Mình ăn Tết hay Tết ăn mình?

Google News

(Kiến Thức) - “Mình ăn Tết hay Tết ăn mình?” chỉ là sự cảm nhận của mỗi cá nhân khi ứng xử với những người thân những phong tục truyền thống dịp Tết cổ truyền.

Cư dân mạng đang đua nhau "phát tán" xu hướng: Mình ăn tết hay Tết ăn mình? khi một bài viết mới đây được đăng tải trên mạng xã hội dù nội dung bài viết đã được đăng tải trên một tờ báo từ năm 2016 cho thấy, một bộ phận giờ tỏ ra chán tết cổ truyền của dân tộc với nhiều lễ nghi, phong tục truyền thống.
Theo nội dung được đăng tải trên mạng xã hội, thể hiện về những mệt mỏi, lo toan ngày tết khi phải dành nhiều thời gian dọn dẹp nhà cửa khiến mọi người trong gia đình mệt mỏi, thậm chí cáu giận nhau. Cùng với đó, là việc làm cơm cúng bái quá nhiều đến mức tưởng như nguyên tết chỉ làm bạn với ông Tháo, rót nước, thắp nhang, rửa chén suốt ngày. Bên cạnh đó, còn việc nhiều gia đình bày biện mọi thứ để tiếp khách với bộn bề công việc rót nước, pha trà, bày rượu, tét bánh rồi lại dọn bàn, lau bàn, rửa ly. Ngoài ra bài viết cũng đề cập đến việc lì xì, chồng say xỉn, gây gổ vợ con, rồi tệt nạn cờ bạc, rượu chè, chạy nhanh, phóng ẩu.
Cuối cùng mục đích của bài viết hướng đến là khuyên nên thay đổi bởi Tết chỉ có vài ngày, hãy du xuân đâu đó, vui là chính.
Minh an Tet hay Tet an minh?
 Ảnh minh họa.
Những ý kiến, suy nghĩ như trên để minh chứng cho việc “Tết ăn mình” chứ không phải “Mình ăn Tết” đã nhanh chóng khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, một số ít đồng tình còn đa số phản đối và cho rằng, đó là suy nghĩ ích kỷ, hẹp hòi và phiến diện.
Trên thực tế đối với người Việt Nam, Tết cổ truyền của dân tộc luôn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Bởi Tết cổ truyền cũng là Tết của gia đình là dịp để những người con xa quê đoàn tụ với gia đình, thắp hương tri ân tổ tiên. Với mỗi người Việt Nam, một thói quen đã trở truyền thống, dù làm ăn ở xa cũng phải về nhà ăn bữa cơm đoàn tụ gia đình vào chiều 30 tết khi nhà nhà làm lễ “rước” gia tiên và gia thần, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”.
Ngày thường bận trăm công nghìn việc, chỉ có ngày tết mới được đoàn tụ chia sẻ với nhau về những công việc, cuộc sống, các thành viên trong gia đình dành sự quan tâm lẫn nhau, cùng nhau nấu mâm cỗ thắp hương tổ tiên và cùng nhau ăn mâm cơm đoàn tụ gia đình. Tết là dịp gắn bó chặt chẽ tình thân ruột thịt.
Do vậy, Tết cổ truyền luôn là sự mong chờ của những người đi xa để trở về quê hương gặp mặt những người thân trong gia đình, bà con họ hàng, bạn bè lối xóm. Đó được xem là những giờ phút linh thiêng sau một năm vất vả ngược xuôi lao động làm ăn. Ngày thường cha mẹ già khó gặp được con cái làm ăn ở xa, vợ chồng xa cách mong ngóng để đoàn tụ, con cái mong ngóng bố mẹ đi làm xa trở về…Giây phút đoàn tụ sum vầy, hạnh phúc gia đình đoàn tụ dù ít ỏi nhưng mang nhiều ý nghĩa vô cùng lớn lao.
Tết Nguyên đán còn mang ý nghĩa thiêng liêng, là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn. Do vậy, phong tục thờ cúng tổ tiên ngày Tết của người Việt đã trở thành một nghi thức tâm linh, thấm đượm tính nhân văn và đạo lý. Theo nghi thức tâm linh truyền thống, người Việt thường làm một số mâm cơm tối 30 tết để mời hương linh ông bà, tổ tiên đã qua đời về chung vui ngày tết cùng con cháu, thết đãi tổ tiên ngày mùng 1 đầu năm mới và khi hóa vàng tiễn tổ tiên.
Bởi theo quan niệm của người Việt, ông bà tổ tiên tuy mất đi nhưng vẫn sinh hoạt như ở dương gian: “trần sao âm vậy”. Phong tục thờ cúng tổ tiên ngày Tết cho thấy một mối liên hệ giữa người đã khuất và người còn sống, là dịp báo với tổ tiên năm qua đã và chưa làm được những gì, xin tổ tiên phù hộ mạnh khỏe để sang năm có nhiều thành công mới. Đồng thời thể hiện, con người không quên cội nguồn, trách nhiệm của người sống với những người đã khuất trong việc gìn giữ truyền thống văn hóa, hạnh phúc gia đình và trách nhiệm bản thân. Do vậy, việc gìn giữ phong tục thờ cúng tổ tiên mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, một nét đẹp văn hóa truyền thống.
