Đi xe máy, thuê ôtô riêng về quê ăn Tết vì sợ dịch

Google News

Lo ngại dịch bệnh, nhiều người không muốn đến bến xe, ga tàu. Họ lựa chọn thuê ôtô riêng hoặc chạy xe máy hàng trăm km để về quê ăn Tết.

Khoảng 5h sáng 27/1, Đỗ Thị Hoài Thương (27 tuổi) thức giấc. Cô cùng người bạn của mình thu xếp hành lý, kiểm tra lại lần cuối chiếc xe máy cùng các phụ tùng mang theo.

45 phút sau, cả hai chính thức lên đường, bắt đầu hành trình từ TP.HCM về quê nhà ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Đây là lần đầu tiên cô gái chạy xe máy hơn 350 km để về nhà đón Tết như vậy.

“Mọi năm, tôi đều đi xe khách về nhà. Năm nay, tình hình dịch bệnh căng thẳng, tôi ngại cảnh tàu xe đông đúc nên quyết định cùng bạn về quê bằng xe máy”, Hoài Thương chia sẻ cùng Zing.

Di xe may, thue oto rieng ve que an Tet vi so dich

Hoài Thương và bạn dừng chân check-in trên cầu Sêrêpok, cây cầu nối 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk.

Chạy xe máy hàng trăm km về nhà ăn Tết

Thương cho biết vì cùng bạn đi chung một xe máy, cô không mang theo quá nhiều hành lý. Tuy nhiên, cả hai không thể quên gói ghém bộ dụng cụ sửa chữa xe cơ bản, đề phòng sự cố hỏng xe giữa đường.

Hành trình từ TP.HCM về Buôn Ma Thuột khá dễ đi bởi hầu hết tuyến đường đều thoáng và đẹp. Trước khi khởi hành, Thương và bạn bàn nhau chỉ đi vừa sức, mệt ở đâu sẽ nghỉ ở đó, đặt an toàn lên hàng đầu.

Di xe may, thue oto rieng ve que an Tet vi so dich-Hinh-2

Đôi bạn mang theo bánh chuối tự làm để ăn dọc đường về quê.

Đối với cô gái, chuyến đi không chỉ đánh dấu lần đầu tiên về quê bằng xe máy, mà còn là cơ hội để cô ngắm nhìn cảnh vật suốt chặng đường. Những lần về nhà trước đây, qua ô kính xe khách, cô chưa thể dừng lại tham quan những địa danh đẹp.

“Chúng tôi chỉ đi 2 người, nhưng trên đường về lại gặp rất nhiều đồng hương. Họ cũng đi xe máy, mang theo đồ đạc, vali để về quê ăn Tết. Dù không quen biết, nhưng nhìn thấy biển số người cùng quê, tôi rất vui và ấm lòng”, Thương bày tỏ.

16h cùng ngày, Thương về đến quê hương. Cô và bạn nhanh chóng đến trạm y tế khai báo theo quy định, sau đó mới về gia đình. Sự mệt mỏi sau 10 tiếng liên tục di chuyển trên đường như biến mất khi cô được gặp bố mẹ.

“Năm 2021 vừa qua quả thật rất khó khăn, tôi vui lắm khi được đoàn viên cùng người thân của mình. Ra Tết, tôi lại cùng bạn đi xe máy xuống TP.HCM, hy vọng cũng sẽ an toàn như chuyến đi vừa rồi”.

Di xe may, thue oto rieng ve que an Tet vi so dich-Hinh-3

Di xe may, thue oto rieng ve que an Tet vi so dich-Hinh-4

Cả 2 trang bị trang phục bảo hộ khi chạy xe đường dài, đồng thời mang theo một số dụng cụ sửa chữa.

Tương tự Hoài Thương, Hoàng Minh Tiến (27 tuổi) cũng lựa chọn xe máy là phương tiện để di chuyển về quê ăn Tết.

