Mới đây, Bộ TN&MT đã có văn bản trả lời câu hỏi chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về căn cứ cấp hàng ngàn hecta đất tại Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng... để doanh nghiệp xây chùa Tam Chúc, Bái Đính... Việc xây chùa có nằm trong quy hoạch sử dụng đất không? Việc giao đất được tính giá như thế nào?
Đáng chú ý, Bộ TN&MT đã thông tin về dự án Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc qua đó tiết lộ nhiều bất cập mà điển hình là việc giao đất chưa rõ ràng.
Cụ thể, theo Bộ TN&MT, Luật Đất đai quy định việc giao đất, cho thuê đất căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư được phê duyệt.
Bộ TN&MT cho biết, chùa Tam Chúc mới được xây dựng bên chùa cổ Tam Chúc, thuộc quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc tại thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) với quy mô diện tích lên đến 4000 ha.
|
Khu du lịch Tam Chúc. |
Theo đó, Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc đã có quy hoạch tổng thể được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt từ năm 2006, điều chỉnh năm 2012 (quy mô 5.100 hecta) và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 526/QĐ-TTg (quy mô 4.000 hecta), gồm nhiều khu chức năng, trong đó Khu văn hóa tâm linh Tam Chúc có diện tích 1.205 hecta.
Năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc, với diện tích trên 2.042 hecta, chủ đầu tư là Sở Thương mại- Du lịch. Đến năm 2008, tỉnh này chấp thuận cho Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường thực hiện dự án.
Từ năm 2006 đến năm 2009, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành 4 quyết định thu hồi đất và giao cho Sở Thương mại - Du lịch để phát triển Khu du lịch Tam Chúc, với tổng diện tích là 815,1 hecta.
Từ năm 2008 đến năm 2011, UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục ban hành 2 quyết định thu hồi đất đã giao và giao toàn bộ diện tích 815,1 hecta nói trên cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc theo dự án được duyệt.
Trong đó, Quyết định số 1364 ngày 04/11/2008 cho doanh nghiệp này thuê đất với diện tích hơn 500 hecta, thời hạn 50 năm. Quyết định số 1380 ngày 09/11/2011 giao hơn 300 hecta đất, hình thức giao đất để quản lý và đầu tư xây dựng khu du lịch, nhưng không yêu cầu phải bàn giao lại cho Nhà nước sau khi hoàn thành xây dựng.
Tuy nhiên, Bộ TN&MT nêu rõ, các quyết định giao đất của tỉnh còn chưa rõ ràng về nội dung.
Bộ này chỉ rõ, mục đích sử dụng chỉ thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc” mà không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật đất đai.
Chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định (do tại thời điểm giao đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất (nếu trong phạm vi đất cho thuê có cả các công trình tôn giáo tín ngưỡng và trong phạm vi đất giao quản lý không thu tiền có cả công trình cho mục đích kinh doanh thương mại).
Liên quan đến việc Bộ TN&MT chỉ hàng loạt bất cấp trong việc giao đất tại dự án khu du lịch Tam Chúc, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Cụ thể, Khu du lịch Tam Chúc là dự án siêu khủng của Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường trong lĩnh vực đầu tư xây dựng du lịch tâm linh. Đáng chú ý, dự án có tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, được xây dựng với tổng diện tích lên đến 5.100 ha, diện tích vùng lõi là 4.000 ha, ngoài khu tâm linh còn có nhiều khu du lịch, kinh doanh thương mại như khu bảo tồn tự nhiên Quèn Vồng và hồ Tam Chúc, khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc, khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang và trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch tại Thị trấn Ba Sao.
Vậy, việc UBND tỉnh Hà Nam trong các quyết định giao đất, không thể hiện rõ loại đất cụ thể, không xác định được mục đích sử dụng đất dẫn đến thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất (nếu trong phạm vi đất cho thuê có cả các công trình tôn giáo tín ngưỡng và trong phạm vi đất giao quản lý không thu tiền có cả công trình cho mục đích kinh doanh thương mại) thì rõ ràng doanh nghiệp được hưởng lợi, dẫn đến thất thu ngân sách. Trách nhiệm này thuộc về ai?
Điều 13. Luật Đất đai 2003 quy định về Phân loại đất:
Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau:
1. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất:
a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa, đất đồng cỏ dùng vào chăn nuôi, đất trồng cây hàng năm khác;
b) Đất trồng cây lâu năm;
c) Đất rừng sản xuất;
d) Đất rừng phòng hộ;
đ) Đất rừng đặc dụng;
e) Đất nuôi trồng thuỷ sản;
g) Đất làm muối;
h) Đất nông nghiệp khác theo quy định của Chính phủ;
2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất:
a) Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp;
c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
d) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;
đ) Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông, thuỷ lợi; đất xây dựng các công trình văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng; đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; đất xây dựng các công trình công cộng khác theo quy định của Chính phủ;
e) Đất do các cơ sở tôn giáo sử dụng;
g) Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ;
h) Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa;
i) Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;
k) Đất phi nông nghiệp khác theo quy định của Chính phủ;
3. Nhóm đất chưa sử dụng bao gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng.