CSGT Đồng Nai bị tố bảo kê xe ba gác: Liệu có “ông anh” nâng đỡ?

Google News

(Kiến Thức) - Phải khẳng định luôn, nếu không có sự can thiệp hoặc cái bóng “từ sếp” nào đó, những xe vi phạm giao thông khó thoát khỏi việc bị lực lượng CSGT- trật tự huyện Trảng Bom xử lý. Còn “ông anh” nào đứng sau nâng đỡ, Công an tỉnh Đồng Nai, thậm chí Bộ Công an phải vào cuộc làm rõ…

Những clip tố cáo cảnh sát giao thông tiêu cực mà cụ thể là chuyện “bảo kê” xe vi phạm tại huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) mới đây được đăng tải lên mạng xã hội khiến dư luận đặt câu hỏi về “sếp lớn”, “ông anh” can thiệp để những xe vi phạm giao thông không bị xử lý.
Qua các đoạn clip không khó nhận ra “bóng” của các “ông anh” qua các đoạn hội thoại giữa lái xe vi phạm và người xử lý vi phạm.
Một minh chứng rõ nhất được thể hiện qua một đoạn clip, một tài xế ba gác khi bị dừng xe kiểm tra đã xin được gọi điện thoại nhờ can thiệp sau đó đưa điện thoại cho cảnh sát giao thông, trật tự nghe: “Anh nói chuyện giúp em với ạ”. Một cảnh sát hỏi “Ai?”, tài xế liền đáp “Dạ anh Khanh ạ”. Đáng chú ý, người xử lý vi phạm xưng tên Lực đã gọi cho người được tài xế gọi điện, sau đó đã cho tài xế đi.
Một tài xế khác khi bị kiểm tra tiếp tục đọc "pass": “xe gửi anh Khanh”, người xử lý vi phạm hỏi lại “Khanh nào! Gửi mấy năm rồi”. Tài xế xe ba gác trả lời: “Gửi 3 năm rồi. Tháng đóng hai bên 1 triệu”.
CSGT Dong Nai bi to bao ke xe ba gac: Lieu co “ong anh” nang do?
 Tài xế gọi điện nhờ "ông anh" can thiệp. Ảnh: Cắt từ clip.
Thậm chí, trong một đoạn clip khác, một tài xế xe ba gác khi bị một cảnh sát trật tự dừng xe kiểm tra giấy tờ không cần gọi điện nhờ can thiệp mà nói thẳng: “Xe em gửi anh Mão rồi”. Người xử lý vi phạm trả lời rằng: “Mão! Ông đi ông đội mũ bảo hiểm lên chứ. Ông gọi ông Mão đi, xem ông Mão xin ông mũ bảo hiểm không”. Người xử lý vi phạm tiếp tục nói rằng: “Chúng tôi đi làm ở đây mà ông cứ ỷ ông gửi mấy trăm nghìn một tháng mà ông đi nghênh ngang, chạy loạn hết cả lên. Tôi cho ông gọi điện ông Mão đấy! Gọi đi”.
Một clip khác cho thấy, người xử lý vi phạm đang gọi điện cho một người đàn ông. Đầu dây bên kia dặn dò: “Cậu thấy xe nào màu xanh chở muối, giúp chỗ đó với nha, xe chỗ anh Tuấn đội phó”. Sau đó, người xử lý vi phạm đã cho chiếc xe màu xanh chở muối nhanh chóng cho đi.
Điểm lại một số đoạn hội thoại trong các clip trên có thể thấy rất rõ những người can thiệp để xe vi phạm không bị xử lý, thậm chí cũng cho thấy tình trạng “đóng luật”, “bảo kê” xe vi phạm đã diễn ra trong một thời gian dài tại đây.
Đồng thời cho thấy, không khó để xác minh, chỉ mặt các “sếp” bảo kê bởi trong các đoạn clip đã nêu rất rõ tên các “sếp”. Tất nhiên, việc ai can thiệp sẽ được điều tra làm rõ, điều dư luận quan tâm là việc xử lý các “sếp” nâng đỡ, bảo kê như thế nào để dư luận không còn bức xúc khi trong lực lượng cảnh sát Đồng Nai lại tiếp tục có những “con sâu”.
Chuyện bảo kê xe vi phạm và bị tố cáo tiêu cực không phải lần đầu tiên xảy ra tại Đồng Nai. Bởi trước đó, vào tháng 5/2020, Công an tỉnh Đồng Nai ra hình thức kỷ luật đối với hai CSGT thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai bị tố bảo kê xe vi phạm.
Tuy nhiên, đáng chú ý, sau sự việc trên lại tiếp tục xảy ra vụ việc này cho thấy hai CSGT tiêu cực bị xử lý không đủ là bài học cảnh tỉnh với những người khác khiến người dân dư luận thất vọng bởi căn bệnh bảo kê, tiêu cực vẫn chưa được triệt tiêu một cách triệt để.
CSGT, trật tự công an huyện Trảng Bom vì nể nang mà bỏ qua cho xe vi phạm đã là điều đáng lên án, nhưng những “ông anh”, “sếp lớn” đứng sau can thiệp càng đáng lên án gấp bội lần. Chỉ vài trăm nghìn đến vài triệu như lời các tài xế nói trong clip đã biến lực lượng thi hành công vụ thành “bù nhìn”, khiến nơi vốn được coi là thực thi pháp luật, xử lý vi phạm giao thông thành chốn “vô pháp luật”. Thật đau lòng và thất vọng. Do đó, dư luận bức xúc cũng là điều dễ hiểu.