4h sáng 26/1, Tiến đã thức dậy để chuẩn bị hành lý, kiểm tra chiếc xe máy của mình cho hành trình dài 320 km từ Hà Nội về huyện Đô Lương, Nghệ An. Năm nay, anh về quê sớm hơn vài ngày so với mọi năm bởi lo ngại các quy định phòng dịch tại địa phương có thể thay đổi đột ngột.

“Hiện tại, tôi được biết người từ Hà Nội về quê chỉ phải khai báo y tế và tự theo dõi sức khỏe. Tuy vậy, tôi vẫn chủ động về sớm hơn, nếu có phải cách ly tại nhà vẫn kịp chơi Tết. Hơn nữa, sau một năm dịch bệnh, tôi cũng muốn đoàn viên cùng gia đình sớm nhất có thể”, Tiến chia sẻ.

Theo Tiến, anh đã dự định về quê bằng xe khách như mọi lần. Chuyến xe về quê khá thuận tiện về giờ giấc. Chỉ cần đặt vé trước, mỗi hành khách được bố trí một cabin riêng có rèm che, không phải chịu cảnh chen lấn, xô đẩy.

Dẫu vậy, điều đó vẫn không khiến Tiến đủ yên tâm. Anh cho rằng dịp sát Tết, các bến xe đều rất đông đúc. Ngoài ra, không gian khép kín trên xe khách cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

“Tôi nghĩ tự chạy xe máy về sẽ an toàn hơn, tôi rất lo sợ mình vô tình trở thành F0, gây ảnh hưởng đến gia đình, làng xóm”, anh bày tỏ.

Di xe may, thue oto rieng ve que an Tet vi so dich-Hinh-5

Di xe may, thue oto rieng ve que an Tet vi so dich-Hinh-6

Minh Tiến trên chặng đường chạy xe máy từ Hà Nội về Đô Lương, Nghệ An.

Sau khi kiểm tra kỹ chiếc xe máy, đổ đầy xăng, Tiến bắt đầu xuất phát từ Hà Nội lúc 6h. Anh bám theo lộ trình đường mòn Hồ Chí Minh, mất khoảng 7 tiếng chạy xe là về đến nhà.

Anh cho biết vào mùng 6/1 âm lịch, anh sẽ tiếp tục đi xe máy từ Đô Lương ra Hà Nội. Hành trình có vất vả nhưng là cơ hội để Tiến trải nghiệm những cung đường đẹp từ Trung tới Bắc.

“Chạy xe suốt 320 km như vậy cũng mệt lắm chứ, nhưng tôi thích cảm giác tự tại, chủ động đó. Vào ngày trở ra Hà Nội, sau xe tôi sẽ là bánh chưng, đồ ăn mà mẹ gói ghém nữa, bớt cô đơn đi nhiều”, Tiến cười và nói.

Chấp nhận thuê xe riêng với chi phí cao

Trong khi nhiều bạn trẻ thử sức mình với hành trình đi xe máy hàng trăm km, không ít người khác lại chọn thuê xe ôtô riêng một chiều để về quê ăn Tết. Đây là phương án di chuyển có chi phí cao hơn, tuy nhiên cũng giúp hành khách tránh cảnh đông đúc tại các bến xe, ga tàu.

17h ngày 23/1, Nguyễn Quỳnh Thanh (25 tuổi) đặt thuê ôtô 4 chỗ từ Ngã tư Sở (Hà Nội) về huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Trước đó chỉ nửa ngày, cô đã sắp xếp hành lý, chuẩn bị ra bến xe để về quê bằng xe khách giường nằm.

Di xe may, thue oto rieng ve que an Tet vi so dich-Hinh-7

Nhiều người ngại cảnh đông đúc tại bến xe, ga tàu nên chấp nhận thuê ôtô riêng với chi phí cao hơn. Ảnh: Khánh Huyền.

