Mới đây, sự việc bé trai 8 tuổi tại Bình Phước bị chó Pitbull cắn tử vong đã khiến không ít người bàng hoàng và lo sợ. Trước đó, vào khoảng tháng 5/2021, một nam thanh niên đang ngồi uống cà phê ở Long An cũng bị con chó pitbull nặng hơn 60 kg tấn công, cắn nhiều vết khiến nạn nhân bị chấn thương nặng, máu chảy nhiều và tử vong tại chỗ.
Đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp người dân bị các loài chó có kích thước lớn, hung dữ tấn công. Đa số người dân đều cho rằng việc nuôi chó (đặc biệt là các giống chó dữ như pitbull, becgie…) cần phải được quản lý chặt hơn nữa.
|
Ảnh minh họa. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, pháp luật Việt Nam hiện nay không cấm việc nuôi chó mèo, tuy nhiên có những quy định để quản lý và hạn chế những mối nguy hại do các loài động vật này gây ra. Theo đó những người nuôi chó dù với mục đích làm cảnh, thú cưng hay để kinh doanh, trông nhà thì đều phải khai báo với chính quyền địa phương, tiến hành tiêm phòng theo quy định và nuôi nhốt, đảm bảo an toàn nơi đông người.
Luật sư Cường cho biết thêm, trường hợp vi phạm quy định về tiêm phòng, trông coi bảo quản dẫn đến hành vi gây ảnh hưởng đến môi trường, mất an toàn cho con người thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà chủ vật nuôi có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội). |
"Điều 66 Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định khi nuôi chó, chủ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu như thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh dại theo quy định. Đồng thời, chủ vật nuôi phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y… Về việc quản lý vật nuôi là chó, Phụ lục 15 Thông tư 07/2016 của Bộ NN&PTNT cũng đã quy định rõ chủ chó phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư.
Chủ chó phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích giữ chó và có người dắt. Đồng thời, việc nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh và chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định", luật sư Cường phân tích.
Tuy nhiên, theo Luật sư Cường, những quy định này chỉ đang dừng lại ở việc quản lý đàn chó nói chung. Còn riêng đối với các loài chó có kích thước lớn, hung dữ, có thể được coi là nguồn nguy hiểm cao độ thì hiện vẫn chưa có các quy định cụ thể.
Hiện nay chế tài hành chính có thể áp dụng theo quy định tại Nghị định 04/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2017/NĐ-CP), theo đó mức phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với người nào có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa ra nơi công cộng.
Trường hợp người nuôi chó để chó tấn công người khác gây thiệt hại thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, chủ vật nuôi còn phải bồi thường thiệt hại theo Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015. Bộ luật Dân sự hiện hành quy định vật nuôi là nguồn nguy hiểm cao độ, trường hợp vật nuôi gây thiệt hại cho người khác thì kể cả trường hợp chủ vật nuôi không có lỗi, vẫn phải bồi thường thiệt hại.
"Trường hợp vi phạm quy định về quản lý vật nuôi dẫn đến chó cắn chết người thì người quản lý chó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định an toàn nơi đông người theo quy định tại điều 295 bộ luật Hình sự. Khung hình phạt thấp nhất cho tội này là phạt tiền 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù 1-5 năm.
Như vậy, có thể thấy hiện nay pháp luật Việt Nam đã có quy định tương đối đầy đủ về quản lý phòng dại chó mèo, đảm bảo an toàn khi nuôi chó mèo. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn chưa cao, công tác quản lý ở một số địa phương còn yếu kém dẫn đến tình trạng chó mèo nuôi tràn lan, thiếu kiểm soát, thiếu quản lý gây ô nhiễm môi trường và đặc biệt là gây ra những vụ tấn công người gây thương tích, thậm chí chết người", luật sư Cường nói thêm.
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều loại chó dữ được nhập khẩu về Việt Nam nhưng người nuôi không tuân thủ quy định về quản lý, không đảm bảo điều kiện về huấn luyện, thuần dưỡng dẫn đến nhiều vụ cắn người thương tâm. Bởi vậy, thực tiễn đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý vật nuôi, thú cưng, đặc biệt là các loại chó dữ.
"Cần phải tăng cường trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, tăng mức xử phạt, truy trách nhiệm trong công tác quản lý thậm chí quy định điều kiện riêng đối với các loại chó dữ có khả năng tấn công người. Đối với những loại chó hung dữ, không đảm bảo tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn thì có thể cấm nuôi nhốt, cấm nhập khẩu vào Việt Nam.
Việc này cần có sự thay đổi về chính sách, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và đặc biệt là những người dân có sở thích, nhu cầu nuôi chó hiện nay", luật sư Cường nhấn mạnh.
>>> Xem thêm video: Sang nhà bà chơi, bé 8 tuổi ở Bình Phước bị chó Pitbull cắn tử vong
Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.