Công an tỉnh Đồng Nai mới đây đã chỉ đạo cho các phòng nghiệp vụ lập một tổ công tác để xác minh làm rõ nhiều đoạn clip tung lên mạng cho rằng CSGT- trật tự huyện Trảng Bom cho xe vi phạm đi vì “xe đã gửi sếp”.
Đáng chú ý, những clip ghi lại âm thanh, hình ảnh lái xe khi bị phát hiện vi phạm giao thông nói “đã nhờ can thiệp” được đăng tải trên mạng xã hội được cho từ tài khoản của một thượng úy cảnh sát trật tự. Tài khoản này sau đó đã bị khóa nhưng các clip đã được nhiều người xem chia sẻ. Thời điểm ngày 4/12, khi thượng úy V.T.L. và một cảnh sát trật tự khác là N.V.K. nhận quyết định của lãnh đạo Công an huyện điều động về đội tổng hợp để lái xe thì trên Facebook của L. có các clip trên.
Do đó, Công an huyện Trảng Bom cũng đã làm việc với thượng úy cảnh sát trật tự V.T.L.
|
Hình ảnh cắt từ các clip trên mạng xã hội.
|
Dư luận cho rằng, nếu người ghi lại và đăng tải những đoạn clip có nội dung trên lên mạng xã hội là một cảnh sát thì rất đáng được tuyên dương, khen thưởng. Bởi hành vi của các cán bộ cảnh sát làm nhiệm vụ mà bỏ qua các xe vi phạm giao thông chỉ vì “xe đã gửi sếp” và cả người được cho là “anh M.” dính nghi vấn bảo kê xe vi phạm đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khi trao đổi với PV Kiến Thức cho rằng, đây là một vụ việc nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an. Do đó, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ tính trung thực của những clip này, làm rõ bản chất sự việc để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Theo luật sư Cường, thời gian vừa qua chuyện bảo kê xe quá tải, “xe vua”, xe vi phạm giao thông đã từng xảy ra ở nhiều nơi, nhiều trường hợp đã bị xử lý trước pháp luật, thậm chí bằng chế tài hình sự. Tuy nhiên, việc bảo kê cho những xe ba gác dạng xe thô sơ như vậy đúng là hiếm gặp. Nếu sự việc như trong clip là đúng, người đã nhận tiền bảo kê cho các xe vi phạm rất đáng bị lên án bởi những trường hợp như thế họ còn ăn chặn, bảo kê, gây lũng đoạn xã hội thì chuyện gì họ cũng có thể làm.
|
Hình ảnh liên quan vụ việc. |
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan điều tra có thể giám định các clip đó và triệu tập người đã phát tán clip để làm rõ nguồn gốc, bản chất và tính trung thực của sự việc trên cơ sở đó xác minh làm rõ nội dung sự việc.
Nếu có sai phạm, có việc cán bộ đã nhận tiền để bảo kê cho các phương tiện giao thông, kể cả xe thô sơ như vậy, hoàn toàn có thể xem xét xử lý hình sự về tội nhận hối lộ, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc một trong các tội danh khác về tham nhũng.
Đồng thời, cần xác minh làm rõ đối với những số điện thoại và những người được nhắc tên trong clip, những nhân vật trong clip để làm rõ bản chất sự việc. Nếu sự việc đúng như vậy cần phải kỷ luật ở mức cao nhất và có thể xem xét xử lý hình sự với người vi phạm.
Luật sư Cường cũng cho rằng, những sự việc nêu trên làm giảm sút uy tín, niềm tin của người dân đối với chính quyền nói chung, với lực lượng công an nhân dân nói riêng.
“Sự việc bảo kê cho các phương tiện giao thông một cách bất chấp pháp luật như vậy sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội như: khiến người dân coi thường pháp luật, đồng thời sẽ nảy sinh ý nghĩ rằng có thể dùng tiền để mua được tất cả. Do đó, sẽ tiếp tục thể hiện ý thức coi thường pháp luật, những phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn tham gia giao thông có thể dẫn đến những vụ tai nạn giao thông gây tổn thất cho xã hội” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Bởi vậy, vụ việc này cần phải làm rõ và xử lý nghiêm minh tất cả những sai phạm có liên quan theo nguyên tắc sai phạm đến đâu phải xử lý đến đó. Người có chức vụ quyền hạn cố tình làm sai làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với cán bộ thì cần phải xử lý bằng các chế tài nghiêm khắc, trong đó có thể áp dụng các chế tài hình sự.
|
Hình ảnh người vi phạm xin xe. Ảnh cắt từ clip. |
Dư luận cho rằng, dù với động cơ, mục đích gì, việc một chiến sĩ cảnh sát ghi lại hình ảnh sự việc và đăng tải lên mạng xã hội (nếu đúng) thì cảnh sát này hoàn toàn xứng đáng được tuyên dương. Bởi những nội dung clip đó đã phần nào tố cáo những hành vi có dấu hiệu bảo kê, vi phạm pháp luật của một số cán bộ công an để các cơ quan chức năng có căn cứ xử lý theo các quy định của pháp luật.
