Từ 0h ngày 1/4 đến 15/4, Việt Nam chính thức cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Trong khoảng thời gian này, sẽ có hàng nghìn người hoàn thành cách ly phòng, chống dịch COVID-19. Dư luận đặt câu hỏi, họ sẽ về nhà như thế nào khi nhiều địa phương siết chặt hạn chế giao thông?
Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, giải thích thêm về cách ly toàn xã hội, Thủ tướng cho biết, cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong toả xã hội mà chỉ hạn chế giao thông.
|
Trong thời gian 15 ngày cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội, sẽ có hàng nghìn người hoàn thành cách ly phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: VTV |
Trước đó, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, việc thực hiện "cách ly xã hội" không phải là phong tỏa và cấm hoàn toàn người dân đi lại mà là dự lệnh, khuyến cáo, hạn chế người dân. Chỉ thị đưa ra biện pháp mạnh để hạn chế tiếp xúc đông người, tránh lây nhiễm, hạn chế đi lại.
Tuy nhiên, mới đây, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng đã ban hành các văn bản chỉ đạo trong thời gian cách ly toàn xã hội, dừng tất cả các phương tiện cơ giới chở người ra vào địa bàn, trừ các trường hợp đặc biệt và thực tế nhiều phương tiện đã buộc phải quay đầu khi đến địa phận các địa phương trên.
Việc này khiến bản thân những người sắp hoàn thành cách ly và người thân của họ băn khoăn về việc khi hoàn thành cách ly sẽ về nhà như thế nào?
Để đưa người hoàn thành cách ly về nhà trong thời gian cách ly toàn xã hội, mới đây nhiều địa phương như Quảng Ninh, TP HCM đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau.
Tại Quảng Ninh, trong điện khẩn số 05 ngày 31/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ, xe đến đón người đi cách ly hoặc hoàn thành cách ly trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phải thông báo rõ tên, địa điểm mới được vào ra, vào địa phận tỉnh này.
Tại TP HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) ngày 1/4 thông tin trong những ngày tới, hàng ngàn người sẽ hoàn thành thời gian cách ly (14 ngày) phòng dịch COVID-19 tại khu cách ly thuộc Đại học Quốc gia TP HCM. Người cách ly trước khi rời khỏi khu cách ly cần thỏa hai điều kiện là có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính và hoàn thành đủ 14 ngày cách ly. Đồng thời, yêu cầu thực hiện nghiêm túc các nội dung phòng bệnh, cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đây, việc tổ chức hoàn thành thời gian cách ly đã được tổ chức ổn thỏa ở các khu cách ly tập trung. Tuy nhiên, HCDC nhận định, việc hàng ngàn người hoàn thành cách ly trở về gia đình trong cùng một thời điểm sẽ gây một áp lực nhất định trong việc đảm bảo an ninh và nhất là an toàn trong giai đoạn quyết định của trận chiến với COVID-19 hiện nay.
|
Ảnh: Vietnam+ |
Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, để chống dịch COVID-19, cả nước đang cách ly xã hội, hạn chế tập trung đông người và các phương tiện công cộng đi lại cũng trở nên khó khăn. Trong khi đó, nhiều người cách ly tập trung không phải cư ngụ tại TP.HCM mà còn ở các tỉnh thành khác cần di chuyển về nhà. Do đó, HCDC đã có phương án để đưa người cách ly về nhà sao cho an toàn, phù hợp nhất với người cách ly.
Cụ thể các phương án di chuyển đối với người hoàn thành cách ly tại TP HCM được áp dụng như sau:
Trường hợp được người nhà đón tại khu cách ly: tuân thủ quy định về địa điểm phù hợp, an toàn trong khu cách ly.
Người cư trú tại các quận huyện: xe của thành phố vận chuyển người từ khu cách ly về địa điểm cố định do quận huyện bố trí để người nhà đón về.
Người cư trú tại các tỉnh miền Tây: xe của thành phố vận chuyển về 4 điểm đón tập trung tại tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Các điểm đón tập trung do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 bố trí, từ đó các tỉnh đưa xe đến đón người dân về địa phương.
Người cư trú tại các tỉnh miền Trung: xe của thành phố vận chuyển về điểm đón tập trung tại tỉnh Đồng Nai và thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Từ đó các tỉnh khác của miền Đông Nam Bộ và miền Trung đưa xe đến đón người dân về địa phương.
Với người về bằng máy bay, tàu hỏa: người cách ly chủ động tìm phương tiện vận chuyển về địa phương mình, đăng ký với Ban Quản lý khu cách ly về địa điểm và phương tiện về. Ban Quản lý gửi thông tin đến Bộ Tư lệnh TP HCM, Sở Giao thông Vận tải để phối hợp tổ chức điều xe đưa người cách ly đến nhà ga, sân bay.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng: Cách ly xã hội chưa phải là phong tỏa xã hội