Thời gian vừa qua, xã Thạnh Phú, thuộc huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ là nơi có nhiều người dân đã bán thận. Nhen nhóm từ năm 2012 với một hoặc hai trường hợp, đến nay theo thông tin người dân cung cấp đã có gần 10 người.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, thực tế có thể còn nhiều hơn, bởi hoạt động buôn bán thận thường lén lút, việc bán và ghép thận đều diễn ra tại TP HCM, Hà Nội nên gia đình và địa phương không thể kiểm soát được.
|
Chủ tịch UBND xã Thạch Phú (Cờ Đỏ-Cần Thơ) trả lời trước việc người dân bị dụ dỗ bán thận. |
Ông Võ Hải Triều - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, cho biết: “Những người bán thận là những người nghèo, thiếu kiến thức về pháp luật. Tình trạng này chúng tôi phát hiện cách đây vài tháng và đã có báo cáo với cấp trên để có hướng xử lý. Mặt khác, những người bán thận thường là những người sống tạm trú không có đất. Chính vì nhà của họ là nhà tạm nên các hội, đoàn thể không thể đứng ra bảo lãnh cho họ vay vốn để làm ăn được”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa-Bí thư Chi bộ ấp 6 xã Thạnh Phú, nguy hiểm hơn là tình trạng người đi bán thận bị cò dụ và tác động nên cảm thấy mình đã bị bán rồi, lỡ rồi không về báo với chính quyền địa phương, mà lại lôi kéo người khác bán thêm.
Việc biến các bộ phận cơ thể con người thành hàng hóa để buôn bán là hành vi vi phạm pháp luật. Để né sự trừng phạt của pháp luật các đầu nậu thường sử dụng người đã từng bán thận làm cò mồi. Điều này cũng đồng nghĩa phần lớn lợi ích rơi vào túi các đầu nậu, còn người chịu trách nhiệm trước pháp luật lại là người dân.
Vấn đề đặt ra lúc này là ai đứng đường sau các vụ mua bán thận này? Vì sao việc mua bán thận qua mặt được các bệnh viện lớn? Và các cơ quan chức năng đã làm gì để ngăn chặn tình trạng dụ dỗ người dân nông thôn bán thận?