Mời quý độc giả xem video:
Từ lâu, Hà Nội đã trở thành địa danh mà dường như ai cũng muốn ghé qua một lần trong đời. Nét duyên trầm mặc của phố cổ với phong vị ẩm thực độc đáo của xứ nhiệt đới, nét nên thơ của Hồ Gươm, cái mênh mang của sóng nước chiều Tây Hồ... là những điều cuốn hút du khách khi tới Hà Nội. Mỗi người một cảm nhận không ai giống ai nhưng có lẽ rất nhiều người khi đặt chân tới đây đã mong ước trở thành một cư dân của đô thị sầm uất này.
Song, không mấy người biết, người Hà Nội có một nỗi thống khổ mà ngày nào họ cũng phải đối diện, đó là giao thông. Nỗi thống khổ ấy dường như đã trở nên quá quen thuộc, chẳng ai buồn nhắc đến nữa. Họ chỉ chợt giật mình, kêu khổ khi vội vã vượt đèn đỏ để kịp giờ đưa đón con đi học, kịp giờ giao ban ở cơ quan. Nhưng còn khổ hơn nữa, nếu chẳng may ai đó bị tạm giữ phương tiện vì những vi phạm của mình trong lúc vội vã.
|
Hình ảnh xe chất đống như thế này ở những bãi tạm giữ xe vi phạm không còn hiếm. |
Điểm đến của những chiếc xe vi phạm này là những bãi tạm giữ xe. Xe được đưa về đây ngày hàng giờ, hàng ngày và không có gì ngạc nhiên khi chỉ một thời gian ngắn bãi xe đã chật kín chỗ. Những chiếc xe vi phạm như cố chen chúc nhau để tìm cho mình một chỗ đứng.
Tùy vào quy mô của mỗi bãi tạm giữ mà số xe cất giữ được có thể từ vài trăm đến hàng nghìn chiếc. Có những bãi tạm giữ được lợp mái che, lát sân gạch hoặc sân bê tông nhưng cũng có những bãi chỉ là nền cát và lộ thiên ngày này qua tháng khác. Vào ngày nắng, những chiếc xe như căng mình chống lại ánh nắng gay gắt rồi dần dần vỡ vụn. Còn những ngày mưa, những chiếc xe này đành chấp nhận số phận rồi cũng dần han gỉ.
|
Ngay cả những chiếc ô tô giá trị trăm triệu đồng cũng thành... sắt vụn. |
Từ những chiếc xe số đời cũ hoặc ít tiền như Honda Super Cup, Honda Wave, SYM Angela... đến những chiếc xe tay ga đời mới hoặc đắt tiền như Honda SH, Honda Spacy, Vespa, Liberty... đều tề tựu đông đủ về đây. Qua thời gian, từ những chiếc xe mới chúng trở nên cũ kỹ, xấu xí, han gỉ, mục nát... rồi cuối cùng trở thành đống sắt vụn, mất hết giá trị. Những chiếc ô tô cũng chịu chung số phận.
Theo báo cáo của Bộ Công an, biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nhằm đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, ngăn chặn hành vi vi phạm, tạo điều kiện để cơ quan chức năng xác minh tình tiết vụ vi phạm, trên cơ sở đó xử lý công bằng, nghiêm minh và đảm bảo hiệu lực thực thi quyết định xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, một số quy định về biện pháp tạm giữ trong Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa cụ thể (nơi giam giữ, chế độ bảo quản tang vật, trách nhiệm quản lý...) gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tạm giữ và tạo bức xúc trong người dân. Hiện một số địa phương như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng... mỗi năm tạm giữ khoảng 1.500 ô tô, gần 2 vạn mô tô, xe gắn máy và các loại phương tiện khác. Số lượng tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ rất lớn nhưng điều kiện bảo quản kém nên bị giảm giá trị sử dụng, gây lãng phí lớn cho xã hội.
|
Lịch phát sóng và phát lại của chương trình. |
Theo quy định của pháp luật, nếu hết thời hạn tạm giữ mà không thấy chủ phương tiện đến nhận, cơ quan chức năng phải mất ít nhất 6 tháng mới có thể hoàn thành các thủ tục thanh lý, bán đấu giá số xe vô chủ. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ có tình trạng này là do quy định của pháp luật quá chặt chẽ. Việc xử lý có quá nhiều thủ tục, công đoạn rắc rối... đã biến những chiếc xe đắt tiền thành si-đa, một mớ sắt vụn không hơn không kém.
Hiện trạng những bãi tạm giữ xe vi phạm ở Hà Nội thế nào, vì sao các chủ phương tiện không đến nhận xe, nguy hiểm gì từ những bãi đỗ xe này, tất cả sẽ có trong phóng sự "Xe Si-đa" trên kênh An ninh thế giới (ANTG) - Truyền hình An Viên.
- Phát sóng chính thức: 20h15 thứ Bảy (11/4/2015)
- Phát lại: 9h chủ nhật (12/4/2015) & 15h thứ Hai (13/4/2015)