Ông quan niệm thấy người sắp chết đuối không thể không cứu, thấy xác người trôi sông không thể không vớt... Vì thế, bản năng thánh thiện trong con người ông trỗi dậy, ông đã nhiều lần cứu người trên sông Hậu.
Ở tuổi 80, cụ To ở xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Không giống như hình dung của chúng tôi về ông - một lão ngư khắc khổ, người đàn ông tiếp chúng tôi trông khá lịch thiệp và sang trọng. Ông cụ tóc bạc phơ ấy lần giở những trang nhật ký nhảy cầu Cần Thơ để thống kê lại số người muốn tìm đến cái chết sau gần chục năm kể từ ngày chiếc cầu dây văng nối liền sông Hậu được khánh thành.
|
Ông To trong một lần cứu người nhảy sông. |
Ông cho biết, tên trên giấy tờ của mình là Dương Công To, năm nay vừa bước sang tuổi 81. Là một cựu tù chính trị, sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về quê nhà hành nghề đóng đáy, sửa chữa tàu thuyền. Và khúc sông mà ông chọn làm nơi mưu sinh đúng vào vị trí tọa lạc của chiếc cầu Cần Thơ ngày nay. Cũng từ thời điểm đó, ông bén duyên với nghề
cứu người, vớt xác.
Ông To cho biết: “Thuở ấy, đường đi lại khó khăn nên đa số người dân chọn tàu thuyền làm phương tiện di chuyển là chủ yếu. Phương tiện cũ kỹ, thời tiết thất thường nên khúc sông này thường xuyên xảy ra tai nạn chết người”.
Hơn 40 năm trước, mỗi khi gió chướng thổi, sông Hậu đón ghe tàu tấp nập từ các nơi về mua bán hàng chuẩn bị đón năm mới. Nhộn nhịp là vậy nhưng gió to sóng lớn luôn làm ngư dân ám ảnh bởi có rất nhiều tai nạn đường thủy xảy ra cướp đi sinh mạng người dân. Vậy là mỗi mùa gió về hoặc gặp lúc mưa bão, ông To treo mình trên chiếc võng tre trong căn chòi lá ven sông để hướng mắt ra dòng Hậu Giang chờ chực cứu người.
|
Cuốn sổ "tử thần" ghi chép lại những vụ đuối nước, nhảy sông của ông To. |
Ngoài nhật ký nhảy cầu Cần Thơ, ông To không quên được ký ức hàng chục năm cùng láng giềng, đồng đội cứu hộ trên 200 tàu thuyền, cứu sống hơn 300 người khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không may gặp nạn trên sông.
Tâm sự về những trường hợp bị trôi sông không ai vớt, ông trầm ngâm kể: “Chết hay sống đều chung đặc điểm là lột da khắp cơ thể vì bị nước ép quá mạnh vào da thịt. Tám người sống có 4 nữ, nhảy cầu Cần Thơ tự tử chủ yếu là buồn chuyện tình cảm hoặc giận ai đó trong nhà”.
Biết được công việc của ông, nhiều đơn vị ở các bộ, ngành trung ương và địa phương đã trao tặng cho ông nhiều giấy khen, bằng khen. Cho đến giờ, ông cũng không nhớ rõ mình đã được khen bao nhiêu lần bởi đối với ông, việc cứu người làm phước quan trọng hơn tất các mọi thứ trên đời.
Ngoài việc tham gia cứu người, ông To còn là người rất tích cực tham gia, phối hợp cùng cơ quan chức năng phá những vụ cướp, trộm trên sông. Và cũng giống như việc vớt xác, số vụ bắt trộm mà ông tham gia cũng nhiều đến mức ông cũng không thể nhớ hết.
Trước khi chia tay ông To, những người thực hiện chương trình hỏi ông về tâm niệm của mình đến cuối đời là gì khi đã bước qua ngưỡng “bát tuần”? Ông cười và chỉ ước ao một điều: Một ngày nào đó, những cái chết vì bế tắc trong cuộc sống dưới chân cầu Cần Thơ sẽ không còn và quyển "Nhật ký tử thần" của ông sẽ trở thành quá vãng...
Mời các bạn cùng đón xem chương trình “8 giờ 15 phút tối” với tựa đề "Hiệp sĩ cứu người tuổi 80" trên kênh An ninh Thế giới (ANTG) – Truyền hình An Viên:
- Phát sóng chính thức: 20h15 thứ Tư (14/10/2015)
- Phát lại: 9h00 thứ Năm (15/10/2015) & 15h00 thứ Sáu (16/10/2015)