Bãi giữ xe vi phạm ở Thủ Đức bị cháy: Ai sẽ bồi thường?

Google News

Bãi xe tang vật bị cháy do Phòng CSGT Đường bộ đường sắt Công an TP.HCM quản lý nên đơn vị này có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.

UBND TP Thủ Đức (TP.HCM) vừa có thông tin chính thức về vụ cháy bãi xe xảy ra trên địa bàn phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP.HCM vào chiều ngày 6/6.
Theo đó, vụ cháy xảy ra vào lúc 13 giờ 32 phút tại kho chứa xe tang vật và phương tiện vi phạm giao thông tại địa chỉ số 16 đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước.
Cũng theo UBND TP Thủ Đức, bãi xe này thuộc Phòng CSGT Đường bộ đường sắt (PC08) Công an TP.HCM quản lý.
Diện tích khu vực xảy ra cháy khoảng 1.100 m2, không có thiệt hại về người. Riêng về tài sản, hiện lực lượng chức năng đang thống kê và điều tra nguyên nhân vụ việc.
Bai giu xe vi pham o Thu Duc bi chay: Ai se boi thuong?
 Bãi xe tang vật bị cháy do Phòng PC08 Công an TP.HCM quản lý. Ảnh: TS
Theo ghi nhận của PLO, vụ cháy đã gây ảnh hưởng đến các khu vực lân cận, nhiều người dân quanh khu vực cũng được di dời. Trong đó, một trường mầm non có khoảng 300 học sinh đã được thầy cô giáo gọi phụ huynh đến đón về khẩn cấp.
Trao đổi với PV, Thạc sĩ - luật sư (ThS-LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Theo Điều 9 Nghị định 115/2013 (quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính) thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.
Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện.
Nghị định 31/2020 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2013) cũng quy định về điều kiện đối với nơi tạm giữ là nhà, kho, bãi: Phải bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự...; Phải bảo đảm khô ráo, thoáng khí. Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc có các biện pháp phòng, chống mưa, nắng.
Ngoài ra, nơi tạm giữ phải có hệ thống thiết bị chiếu sáng; trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp cho việc quản lý, bảo quản từng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.
“Như vậy, trong vụ việc này, Phòng PC08 Công an TP.HCM phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các chủ xe và một số người liên quan theo nguyên tắc về bồi thường thiệt hại của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Để có căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ cháy này, chủ sở hữu xe cần có biên bản tạm giữ xe vi phạm, tình trạng xe, đời xe để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại.
Nếu cơ quan điều tra xác định do ai đó phá hoại gây ra vụ cháy thì cơ quan ra quyết định tạm giữ phương tiện vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường. Sau đó, cơ quan này sẽ yêu cầu người gây thiệt hại hoàn trả lại.
Trường hợp không thỏa thuận được về mức bồi thường thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án giải quyết theo luật định” – ThS–LS Quốc Tuấn nêu quan điểm.
Cũng theo ông Tuấn, cháy là rủi ro ngoài ý muốn và cần tìm hiểu nguyên nhân cháy, đồng thời xác định các xe vi phạm có bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) hay không. Trường hợp có bảo hiểm TNDS thì công ty bảo hiểm là đơn vị bồi thường thiệt hại. Theo đó, việc bồi thường không quy về trách nhiệm người quản lý.
“Bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới (ô tô, xe máy) là loại hình mà các cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam bắt buộc phải tham gia theo quy định của pháp luật. Khi rủi ro xảy ra tai nạn, nạn nhân được khắc phục tổn thất về người và tài sản, chủ xe và lái xe cũng nhận được bồi thường từ Quỹ Bảo hiểm thông qua các công ty bảo hiểm”- Ông Tuấn nhận định.
Theo Hoa Thi/Plo

>> xem thêm

Bình luận(0)