Về vùng đất thiêng Lam Kinh, du khách không chỉ biết đến giá trị lịch sử văn hóa của khu di tích này mà còn được chứng kiến nhiều điều kỳ lạ. Đó là chuyện về cây Ổi biết cười, cây Đa Thị như một cặp đôi quấn quýt bên nhau, có chung một gốc và cây Lim hiến thân…
Sau cuộc chiến chống giặc Minh kết thúc thắng lợi, Hoàng đế đầu tiên của vương triều Lê Sơ là Lê Lợi, đã trở về Lam Kinh quê hương ông cho tiến hành xây dựng một khu vực thiêng để thờ cúng tổ tiên. Từ đó Lam Kinh đã trở thành đất quí hương – thánh địa của nhà Lê.
|
Cây ổi "cứ gãi là cười" kỳ lạ ở Lam Sơn - Thanh Hóa. |
Tại vùng đất thiêng này, cho đến tận bây giờ, vẫn tồn tại những câu chuyện bí ẩn, ly kỳ chưa có lời giải đáp. Một trong những câu chuyện ly kỳ ở Lam Kinh được truyền lại từ bao đời nay đó là chuyện về 3 loài cây lạ: cây Ổi biết cười, cây Lim hiến thân và cặp cây Đa ôm cây Thị.
Đó là những loài cây rất đỗi bình thường, song dường như những câu chuyện liên quan đến chúng tại khu di tích này lại nhuốm màu kỳ lạ, thần bí.
Nằm bên phải lăng mộ vua Lê đã gần 1 thế kỷ, cây ổi dáng huyền, mang thế rồng chầu mùa nào cũng cho quả. Mặc dù trái nhỏ, nhưng khi chín, thì hương thơm tỏa ngát xung quanh. Người trông coi khu lăng mộ vua lê thường hái dâng lên mộ vua.
|
Đường vào chính điện Lam Kinh. |
Nhiều người cho rằng, cây ổi được phát hiện "biết cười" lần đầu tiên năm 2001. Từ đó trở đi, khi có người lấy ngón tay sờ nhẹ lên thân cây, thì những đầu lá ổi rung lên bần bật, như một phản xạ, gây ngạc nhiên cho những người chứng kiến. Khi cù vào những hõm cây, tất cả lá cây đều rung rinh như cười.
Ngạc nhiên hơn nữa, nếu nắm tay vào một đoạn thân cây, nhắm mắt lại, đa số mọi người đều có cảm giác lâng lâng, quay cuồng đầu óc và rung lắc như bị cành cây giật đi, cảm giác chếnh choáng như người say rượu. Tận mục sở thị điều lạ này, nhiều người không khỏi kinh ngạc..
|
Lịch phát sóng & phát lại của chương trình. |
Trong khuôn viên rộng lớn ngoài cây ổi biết cười còn có rất nhiều loài cây quý hiếm hàng trăm năm tuổi. Điều ngạc nhiên đến khó tin là những cây này đều gắn liền với những câu chuyện ly kỳ. Tại đây có một cây lim cổ thụ, cao nhất nhì rừng Lam Kinh, được người dân địa phương gọi là cây "Lim cò" vì trước đây cò về đậu trắng cây. Điều lạ lùng hay sự trùng khớp ngẫu nhiên, cây lim đang xanh tốt bỗng nhiên vào tháng 2/2010 trút lá hàng loạt rồi chết khô, trong khi đó vào tháng 10/2010 cung điện sẽ được khởi công xây dựng. Khó tin hơn nữa, thời điểm cây lim chết trùng với thời điểm Dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt.
Cây chết là lúc thiết kế thi công vừa hoàn thành. Khi cây được hạ xuống, thông thường lim rất hay bị rỗng ruột, nhưng cây lim này lại hoàn toàn đặc, rất thuận lợi cho việc làm trụ cột Chính điện với quy mô 9 tòa gỗ lim đồ sộ nhất Việt Nam. Chỉ một cây lim nhưng thân và cành đủ để làm một bộ gồm: cột cái, cột quân, cột góc và thượng lương để phục vụ Lễ phạt mộc khởi công cung điện vào tháng 10/2010. Đường kính phần gốc cây lim trùng khớp với gương tảng cột cái (xấp xỉ 0,8m), phần ngọn khoảng 0,65cm, vừa với gương tảng cột quân. Lý giải cho "sự ra đi" bất thường của cây lim, nhiều người cho rằng: Dường như cây Lim cò 600 năm tuổi này sinh ra là để hiến thân, phục vụ cho việc phục dựng Chính điện!
Bên cạnh cây Ổi biết cười, cây Lim hiến thân, ở khu di tích Lam Kinh còn có cây Đa ôm cây Thị, 2 cây chung một gốc, quấn quýt, quện vào nhau.
Những người gắn bó lâu năm với khu di tích kể lại rằng, xưa kia chỗ cây đa đang áng ngữ là một cây thị, chim chóc thường về đậu trên cành thị mang theo quả đa về ăn nên hạt rơi xuống đất mọc thành cây. Sau này, cây đa mọc lên xanh tốt, bộ rễ phụ của cây Đa Thị rất đặc biệt, không vươn ra xa như các cây đa nhiều “gốc” khác mà ôm trọn gốc thị rồi hóa thành chung một gốc.
Từ gốc đến ngọn đa cao chừng 20m, gốc cây gần chục người ôm không xuể. Cây thị sống trong lòng cây đa vẫn xanh tươi tốt lá, mỗi năm đều ra quả, tuy nhỏ, chát nhưng thơm lừng một góc trời. Đến năm 2007 cây thị già chết khô, nhưng đến nay vẫn còn một cành khô chĩa ra bên ngoài gốc đa.
Về Lam Kinh, vùng đất của địa linh nhân kiệt, ta như được sống trong không gian lịch sử, với âm hưởng hào hùng của Hoàng triều Lê tộc và những tích xưa chuyện cũ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngọn núi Lam Sơn vẫn hiên ngang, sừng sững. Cùng những điện, miếu linh thiêng, tôn nghiêm, tráng lệ, từng gốc cây ngọn cỏ nơi này dường như cũng đầy bí ẩn, ly kỳ...
Hãy cùng chúng tôi khám phá, tận mắt chứng kiến những câu chuyện kỳ lạ, nhuốm màu huyền thoại qua phóng sự “Bí ẩn 3 cậy lạ ở di tích Lam Kinh – Thanh Hóa” trên kênh An ninh Thế giới (ANTG) - Truyền hình An Viên.
- Phát sóng chính thức: 20h15 thứ Hai (16/3/2015)
- Phát lại: 9h thứ Ba (17/3/2015) & 15h thứ Tư (18/3/2015)