Tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm TP Hà Nội với các quận, huyện, thị xã được tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, Hà Nội hiện có 76.807 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên toàn thành phố.
Thời gian qua, thành phố đã duy trì công tác bảo đảm ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn tại 100% các phường, thị trấn, 60 tuyến phố văn minh bảo đảm ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã.
Cùng với đó, thành phố đã duy trì và nhân rộng mô hình kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn năm 2023 với 440 xã, phường, thị trấn/20 quận, huyện, thị xã. Đến nay có 65.371 bữa cỗ được giám sát, tư vấn.
|
Quang cảnh hội nghị. |
Ông Vũ Cao Cương cho biết, thành phố hiện đang duy trì tốt mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học tại 10 quận, huyện; tiếp tục xây dựng mô hình kiểm soát ATTP BATT trường học cấp tiểu học tại 5 quận, 5 huyện theo kế hoạch của Sở Y tế, với tổng số 215 trường.
Đáng chú ý, toàn thành phố thành lập hơn 900 đoàn thanh, kiểm tra. Kết quả, có 82.426 cơ sở được thanh, kiểm tra, hậu kiểm, trong đó 72.183 cơ sở đạt chiếm tỷ lệ 87,5 %, phát hiện 10.240 cơ sở vi phạm. Trong đó, 6.578 cơ sở bị phạt tiền với hơn 14 tỷ đồng.
Trong đó, các hành vi vi phạm gồm khu vực chứa đựng, trưng bầy hàng hóa không đầy đủ giá kệ. Các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn chưa thực hiện gửi bản cam kết đảm bảo quy định về ATTP; hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung bảo đảm ATTP; khu vực bếp có côn trùng động vật gây hại ghi nhãn sản phẩm không đúng…
Tại hội nghị, lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, huyện có 2.112 cơ sở thực phẩm hoạt động kinh doanh sản xuất, nhưng đến nay, các cơ sở chuyển đổi sang các kho lạnh chứa thực phẩm, logistics, nên việc kiểm tra ATTP trong dịp cuối năm rất quan trọng. Từ đó, huyện Mê Linh kiến nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị phối hợp với huyện tăng cường kiểm tra công tác ATTP.
Liên quan đến lễ hội Chùa Hương 2024, lãnh đạo huyện Mỹ Đức kiến nghị Sở Y tế Hà Nội, Chi cục ATTP cùng huyện tham gia tổ chức lớp tập huấn cho các chủ cửa hàng và người lao động tham gia tại các cơ sở chế biến ở chùa Hương. Huyện sẽ quyết liệt kiểm tra, xử lý, thu hồi giấy phép kinh doanh nếu cơ sở không bảo đảm, vi phạm các quy định về ATTP.
Về các vụ việc vi phạm ATTP, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, 11 tháng qua, Đội quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 705 vụ, phạt hành chính 9,22 tỷ đồng; xử lý tiêu hủy, buộc tiêu hủy hàng hóa là thực phẩm trị giá 11,2 tỷ đồng. Đơn vị đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, xử lý 5 vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm liên quan đến ATTP.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đã ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024. Kịp thời phát hiện xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Đơn vị tiếp tục phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, giết mổ, vận chuyển, giá các sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm…
Liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn gốc từ địa phương này sang địa phương khác, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, từ khi thực hiện nội dung truy xuất nguồn gốc, hầu hết các cơ sở sản xuất nằm ở các địa phương khác. Vì vậy, khi các đoàn kiểm tra truy xuất nguồn gốc cần có sự phối hợp với ngành Y tế, Nông nghiệp và phát triển Nông thôn ở các địa phương liên quan và nhà thầu.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà lưu ý, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cần tham mưu thành phố để chỉ đạo, quy định rõ về vấn đề này, đó là trách nhiệm của địa phương trong phối hợp, để các đơn vị triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, công tác bảo đảm ATTP hết sức quan trọng liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
Dự báo, cao điểm vào dịp lễ Tết, lễ hội, tình hình ATTP hết sức phức tạp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, ngay sau hội nghị sẽ thống nhất ban hành kế hoạch bảo đảm ATTP dịp Tết và lễ hội trong 3 tháng tới, cao điểm từ 15/12 đến Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo các cấp làm rõ, rà soát lại phần việc, phân công nhiệm vụ, tổ chức lực lượng, xác định rõ các địa bàn trọng điểm và việc làm trọng tâm ở các lĩnh vực. Nếu không xác định rõ trọng tâm, trọng điểm thì rất khó làm. Các lực lượng phải rõ trách nhiệm của từng khâu, từng người, từng phần việc của mình.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần đối diện thẳng thắng, không né tránh, có vụ việc vi phạm phải công khai nguyên nhân, kết quả xử lý. Thành phố sẽ lựa chọn các địa bàn trọng điểm để kiểm tra đột xuất, kiểm tra bất kỳ nội dung nào trong kế hoạch đã nêu.
Liên quan đến việc tiếp nhận thông tin, đường dây nóng, lãnh đạo TP giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội là đầu mối bố trí trực, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân 24/7. Công khai số điện thoại đường dây nóng bằng số điện thoại cá nhân để tiếp nhận thông tin của người dân bất cứ lúc nào. Ngoài ra, các sở ngành, đơn vị liên quan cũng có số điện thoại tiếp nhận ý kiến phản ánh.
>>> Mời độc giả xem thêm video An toàn thực phẩm cho người nhiễm HIV/AIDS: 5 nguyên tắc vàng