Mới đây, vào ngày 6/11, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định, quan điểm của Bộ Công an là kiên quyết trong xử lý các sai phạm, tiêu cực và đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ, không bao che bất kể trường hợp nào.
Người đứng đầu ngành công an cũng nêu một số biện pháp cụ thể để chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong lực lượng Công an cũng như: Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn lực lượng Công an nhân dân với quan điểm danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất như phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương;
Đồng thời, gắn trách nhiệm thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cán bộ theo từng đơn vị được phân công phụ trách, nếu cán bộ có vi phạm thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị đó. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng trong công an nhân dân, kiên quyết xử lý các vi phạm không bao che, né tránh, đồng thời công khai, minh bạch kết quả xử lý.
Nhiều người tin rằng, nếu có ai đó bảo kê cho xe vi phạm như nội dung các clip đăng tải cũng chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, thậm chí cũng chỉ là “cá biệt” nhưng hệ lụy từ những “con sâu” này vô cùng lớn.
Bởi đó không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật khi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ mà còn có dấu hiệu của các tội về tham nhũng.
Những hành vi ấy không chỉ khiến người vi phạm giao thông coi thường pháp luật, có thể dẫn đến những vụ tai nạn, mà còn khiến người dân mất niềm tin vào lực lượng công an địa phương, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của cả một ngành.
Do đó, dư luận cho rằng, cần phải xác minh làm rõ và công khai kết quả xử lý vi phạm. Thậm chí không chỉ Công an tỉnh Đồng Nai vào cuộc mà thanh tra Bộ Công an cũng cần vào cuộc để xác minh, làm rõ, xử lý, mạnh tay làm trong sạch lực lượng, thậm chí nếu có sai phạm cần tước quân tịch, loại khỏi ngành để vừa giữ vững niềm tin của người dân, vừa để răn đe những cá nhân khác vi phạm.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là một vụ việc nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an. Do đó, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ tính trung thực của những clip này, làm rõ bản chất sự việc để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Cơ quan điều tra có thể giám định các clip đó và triệu tập người đã phát tán clip để làm rõ nguồn gốc, bản chất và tính trung thực của sự việc trên cơ sở đó xác minh làm rõ nội dung sự việc. Nếu có sai phạm, có việc cán bộ đã nhận tiền để bảo kê cho các phương tiện giao thông, kể cả xe thô sơ như vậy, hoàn toàn có thể xem xét xử lý hình sự về tội nhận hối lộ, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc một trong các tội danh khác về tham nhũng.
Đồng thời, cần xác minh làm rõ đối với những số điện thoại và những người được nhắc tên trong clip, những nhân vật trong clip để làm rõ bản chất sự việc. Nếu sự việc đúng như vậy cần phải kỷ luật ở mức cao nhất và có thể xem xét xử lý hình sự với người vi phạm.
Những sự việc nêu trên làm giảm sút uy tín, niềm tin của người dân đối với chính quyền nói chung, với lực lượng công an nhân dân nói riêng, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội như: khiến người dân coi thường pháp luật, đồng thời sẽ nảy sinh ý nghĩ rằng có thể dùng tiền để mua được tất cả. Do đó, sẽ tiếp tục thể hiện ý thức coi thường pháp luật, những phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn tham gia giao thông có thể dẫn đến những vụ tai nạn giao thông gây tổn thất cho xã hội.
Bởi vậy, vụ việc này cần phải làm rõ và xử lý nghiêm minh tất cả những sai phạm có liên quan theo nguyên tắc sai phạm đến đâu phải xử lý đến đó. Người có chức vụ quyền hạn cố tình làm sai làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với cán bộ thì cần phải xử lý bằng các chế tài nghiêm khắc, trong đó có thể áp dụng các chế tài hình sự.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lộ diện ổ nhóm bảo kê dịch vụ hỏa táng ở Thái Bình

Nguồn: VTV 24

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)