Tết cũng là dịp để các gia đình dọn dẹp nhà cửa để đón chờ năm mới, là dịp để người Việt tiếp khách họ hàng, bạn bè, hàng xóm đến chung vui trong ngày đầu xuân năm mới.
Do vậy, để chuẩn bị đón tết cổ truyền việc nhiều người dọn dẹp nhà cửa, làm cơm cúng bái, tiếp khách cũng là chuyện bình thường bởi đó là trách nhiệm nhưng cũng để lại nhiều kỷ niệm với mỗi người, đặc biệt với những người trẻ.
Việc than thân mệt mỏi, nhiều lo toan, sợ tốn kém mỗi dịp Tết đến xuân về chủ yếu rơi vào suy nghĩ của những người trẻ và những người có suy nghĩ lối sống hiện đại. Cuộc sống với nhiều lo toan tính toán đã khiến không ít người thay đổi lối suy nghĩ về tết. Họ muốn tận dụng những ngày nghỉ để đi du lịch xa, thảnh thơi nhàn hạ mà quên đi ý nghĩa thực sự của những ngày Tết cổ truyền.
Tuy nhiên, cũng khó tránh được những suy nghĩ trên, bởi tết truyền thống từ xưa đến nay gắn liền với kinh tế nông nghiệp còn hiện nay với sự phát triển công nghiệp đòi hỏi con người luôn phải thích nghi với lối sống nhanh gọn, thụ hưởng, rất khó để họ dành thời gian về sum họp cùng gia đình với nồi bánh chưng, dưa hành câu đối đỏ. Cuộc sống hiện đại hóa khiến những truyền thống xưa cũ cũng dần đổi thay khi thay vì cùng nhau gói bánh chưng, thức thâu đêm canh bánh, chỉ cần cuộc điện thoại đặt hàng là bánh chưng đã mang đến tận nhà, nhà cửa thuê người dọn dẹp. Những món ngon ngày tết cũng không còn xa xỉ mà vẫn xuất hiện trong bữa cơm thường nhật khiến người ta xem nhẹ ý nghĩa của Tết cho rằng Tết giờ không còn vui, nhạt, thậm chí là sự mệt mỏi.
Dù biết rằng, cuộc sống thay đổi, truyền thống rồi cũng phải thích nghi nhưng có một truyền thống không thể thay đổi đó chính là ngày đoàn tụ gia đình dịp tết. Người ta không thể bỏ bố mẹ già mong ngóng ngày đêm để vợ chồng con cái không về đoàn tụ mà dành thời gian để thụ hưởng trong những chuyến du lịch nước ngoài. Dù theo suy nghĩ của một bộ phận bây giờ là sống theo sở thích và sự thoải mái, sợ hãi sự vướng bận nhưng họ sẽ không thể có được hạnh phúc của ngày đoàn tụ trong dịp tết và tận hưởng được những phong tục truyền thống với nhiều ý nghĩa lớn lao. Cha mẹ dành cả đời để nuôi con cái khôn lớn nhưng khi con cái trưởng thành đi xa lập nghiệp sinh sống, cha mẹ lại lủi thủi một mình để rồi sau một năm lại ngóng đợi con cháu về đoàn tụ dịp tết. Có những thứ có thể xem nhẹ nhưng tình thân là thứ không thể xem nhẹ trong dịp tết cổ truyền, tết của sự đoàn viên.
Sự tiến bộ, văn minh của xã hội không đồng nghĩa với việc xem nhẹ gạt bỏ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Có những phong tục, nét văn hóa truyền thống của Tết cổ truyền không gì có thể đánh đổi được. Dù tết có mệt mỏi bởi dọn nhà, mua sắm, làm cơm, thết khách, tốn kém chi tiêu nhưng mục đích của kỳ nghỉ tết để các thành viên có thể đoàn viên bên gia đình, lấy lại sự thư giãn sau một năm lao động vất vả. Như lời Tiến sĩ Sin Harng Luh, Đại học Quốc gia Singapore khi trả lời báo chí đã nhấn mạnh: “Nếu cội nguồn truyền thống của mình mà còn không giữ được thì sao dám trông mong phát triển những thứ lớn lao hơn”.
Do vậy, mỗi dịp tết đến xuân về đừng bao giờ phải băn khoăn “Mình ăn Tết hay Tết ăn mình?” bởi hạnh phúc như thế nào đều do mỗi người tự lựa chọn và hành động theo suy nghĩ của bản thân mình, miễn sao gia đình hạnh phúc trong những ngày đầu năm mới để một năm làm việc tiếp theo sẽ hiệu quả mà vẫn giữ gìn được truyền thống văn hóa.
>>> Mời độc giả xem video Mâm cỗ Tết cổ truyền của người Hà Nội xưa:

Nguồn: Truyền hình Hà Nội.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)