Vì 25 tỷ, Thẩm phán và Giảng viên "đạp" lên Luật pháp
Liên quan đến vụ việc thẩm phán bị tố bắt cóc trẻ em xảy ra tại căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1, TP HCM), nguyên nhân của vụ án bắt đầu từ việc tranh chấp căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm giữa bà Hoàng Thị Thu Thảo (SN 1983, cư trú tại phường Đa Kao) và bà Hoàng Trọng Anh Chi (cùng trú Quận 1).
Cụ thể vào năm 2017, bà Hoàng Thị Thu Thảo lập hợp đồng mua căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, đang thi công dở dang của bà Hoàng Trọng Anh Chi với giá 25 tỷ đồng. Giấy tờ căn nhà bà Chi đang cầm tại ngân hàng.
Bà Thảo sau đó đưa cho bà Chi một tỷ đồng làm tin, đồng thời giao lại các quyền điều chỉnh thi công xây dựng. Một tháng sau bà Thảo chuyển thêm 6 tỷ đồng và tiếp tục xây nhà đến hoàn chỉnh.
Theo thỏa thuận, sau khi bà Chi giải chấp ngân hàng, xong thủ tục hoàn công hai bên sẽ ra công chứng chuyển quyền sở hữu. Tuy nhiên, do bà Thảo xây nhà sai phép nên không được hoàn công, không thể làm thủ tục chuyển nhượng. Đến tháng 3/2019, bà Thảo và gia đình dọn về căn nhà này ở.
Hai bên sau đó xảy ra mâu thuẫn, bà Thảo yêu cầu bà Chi trả lại tiền đặt cọc và chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng nếu không thực hiện theo hợp đồng. Do bà Chi không đồng ý nên bà Thảo khởi kiện ra TAND Quận 1.
Ngày 19/9, ông Lâm Hoàng Tùng cùng ông Nguyễn Hải Nam, một phụ nữ và khoảng 30 người đến nhà bà Thảo đuổi những người có mặt trong căn nhà ra ngoài và đưa 3 con của bà Thảo ra khỏi nhà. Căn nhà từ đó bị nhóm người lạ mặt chiếm giữ.
|
Căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Đa Kao, quận 1, TP HCM). |
Công an khẳng định, thời điểm xảy ra vụ việc (chiều 19/9) căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm là chỗ ở hợp pháp của gia đình bà Thảo.
Đến ngày 1/10, công an quận 1 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lâm Hoàng Tùng, giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ viện kiểm sát tại TP.HCM và Nguyễn Hải Nam, nguyên Phó chánh án TAND quận 4 về hành vi Xâm phạm chỗ ở người khác theo điều 158 Bộ luật Hình sự.
Tại cơ quan công an, ông Lâm Hoàng Tùng khai khai rằng đã góp tiền cùng bà Hoàng Trọng Anh Chi mua căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm và để bà Chi đứng tên sở hữu. Trong quá trình xây dựng, bà Chi bán lại căn nhà cho bà Hoàng Thị Thu Thảo với giá 25 tỷ đồng.
Như vậy, căn nguyên của việc ông Tùng và ông Nam tham gia vào việc tranh chấp căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm do ông Tùng có lợi ích ở trong đó. Giá trị căn nhà thời điểm giao dịch là 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, do xây dựng sai phép nên căn nhà đang thi công bị đình chỉ, việc hoàn tất thanh toán giữa bà Thảo cho bà Chi cũng bị đình trệ và đi đến mâu thuẫn, tranh chấp.
Do đã góp tiền với bà chi mua căn nhà rồi bán cho bà Thảo với giá 25 tỷ, ông Tùng được bà Chi ủy quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Ông Tùng cũng nhiều lần thông báo cho bà Thảo khắc phục sai phạm hoặc giao lại công trình để ông ta khắc phục. Do bà Thảo không đồng ý, ông Tùng gửi thông báo cho bà Thảo sẽ đến lấy lại căn nhà và tự khắc phục sai phạm.
|
Thẩm phán Nguyễn Hải Nam (bên phải) và giảng viên Lâm Hoàng Tùng bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi xâm phạm chỗ ở người khác |
Theo Zing đưa tin, đến ngày 19/9, ông Tùng thuê Văn phòng Thừa phát lại quận 1 và Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Thành Hồ (huyện Bình Chánh) đến căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm lập vi bằng về việc lấy lại căn nhà.
Theo lời khai của ông Tùng, khi nhóm người của ông Tùng đến nơi thì cửa mở. Ông Tùng vào trong thông báo cho những người có mặt bên trong ra ngoài. Do những người phụ nữ để 3 đứa trẻ lại nên ông Tùng và những người khác ôm ra ngoài để giao cho họ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Nam nói ông thuê một phòng trong căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngày 19/9, ông Tùng gọi điện gọi ông Nam đến để nhận phòng.
Khi có mặt tại căn nhà, ông Nam thấy đông người đang cãi nhau, thấy một đứa bé nên ông ôm đặt vào nôi. Nguyên Phó chánh án quận 4 cho rằng mình không biết căn nhà đang tranh chấp.
"Hành động chà đạp luật pháp, coi thường công lý"
Theo luật gia Nguyễn Gia Hải (Văn phòng luật sư Vạn Xuân Hà Nội, Đoàn luật sư TP Hà Nội), căn cứ theo hành vi và kết luận của cơ quan điều tra, hành vi của ông Nam và ông Tùng đã đủ các yếu tố cấu thành của tội xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp theo điều 158 BLHS 2015.
Cụ thể hơn, việc 2 ông thuê người lập vi bằng, công ty bảo vệ tham gia thực hiện dưới sự bố trí, chỉ đạo của 2 ông thể hiện việc hành vi phạm tội có tổ chức theo khoản 2 điều luật này. Bởi lẽ những người tham gia thực hiện hành vi phạm tội hoàn toàn có sự cấu kết, thống nhất về ý chí và phân vai 1 cách bài bản.
Với hành vi này, ông Nam và ông Tùng hoàn toàn có thể phải đối diện mức án lên đến 5 năm tù giam theo khoản 2 điều 158, đồng thời bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo khoản 3 của điều luật này.
Ngoài ra, nếu hành vi phạm tội của 2 ông gây thiệt hại về tài sản cho bị hại thì ngoài việc phải chịu hình phạt theo quy định của BLSHS hai ông còn phải bồi thường theo quy định của bộ luật Dân sự hiện hành.
"Xét về mặt xã hội, cả hai người đều có trình độ chuyên môn, nhận thức cao, nắm rõ quy định của pháp luật, biết được hành vi của mình là phạm pháp nhưng vẫn cố ý thực hiện đến cùng, bất kể quá trình thực hiện phải 'bế 3 em nhỏ' ra khỏi nơi các em đang sống cùng gia đình. Điều này không những phi đạo đức mà còn chà đạp pháp luật, coi thường công lý. Việc nghiêm trị hai người phạm tội là hết sức cần thiết và kịp thời.
Không những vậy, quá trình điều tra, làm rõ sự việc, cơ quan điều tra cần mở rộng phạm vi, triệu tập toàn bộ các đối tượng có liên quan, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia thực hiện hành vi phạm tội để đưa ra kết luận: có hay không việc tiếp tay cho tội phạm" - luật gia Nguyễn Gia Hải cho biết.
>>> Xem thêm: Thẩm phán và giảng viên bị tố xông vào nhà "bắt" 3 đứa bé