưa chắc đối tượng đã có thực hiện được mục đích của mình, thậm chí có thể bắt giữ ngay tại hiện trường”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Đồng thời cho rằng, các ngân hàng, cửa hiệu vàng bạc, các tổ chức tín dụng những nơi có nhiều tiền vàng, tài sản cần phải nâng cao cảnh giác, tập huấn nghiệp vụ đề ra các phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra. Các ngân hàng, các tổ chức tín dụng nên thuê các đơn vị bảo vệ chuyên nghiệp, có công cụ hỗ trợ, tránh việc sử dụng những người bảo vệ kiêm trông xe thiếu nghiệp vụ và không có khả năng ứng phó với các tình huống xảy ra.
Xe mô tô 700 triệu đồng
Một tình huống khác gây tranh cãi chính là việc sau khi thực hiện vụ cướp ngân hàng, tên cướp đã đến Hà Nội mua 1 xe mô tô Kawasaki Ninja ZX-10R 2021 phân khối lớn, trị giá 700 triệu đồng. Trường hợp tên cướp sử dụng tiền cướp từ ngân hàng để mua xe, người bán xe có phải trả lại tiền và nhận xe lại?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho rằng, đối với chiếc xe mô tô Kawasaki Ninja ZX-10R 2021 mà đối tượng dùng tiền chiếm đoạt mua hơn 700 triệu, Cơ quan điều tra sẽ thu hồi để trả cho Ngân hàng. Trường hợp có tranh chấp về tài sản giữa đối tượng và bên bán thì sau này khi xét xử, Tòa án sẽ tách ra một vụ kiện dân sự khác để giải quyết theo quy định của pháp luật.
|
Nam lấy tiền vừa cướp được để mua xe mô tô phân khối lớn với giá 700 triệu đồng |
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trường hợp nghi phạm cướp tài sản không nói đây là số tiền do cướp ngân hàng, người bán xe mô tô phân khối lớn cũng không biết đây là đối tượng vừa cướp ngân hàng thì giao dịch mua bán này có thể hợp pháp.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ thủ tục mua bán chiếc xe này được thực hiện như thế nào. Theo quy định của pháp luật, chiếc xe mô tô là tài sản có đăng ký quyền sở hữu, bởi vậy việc mua bán phải có hợp đồng bằng văn bản phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc mua bán chưa hoàn thành về mặt thủ tục, giao dịch này chưa hợp pháp, bên bán xe có quyền yêu cầu nhận lại chiếc xe này và nộp lại số tiền đã nhận của đối tượng gây án để trả lại cho phía người bị hại là ngân hàng.
Trường hợp mua bán hoàn thành, hai bên đã ký hợp đồng bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, đã đăng ký theo quy định pháp luật. Tại thời điểm mua bán bên bán không có nghĩa vụ phải biết và không thể biết được số tiền đó do phạm tội mà có, hợp đồng mua bán có hiệu lực pháp luật, bên bán được xác định là người thứ ba ngày tình theo quy định của bộ luật dân sự và pháp luật phải bảo vệ quyền lợi của người thứ ba này.
“Trong trường hợp này, chiếc xe là tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có sẽ bị thu giữ, bị phát mãi để thu tiền trả lại cho bên bị hại. Còn số tiền bán xe trong hợp đồng được xác định là hợp pháp thì không có quyền đòi lại. Tiền nếu đã được đưa vào lưu thông, không còn thu giữ được, việc lưu thông thực hiện bằng các giao dịch hợp pháp, cơ quan tố tụng không có căn cứ để thu lại số tiền đó. Nếu vật chứng của vụ án là vật đặc định, hoặc tài sản được mang trao đổi, mua bán bằng các giao dịch không hợp pháp, người đang chiếm giữ tài sản là vật chứng của vụ án có trách nhiệm phải trả lại, giao nộp cho cơ quan tố tụng để trả lại cho người bị hại”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Do vậy, việc mua bán chiếc xe mô tô này có hiệu lực pháp luật hay không, ý chí của các bên như thế nào là những yếu tố quan trọng để cơ quan tố tụng quyết định sẽ thu hồi số tiền hay thu giữ chiếc xe này để bán đi, hay trả lại cho cơ sở kinh doanh.
|
Tang vật vụ án. |
Nghi phạm phạm mấy tội danh?
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội cướp tài sản theo điều 168 bộ luật hình sự năm 2015 để tiến hành hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.
Theo đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hung khí đối tượng sử dụng khi thực hiện vụ cướp là hung khí gì. Trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng sử dụng vật nghi là súng hoặc sống thật khiến các cán bộ, nhân viên ngân hàng sợ hãi, tê liệt ý chí kháng cử dẫn đến việc đối tượng chiếm đoạt số tiền hơn 3 tỷ đồng, hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm và đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân theo Điều 168, BLHS năm 2015 về Tội cướp tài sản.
|
Khẩu súng nghi phạm sử dụng thực hiện cướp ngân hàng. |
Đồng thời, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ khẩu súng mà đối tượng này sử dụng có phải là vũ khí quân dụng hay không. Trường hợp đây là vũ khí quân dụng hoặc có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng thì đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự thêm tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có đối tượng nào giúp sức, xúi giục hoặc chủ mưu chỉ đạo đối tượng này thực hiện hành vi cướp tài sản hay không nếu có sẽ tiếp tục khởi tố bị can đối tượng có cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội về tội cướp tài sản với vai trò đồng phạm. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi cướp tài sản có được ai che giấu, giúp sức bỏ trốn hay không. Trường hợp có căn cứ cho thấy có người biết đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản nhưng đã không tố giác, có hành vi giúp sức cho đối tượng để che giấu hành vi phạm tội sẽ khởi tố thêm người vi phạm về tội che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015.
>>> Mời độc giả xem clip cảnh sát khống chế tên cướp ngân hàng ở nhà nghỉ tại Thái Nguyên: