Ngày 12/9, Công an huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cho biết đã khởi tố 5 nhân viên bốc xếp tại Sân bay Nội Bài là Nguyễn Văn Thịnh, 29 tuổi; Phạm Văn Trường, 33 tuổi; Nguyễn Minh Thảo, 29 tuổi; Trần Văn Thành, 31 tuổi và Phạm Văn Tuấn, 27 tuổi, để điều tra về tội Trộm cắp tài sản. Ngày 22/8, 5 người làm chung một ca với nhiệm vụ bốc xếp hành lý ký gửi của khách đi tàu bay tại đảo hành lý số 4, tầng 1 ga quốc nội đi, nhà ga T1, sân bay quốc tế Nội Bài. Cả nhóm thống nhất nếu thấy hành lý nào dễ mở khóa sẽ trộm cắp.
|
Các đối tượng tại cơ quan Công an. |
Khoảng 12h10 cùng ngày, Thịnh phát hiện valy của một nữ hành khách không chắc chắn nên giật khóa, trộm một tai nghe AirPods Pro và 500 Euro tiền mặt. Khi Thịnh trộm đồ, những người còn lại đứng ngoài cảnh giới. Thịnh giữ tai nghe sử dụng, còn 500 Euro đi đổi được 12,6 triệu đồng chia cho cả nhóm tiêu xài. Kết thúc chặng bay Hà Nội - Cam Ranh, nữ hành khách về đến Cam Ranh mới phát hiện bị mất cắp tài sản nên trình báo cảnh sát. Nhóm này khai với cùng thủ đoạn như trên đã thực hiện trót lọt nhiều vụ trộm trước đó.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, những thông tin về việc hành khách trên các chuyến bay tố bị mất cắp tài sản từ hành lý ký gửi không phải là chuyện mới xảy ra, tuy nhiên việc phát hiện, xử lý các đối tượng trộm cấp như vụ việc này là không hiểu bởi vậy có lẽ vụ việc này sẽ khiến nhiều nạn nhân cảm thấy giảm bớt bức xúc, các hành khách trên các chuyến bay sẽ phần nào an tâm hơn về hành lý ký gửi của mình.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Luật sư Cường cho biết thêm, với kết quả điều tra xác minh ban đầu như vậy thì việc cơ quan điều tra khởi tố các đối tượng này về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại điều 173 bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Như vậy, dưới góc độ pháp lý thì hành vi trộm cắp tài sản là hành vi lén lút để chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, điều 173 bộ luật hình sự.
"Theo thông tin bước đầu từ phía cơ quan chức năng thì các đối tượng này đã có tự bàn bạc, phân công nhiệm vụ để cùng thực hiện hành vi trộm cấp tài sản, tài sản trộm cắp chị giá hàng chục triệu đồng. Bởi vậy, hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại điều 173 bộ luật hình sự về tội trộm cắp tài sản. Các đối tượng này sẽ phải đối mặt với hình phạt là phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp hành vi được xác định là phạm tội có tổ chức hoặc tài sản chiếm đoạt từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng thì hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Có thể nói rằng các đối tượng này có nghề nghiệp ổn định, thu nhập cũng không phải là thấp nhưng vì lòng tham và ý thức coi thường pháp luật nên đã cố ý thực hiện hành vi phạm tội, gây mất an toàn hàng không, ảnh hưởng uy tín của các hãng hàng không và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các đối tượng này là rất cần thiết để đảm bảo an ninh an toàn, đảm bảo hoạt động giao thông vận tải hàng không là hoạt động văn minh, nâng cao chất lượng phục vụ và đảm bảo an toàn về tài sản cho hành khách", luật sư Cường phân tích.
Theo luật sư Cường, thời gian qua không ít những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã xảy ra đối với các tiếp viên hàng không như vận chuyển trái phép hàng hóa, buôn lậu, thậm chí vận chuyển ma túy, rồi ghi án bán dâm, môi giới mại dâm, đến nay lại phát hiện vụ việc nhân viên sân bay trộm cấp tài sản của hành khách... Những vụ việc này cho thấy đã đến lúc cần siết chặt công tác quản lý lĩnh vực giao thông hàng không. Cần tuyển chọn kỹ lưỡng, tăng cường đào tạo bồi dưỡng và xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm để làm sao cho hoạt động giao thông vận tải hàng không là hoạt động thực sự văn minh, an toàn tuyệt đối cho hành khách, giữ gìn uy tín của các hãng hàng không Việt Nam với bạn bè quốc tế.
"Với các đối tượng coi thường pháp luật, vì lòng tham mà bất chấp để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì cần phải được phát hiện kịp thời, loại bỏ khỏi môi trường làm việc này để đảm bảo an ninh an toàn hàng không, đảm bảo cho hoạt động vận tải hành khách bằng đường hàng không được đảm bảo an toàn nhất, văn minh nhất. Phần lớn khách nước ngoài đến Việt Nam là đều qua được hàng không, kể cả là khách du lịch, nhà đầu tư hoặc những người hoạt động chính trị, ngoại giao.
Để xảy ra những hành vi trộm cắp tài sản, vi phạm pháp luật từ nhân viên hàng không thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo ra cảm giác không thoải mái, lo lắng, mất an toàn đối với hoạt động hàng không. Chính vì vậy việc siết chặt công tác quản lý, kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm, trong đó có các hành vi trộm cắp tài sản như thế này là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam", luật sư Cường nói.