Máy bay va chạm tại Nội Bài: Tổ điều tra làm việc tổ lái, nhân viên hàng không

Google News

Cục Hàng không Việt Nam vừa cho biết, ngày 29/11, tổ điều tra sẽ làm việc với tổ lái và các nhân viên hàng không về sự cố 2 máy bay va chạm.

Sáng 29/11, thông tin về sự cố tàu bay VN-A544 va chạm vào tàu bay VN-A636 tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài ngày 27/11, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, vào khoảng 18h12 phút (giờ Việt Nam) ngày 27/11, chuyến bay VJ404, tàu bay VN-A544 của Công ty cổ phần hàng không Vietjet (VJC) với hành trình từ sân bay Đà Lạt, hạ cánh tại sân bay Nội Bài.
Sau khi thoát ly đường cất hạ cánh, lăn vào bãi đỗ, đầu mút cánh phải (RH Sharklet) của tàu bay VN-A544 đã va chạm vào đầu mút cánh trái (LH Sharklet) của tàu bay VN-A636 và làm cho một phần đầu mút cánh trái tàu VN-A636 bị hư hỏng. Tất cả hành khách và thành viên tổ bay xuống tàu bay bình thường, an toàn.
May bay va cham tai Noi Bai: To dieu tra lam viec to lai, nhan vien hang khong
Hai máy bay va chạm khiến một máy bay rớt đầu cánh tại sân bay Nội Bài. 
Ngay khi nhận được thông tin sự cố, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc cùng các đơn vị liên quan tiến hành tiếp cận tàu bay, lập biên bản ghi nhận sự việc; tạm thời đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các thành viên tổ lái, nhân viên vẫy tín hiệu để thực hiện công tác điều tra sự số tàu bay theo quy định.
Cục Hàng không Việt Nam đã thành lập Tổ điều tra để tiến hành điều tra, xác minh nguyên nhân sự cố theo quy định. Đồng thời đã kiểm tra thực địa và đánh giá hỏng hóc tàu bay liên quan, yêu cầu tháo ghi âm buồng lái, tiếp nhận hồ sơ sự cố do Cảng vụ Cảng vụ Hàng không miền Bắc lập để phục vụ công tác điều tra.
Theo kế hoạch, Tổ điều tra sẽ làm việc với tổ lái và các nhân viên hàng không liên quan tới sự cố vào ngày 29/11/2021.
Trả lời báo chí về vụ va chạm giữa 2 máy bay vào tối 27/11 tại sân bay Nội Bài, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết tổ điều tra của Cục Hàng không đã tháo hộp đen máy bay và ghi âm buồng lái để kiểm tra hội thoại giữa các phi công và đài chỉ huy; đồng thời dữ liệu từ camera trên sân đỗ cũng được thu thập.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, vụ va chạm này là sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) trong 5 mức sự cố hàng không (cao nhất là mức A). "Đây là sự cố hy hữu đầu tiên tại Việt Nam, trên thế giới từng xảy ra một số vụ tương tự", ông Thắng nói.
Liên quan đến vụ việc này, chiều 28/11, Cảng vụ Hàng không miền Bắc cũng đã tạm giữ chứng chỉ hành nghề của nhân viên phát tín hiệu để phục vụ điều tra.
Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc, vụ va chạm tối 27/11 được nhận định lỗi ban đầu là do tổ lái. Tuy nhiên, trong quy trình khai thác, không chỉ có tổ lái mà còn những bộ phận khác tham gia hiệp đồng.
“Nhân viên phát tín hiệu có vai trò quan trọng khi lai dắt máy bay vào vị trí đỗ. Phi công thực hiện các thao tác điều khiển máy bay di chuyển theo huấn lệnh của đài chỉ huy và phối hợp với tín hiệu lai dắt máy bay của nhân viên mặt đất. Nếu nhân viên này kịp thời phát hiện máy bay lăn bị lệch đường để phát tín hiệu thông báo cho tổ lái dừng di chuyển thì có thể đã tránh được va chạm giữa 2 máy bay", lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết.
Hãng hàng không Vietjet đã đình chỉ tổ bay, tổ chức điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc, rà soát quy trình khai thác tàu bay để xử lý theo quy định.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Dòng người kẹt cứng tại sân bay Tân Sơn Nhất:

Nguồn: NLĐ

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)