Số tiền phạt trong mỗi vụ việc tăng cao hơn, trung bình 20 triệu/vụ việc, cao gấp 4 lần so với trước khi Ban Quản lý An toàn Thực phẩm chưa ra đời.
Thông tin trên được PGS.DS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm, thành lập Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM ngày 15/7.
|
PGS.DS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM, đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Ảnh minh họa |
Ban quản lý cũng tập trung "xây" thực phẩm sạch. Trong 6 năm, đơn vị này đã ký kết với 2.319 chuỗi thực phẩm an toàn tại 22 tỉnh, thành, đạt tiêu chí GlobalGap, VietGap, ISO, HACCP… 80 - 90% thực phẩm của thành phố đều nhập từ các tỉnh thành, do đó, việc kiểm soát từ nguồn có thể đảm bảo cho bữa ăn của người dân TP.HCM.
Tuy nhiên, bà Lan cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc nuôi trồng nông sản còn nhiều tồn tại. Thuốc bảo vệ thực vật sử dụng ít hơn trước đây nhưng vẫn nhiều, chưa phát triển theo hướng nông nghiệp bền vững.
Vì vậy, việc đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn rất nhiều công việc phải thực hiện để bảo vệ sức khỏe người dân thành phố về lâu dài.
Những vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận là cấp tính, do nhiễm vi sinh. Trong khi đó thực phẩm nhiễm độc hóa chất, chất cấm lại là vấn đề sức khỏe của cộng đồng mà 5,10 năm sau người nhiễm độc mới bộc lộ ra.
Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM được thành lập 2016, thí điểm đầu tiên trong cả nước, hoạt động trong 6 năm qua. Vướng mắc lớn nhất là cơ sở pháp lý do đây mới là mô hình thí điểm.
PGS. DS Phạm Khánh Phong Lan mong rằng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM sớm trở thành mô hình chính thức sau 6 năm thí điểm, chính sách thử nghiệm.
|
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, tặng bằng khen cho 42 tập thể và 50 cá nhân có nhiều thành tích trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: T.S
|
Giai đoạn từ năm 2014 - 2016 có 18 vụ ngộ độc thực phẩm, giai đoạn từ 2017 - 2022 chỉ còn 12 vụ. Lực lượng thanh kiểm tra sâu sát xuống từng quận huyện.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định, kết quả của Ban trong 6 năm qua rất đáng ghi nhận. Sau 6 năm thí điểm, việc quản lý của Ban được tập trung hơn, không phát sinh thêm biên chế.
Với con số thống kê hiệu quả hơn, thể hiện qua số vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm giảm về số lượng và mức độ. Đây là minh chứng cho thấy mô hình thí điểm này về cơ bản để đạt được mục tiêu ban đầu đề ra. Theo ông Dương Anh Đức, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm cần tiếp tục xây dựng hoàn thiện Đề án thành lập Sở An toàn Thực phẩm.