Chiều 12/9, mực nước sông Kinh Môn vẫn cao hơn mức báo động 3. Đứng nhìn ra khu bãi Đồng Kênh thuộc xã Cộng Hòa (huyện Nam Sách, Hải Dương) ngập trắng nước, chỉ còn nhô nóc căn nhà cấp 4 dùng để trông coi, ông Phạm Hữu Luân (54 tuổi, xã Thăng Long, thị xã Kinh Môn, Hải Dương) buồn bã nói: “Gia đình tôi mất trắng rồi”.
|
Khu nuôi cá ngoài đê của gia đình ông Luân chìm trong nước lũ. |
Theo ông Luân, tại khu bãi Đồng Kênh, gia đình ông có 9 ao cá với diện tích lên đến 30 mẫu đã bị nhấn chìm khi nước lũ dâng cao, dẫn đến thiệt hại nặng nề.
“Tại bãi Đồng Kênh ngoài đê sông Kinh Môn, gia đình tôi có 9 ao nuôi cá, chủ yếu là cá trắm, cá chép đã nuôi thả được 7,8 tháng sắp đến kỳ thu hoạch với sản lượng ước tính khoảng 150 tấn. Nước lũ nên nhanh nên không kịp trở tay, giờ đã ngập trắng băng, gia đình tôi mất trắng”, ông Luân nói.
|
Con trai ông Luân chỉ khu nuôi cá của gia đình. |
Để đầu tư nuôi thả cá, gia đình ông Luân đã vay mượn ngân hàng số tiền vài tỷ đồng, giờ lượng cá lớn theo dòng nước khiến người nông dân này gặp nhiều khó khăn. Tại bãi ngoài đê này, ông Luân cũng nuôi gần 100 con trâu, bò nhưng do nước lũ lên cao, hiện gia đình buộc tạm số trâu bò ở đê và vườn nhãn, không biết mai này sẽ chăn, giữ ở đâu.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Đức Việt, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) cho biết, do sông Kinh Môn đang báo động số 3, nước ngập trắng băng bãi Đồng Kênh nên chính quyền địa phương chưa có cách nào kiểm đếm thiệt hại của các hộ dân nuôi cá ngoài bãi sông. Khi nào nước rút, chính quyền sẽ xuống kiểm đếm thiệt hại của người dân.
|
Đàn trâu, bò của gia đình ông Luân phải cột tạm trên đê và rặng nhãn. |
Giống như ông Luân, nhiều hộ nuôi cá lồng trên các tuyến sông ở Hải Dương cũng đang chịu thiệt hại và phải kêu gọi giải cứu cá lồng. Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương đang hỗ trợ giải cứu, tiêu thụ cá lồng cho bà con nông dân huyện Thanh Hà và Tứ Kỳ. Nhiều người dân đã hưởng ứng mua cá để giúp người nông dân vơi bớt khó khăn.
Báo cáo của Ban Cán sự UBND tỉnh Hải Dương ngày 11/9, thống kê ban đầu chưa đầy đủ, bão số 3 làm khoảng 5.467 ha lúa bị đổ, bị ngập; khoảng 3.159 ha rau màu bị ngập, đổ gãy, dập nát; khoảng 3.163 ha cây ăn quả bị bị đổ, gãy ngang thân không có khả năng khắc phục; khoảng 2.250 ha rừng bị thiệt hại; nhiều công trình, biển báo phòng cháy, chữa cháy rừng bị hư hỏng; khoảng 65ha nhà màng, nhà lưới bị ảnh hưởng. Hơn 388.600 con gia cầm bị chết; khoảng 360 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị tràn bờ; khoảng 50 lồng cá bị tràn, vỡ lồng.
|
Người dân hưởng ứng giải cứu cá lồng giúp nông dân. |
Bão số 3 cũng làm hơn 20.600 công trình (nhà ở, kho tàng, nhà xưởng, trụ sở, trường học, biển quảng cáo, biển hiệu… bị sập mái, tốc mái, hư hỏng, đổ); khoảng 102.000 cây xanh bị gãy, đổ. Cùng với đó, khoảng 230m dài trên đường tỉnh 394 bị sạt taluy dương, 483 biển báo hiệu, 55 cọc tiêu bị gãy, đổ, hư hỏng…Đường sông bị gãy 8 cột, nghiêng 35 cột, đổ 25 cột báo hiệu trên bờ; hệ thống phao tiêu dưới nước bị kéo trôi 45 quả; có 2 phao thép của cầu phao Đồn trên sông Cửu An (địa phận xã Quang Khải, huyện Tứ Kỳ) bị trôi…
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, tính đến 17h ngày 11/9, toàn tỉnh có 44 sự cố về đê điều và 92 sự cố về thủy lợi. Các sự cố đã được xử lý kịp thời.
Những người nuôi cá ngoài bãi sông như ông Phạm Hữu Luân bị ảnh hưởng mong muốn chính quyền và các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ để vơi bớt khó khăn do thiệt hại bởi mưa lũ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tổng thiệt hại mà bão số 3 để lại, thương vong và mất mát