Trước đó, vụ bãi giữ xe CSGT bị cháy xảy ra vào đêm 30/3. Ngày 1/4, Công an TP Thủ Đức cho biết, vẫn đang xác định nguyên nhân và thiệt hại của vụ cháy. Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm ở đây là ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu các xe bị cháy?
|
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc. |
Trao đổi với PV Tri Thức và Cuộc Sống, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đối với vụ việc cháy kho giữ xe vi phạm, tang vật của CSGT Công an TP Thủ Đức, TP HCM trước hết chúng ta cần chờ kết quả điều tra nguyên nhân và thiệt hại của vụ cháy từ phía cơ quan chức năng.
"Nếu nguyên nhân cháy là do sự kiện bất khả kháng, không do cá nhân nào tác động, cơ quan quản lý kho xe đã áp dụng tất cả các biện pháp phòng cháy chữa cháy cần thiết theo quy định thì sẽ rất khó để quy kết, xử lý cá nhân hoặc tổ chức. Việc xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy được quy định cụ thể tại Mục 3 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, tương ứng với mỗi hành vi, thiệt hại sẽ có mức phạt khác nhau" - luật sư Tùng cho biết.
Luật sư Tùng cho biết thêm, về hình sự, trường hợp có sự vi phạm về quy định phòng cháy chữa cháy gây hậu quả thì Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung có quy định rất rõ về các hình phạt áp dụng tại điều 313. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cần xác định yếu tố lỗi, làm rõ mức thiệt hại trong trường hợp này là bao nhiêu, người nào có hành vi vi phạm gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tùy theo mức độ cụ thể.
|
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội). |
Cũng trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, những năm gần đây các bãi giữ xe vi phạm giao thông, tang vật trong các vụ án hình sự rất ngổn ngang, nhiều nơi không còn chỗ chứa, nhiều chiếc xe đẹp, đắt tiền phải để dầm mưa dãi nắng hư hỏng rất lãng phí, bên cạnh đó nguy cơ cháy nổ là rất cao.
"Pháp luật quy định một số trường hợp vi phạm hành chính về giao thông thì người vi phạm sẽ bị tạm giữ phương tiện, phải trả chi phí cho thời gian tạm giữ, chi phí trông giữ. Và họ được nhận lại tài sản, phương tiện khi đã thực hiện xong các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật. Bởi vậy, quá trình xử lý vi phạm hành chính thì chiếc xe này chỉ bị tạm giữ, sau đó sẽ trả lại cho chủ sở hữu tài sản trừ trường hợp chiếc xe đó thuộc trường hợp sẽ bị tịch thu, xung công quỹ trong các vụ án hình sự hoặc thu giữ để trả lại cho người bị hại" - luật sư Cường chia sẻ.
Luật sư Cường cho rằng, những xe trong bãi giữ xe chưa được xử lý thì vẫn là tài sản của tổ chức, cá nhân, trong đó cơ quan, tổ chức đảng thực hiện các thủ tục hành chính có trách nhiệm bảo quản, trông giữ. Trong quá trình bảo quản trong giữ nếu làm hư hỏng, mất mát chiếc xe đó thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cháy bãi xe như vụ việc nêu trên thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân của vụ cháy để xác định trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội). |
"Trong trường hợp có đối tượng xấu đã đốt bãi xe thì đối tượng này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản và có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với bãi xe bị cháy đó. Trong trường hợp không có người đốt, việc cháy nổ là do nguyên nhân khách quan thì cũng sẽ xem xét đến trách nhiệm trông coi, bảo quản, việc thực hiện trông coi bảo quản đã thực hiện đúng quy trình, quy định hay chưa, có đảm bảo điều kiện về phòng chống cháy nổ hay không. Trong trường hợp có người vi phạm quy định về phòng cháy, vi phạm quy định về các thủ tục hành chính dẫn đến chập điện, cháy nổ thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại đối với hành vi do mình gây ra.
Còn trường hợp cơ quan chức năng không xác định được nguyên nhân của vụ cháy, không truy được trách nhiệm của tổ chức cá nhân nào hoặc việc cháy bãi xe là do nguyên nhân khách quan không do lỗi của bất cứ ai thì cơ quan, đơn vị đang bảo quản, trông giữ những chiếc xe đó phải bồi thường thiệt hại cho bên gửi giữ theo quy định của bộ luật dân sự về hợp đồng gửi giữ tài sản người có quyền yêu cầu bồi thường là người gửi giữ và chủ phương tiện" - luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư Cường, những người bị cơ quan chức năng giữ xe có quyền căn cứ vào các biên bản, tài liệu để đòi chiếc xe đó từ phía cơ quan đã tạm giữ phương tiện trước đó. Nếu cơ quan tạm giữ phương tiện đã giao xe cho đơn vị cung cấp dịch vụ giữ xe thì đơn vị cung cấp dịch vụ giữ xe này phải bồi thường thiệt hại cho bên gửi xe. Về nguyên tắc thì cơ quan, tổ chức nào đang trông giữ những chiếc xe đó mà xảy ra hỏa hoạn, không xác định lỗi của bên thứ ba thì bên trong giữ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định của bộ luật dân sự về hợp đồng gửi giữ tài sản.
Hiện nguyên nhân bãi giữ xe CSGT bị cháy đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
>>> Xem thêm video: Cháy bãi xe tại thành phố Thủ Đức