Tuy nhiên, cùng thời điểm, cô biết tin em họ mình phải cách ly tập trung tại quê hương sau khi đi chuyến xe khách có trường hợp là F0. Lo sợ nguy cơ nhiễm bệnh và tình huống phải cách ly, Thanh quyết định chi 2 triệu đồng thuê ôtô riêng, ghép xe cùng một người bạn.

"Thông thường, giá xe từ Hà Nội về quê tôi là khoảng 3-4 triệu đồng/chiều, vào ngày lễ, Tết có thể đắt hơn. Tôi may mắn thuê được chuyến xe giá rẻ, tài xế cũng nhiệt tình đưa đón tận nơi. So với đi xe khách, thuê ôtô như vậy có chi phí cao hơn nhiều, nhưng vì sợ dịch nên tôi chấp nhận", Thanh chia sẻ.

Khoảng 21h cùng ngày, Thanh và bạn khởi hành từ Hà Nội về quê. Xe còn rộng chỗ, hai cô gái thoải mái mang theo nhiều hành lý, đồ đạc.

6h sáng hôm sau, hành trình hơn 350 km kết thúc, Thanh và bạn đến ngay trung tâm y tế địa phương để khai báo, thực hiện test nhanh theo quy định.

"Ra Tết, tôi cũng sẽ thuê ôtô riêng để trở ra Hà Nội làm việc. Thú thật, đi xe giường nằm thì đỡ mệt hơn đấy vì có chỗ ngả lưng rộng rãi, chi phí lại tiết kiệm. Nhưng trong lúc tình hình dịch bệnh còn khó đoán, tôi đành chú ý bảo vệ sức khỏe trước tiên", Thanh nói.

Khác với Quỳnh Thanh, Trần Thị Hảo (24 tuổi) đã lên kế hoạch thuê xe riêng để về quê ở Nghệ An từ sớm.

Chia sẻ với Zing, Hảo cho biết mình sinh sống ở khu vực thuộc vùng cam của Hà Nội, rất lo lắng nếu chẳng may trở thành F0 sẽ gây ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng. Do vậy, cô chủ động lên phương án về quê bằng ôtô 4 chỗ, chấp nhận chi phí khá cao là 2,7 triệu đồng.

Di xe may, thue oto rieng ve que an Tet vi so dich-Hinh-8

Hảo về nhà sau khi đến trạm y tế khai báo, test nhanh.

"Do tình hình dịch bệnh tại Hà Nội căng thẳng, ở quê tôi cũng xuất hiện nhiều trường hợp dương tính khi từ thành phố trở về quê, nên tôi sợ di chuyển bằng xe khách sẽ bị lây nhiễm chéo trên xe. Ngày thường hay ngày Tết, xe về quê tôi đều rất đông người, khả năng kiểm soát, phòng dịch tuyệt đối là không thể thực hiện", Hảo bày tỏ.

20h ngày 25/1, trước khi lên ôtô về quê, Hảo mua bộ kit test Covid-19 để tự xét nghiệm tại nhà. Có kết quả âm tính, cô càng tự tin lên đường, báo tình trạng sức khỏe với tài xế để thêm yên tâm.

Quãng đường từ Hà Nội về quê Hảo ở Nghệ An hơn 300 km, mất khoảng 6 tiếng di chuyển. Trên suốt hành trình, tài xế dừng xe một lần ở trạm nghỉ dọc đường để uống nước, thư giãn giúp tỉnh táo.

Đường quốc lộ những ngày cuối năm đông đúc hơn bình thường với nhiều phương tiện lớn. Chiếc xe của Hảo về đến nhà an toàn khi trời vừa rạng sáng.

"Trước khi về nhà, tôi tới thẳng trạm y tế địa phương để khai báo, test nhanh thêm một lần nữa. Ra Tết, tôi chưa biết cụ thể ngày nào sẽ quay lại Hà Nội. Khi đó, tùy vào tình hình dịch bệnh, tôi sẽ có kế hoạch di chuyển sau".

 

Theo Thục Hạnh/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)