Trước đó, vào tháng 11/2019, 2 sĩ quan CSGT công tác ở Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai tố cáo hai trung tá Phạm Hải Cảng - nguyên đội trưởng Đội CSGT số 2 và Phan Cẩm Tú - nguyên đội phó Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) gọi điện can thiệp, đề nghị thả xe quá tải.
Sau khi xác minh và có kết luận các sai phạm, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định thi hành kỷ luật Đảng bằng hình thức cảnh cáo đối với trung tá Phạm Hải Cảng và trung tá Phan Cẩm Tú. Về mặt chính quyền, ban giám đốc Công an Đồng Nai đã giáng chức ông Cảng và cảnh cáo ông Tú. Đồng thời điều động trung tá Phạm Hải Cảng giữ chức vụ đội phó đội tham mưu tổng hợp và trung tá Phan Cẩm Tú giữ chức vụ đại đội phó đại đội bảo vệ mục tiêu - cùng thuộc Phòng cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đồng Nai.
Điều đó, cho thấy, Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai quyết tâm xử lý những cán bộ có hành vi vi phạm dù họ là ai.
Dư luận hy vọng, Công an tỉnh Đồng Nai sẽ xác minh và xử lý nghiêm các sai phạm của các cán bộ (nếu có) như trong các clip mới đây được cho là một thượng úy cảnh sát trật tự đăng tải lên mạng xã hội. Đồng thời, tuyên dương, khen thường người đăng tải clip tố cáo những hành vi có dấu hiệu sai phạm trên và có phương án để người tố cáo không bị đe dọa, trả thù.
Bởi có những người dũng cảm đứng lên tố cáo những hành vi có dấu hiệu sai phạm, mới có thể giúp loại bỏ những “con sâu” trong ngành, giữ vững niềm tin của người dân vào lực lượng công an. Do đó, cần tuyên dương để khuyến khích các cán bộ khác và nhân dân để bất cứ ai khi thấy sai phạm đều dám đứng ra tố cáo.
Trước đó, đêm 4/12, nhiều đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại rõ âm thanh, hình ảnh một cảnh sát trật tự đang làm nhiệm vụ chặn một xe ba gác đang lưu thông trên đoạn đường thuộc khu nghĩa địa xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) để yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Người lái xe ba gác nói rằng: “Xe em gửi anh M. rồi”. Người chặn xe nói: "Đã gửi anh M. thì gọi điện đi. Chúng tôi đi làm ở đây mà ông cứ ỷ gửi mấy trăm nghìn một tháng là đi nghênh ngang, chạy ngoài đường loạn hết cả lên...".
Một tài xế ba gác khác bị chặn lại để xử lý cũng lấy điện thoại gọi xin xe và giải thích với cảnh sát chặn xe "đóng 2 bên 1 triệu. Đã gửi mấy năm rồi"...
Ngoài ra, còn nhiều đoạn clip lan truyền trên mạng với nội dung các tài xế khi bị dừng kiểm tra đều xin được gọi điện thoại nhờ can thiệp. Những clip cho thấy, hình ảnh được ghi lại ở khu vực xã Sông Trầu và KCN Giang Điền (Trảng Bom) nhưng chưa rõ quay vào thời điểm nào. Các xe bị yêu cầu dừng lại xử lý chủ yếu là xe ba gác, thậm chí có những xe tài xế xác nhận là không có giấy tờ. Tài xế gọi điện rồi chuyển máy cho một cảnh sát nghe máy. Sau khi trao đổi qua lại, tiếng cảnh sát tuần tra báo cáo “sáng giờ chỉ lập biên bản 2 cái...”. Tuy nhiên, sau những cuộc điện thoại can thiệp thì cảnh sát đều để cho những xe này tiếp tục đi.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lộ diện ổ nhóm bảo kê dịch vụ hỏa táng ở Thái Bình: