Đề xuất tăng học phí được đưa ra trong dự thảo lần thứ 2 Nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
|
Ảnh minh họa. |
Hiện nay, qua khảo sát, học phí chương trình chất lượng cao tại các trường ĐH công lập như sau: Học phí chương trình đào tạo đại học chính quy của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) là 11,7 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, học phí các chương trình theo đề án trong năm 2020-2021 cao nhất lên tới 44 triệu đồng.
Mức học phí cho sinh viên chính quy đại trà, kỹ sư tài năng của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) là 11,7 triệu đồng/năm. Trong khi đó chương trình tiên tiến, chất lượng cao, học phí trung bình 30 triệu đồng/học kỳ, tương đương 60 triệu đồng/ năm. Với chương trình tăng cường tiếng Nhật dự kiến 50 triệu đồng/năm.
Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), học phí chương trình đại trà tính theo tín chỉ là 204 nghìn đồng/tín chỉ. Tuy nhiên, với chương trình cử nhân chất lượng cao mức thu là 36 triệu đồng/năm.
Học phí Trường ĐH Công nghệ thông tin học (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho chương trình đại trà 20 triệu đồng/năm, Chương trình chất lượng cao 35 triệu đồng/năm, Chương trình tiên tiến 40 triệu đồng/năm.
Năm 2020, ở Trường ĐH Luật TP.HCM, học phí cho chương trình đại trà là 18 triệu đồng/năm. Lớp Anh văn pháp lý 36 triệu đồng/năm. Lớp chất lượng cao ngành Luật và ngành Quản trị kinh doanh 45 triệu đồng/năm và Lớp chất lượng cao ngành Quản trị - Luật là 49,5 triệu đồng/năm.
Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, học phí chương trình đại trà là 17,5 - 19,5 triệu đồng/năm. Học phí chương trình chất lượng cao tiếng Việt là 28 - 30 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao tiếng Anh 32 triệu đồng/năm, chất lượng cao tiếng Việt - Nhật 32 triệu đồng/năm.
Theo đề án tuyển sinh năm 2020, học phí Trường ĐH Ngoại thương với chương trình đào tạo đại trà là 18,5 triệu đồng/năm. Các chương trình Chất lượng cao, Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản, Kế toán - Kiếm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế có học phí 40 triệu đồng/năm. Học phí chương trình tiên tiến là 60 triệu đồng/năm. Mức học phí của trường được điều chỉnh hàng năm không quá 10%.
|
Ảnh minh họa. |
Đối với cấp học Nhà trẻ, Mẫu giáo (không bao gồm trẻ em mầm non 5 tuổi), Trung học phổ thông, Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông thu 217.000 đồng/tháng/học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị (các phường, thị trấn); thu 95.000 đồng/tháng/học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn nông thôn (các xã trừ các xã miền núi); thu 24.000 đồng/tháng/học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã miền núi.
Đối với Trẻ em mầm non 05 tuổi, Trung học cơ sở, Giáo dục thường xuyên cấp Trung học cơ sở thu 155.000 đồng/tháng/học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị (các phường, thị trấn); thu 75.000 đồng/tháng/học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn nông thôn (các xã trừ các xã miền núi); thu 19.000 đồng/tháng/học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã miền núi.
Như vậy, theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2021-2022, học phí bậc đại học tăng 12,5%. Học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5% so với năm học 2020-2021.
Bộ GD&ĐT lý giải đề xuất tăng học phí bậc mầm non, phổ thông được đưa ra căn vứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021-2025 là 7,5%, cùng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm khoảng 4-5%/năm và mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua các năm thì tổng cộng biến động của các chỉ số trên sẽ cao hơn 7,5%.
Tuy nhiên, để bảo đảm an sinh xã hội và chia sẻ với gia đình người học, bộ đề xuất chỉ tăng 7,5%/năm với học phí mầm non, phổ thông. Với lộ trình này, đến năm học 2025-2026, học phí bù đắp được 50% chi phí đào tạo. Đến năm 2030, học phí sẽ bù đắp đủ chi phí đào tạo (đối với trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên).
>>> Xem thêm video:Học phí các trường đại học tăng cao trong năm học 2020-2021