Việt Nam khởi kiện, chứ không nói suông với Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - "Việt Nam có quyết tâm trong việc sử dụng các biện pháp pháp lý đối với Trung Quốc. Khởi kiện là một vấn đề cân nhắc lâu dài. Việt Nam sẽ hành động cụ thể", thạc sĩ luật Hoàng Việt cho biết.

Liên quan tới hành động leo thang giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, thạc sỹ Luật Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu lâu năm về biển Đông, chia sẻ trên BBC News: “Nhiều lãnh đạo Việt Nam, từ Thủ tướng Chính phủ và nhiều nhân vật cấp cao khác đã khẳng định, Việt Nam sẵn sàng sử dụng biện pháp pháp lý để bảo vệ lợi ích đất nước trên Biển Đông.
Theo ông Hoàng Việt, trong hội thảo quốc tế về Biển Đông vừa diễn ra ở Đà Nẵng, các vấn đề về các bước khởi kiện là gì, căn cứ khởi kiện như thế nào đã được mang ra trao đổi rất chi tiết. “Khởi kiện là một vấn đề khó khăn nên phải cân nhắc. Việt Nam sẽ hành động cụ thể và có những bước đi rất thận trọng", thạc sỹ Luật Hoàng Việt nói.
Liên quan tới hành động leo thang giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Việt Nam khởi kiện, chứ không nói suông với Trung Quốc.
Trao đổi với Kiến Thức, luật sư Hoàng Cao Sang, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Luật Việt, Đoàn Luật sư TP HCM, nói: "Một vấn đề nữa hết sức quan trọng buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam chính là thái độ của Việt Nam. Nếu chúng ta buông xuôi, phản ứng có lệ, chỉ hô hào mà không có hành động cụ thể mang tính chất quyết liệt thì khó khiến Trung Quốc sẽ rút về. Trung Quốc sẽ được đằng chân lân đằng đầu ngay thôi. Điều quan trọng là chúng ta phải luôn tỉnh táo cương quyết, đấu tranh mạnh mẽ, kêu gọi sự ủng hộ của thế giới, sự đồng lòng chung sức của toàn thể nhân dân Việt Nam. Chúng ta có cơ sở pháp lý nên nếu kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, chúng ta sẽ nhất định thắng lợi".
Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam cũng lên tiếng: "Đã đến lúc, chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc việc đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế, không thể làm khác được. Trung Quốc đã leo thang đến mức cao khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, dùng tàu đâm chìm tàu Việt Nam, chĩa súng vào tàu chấp pháp của Việt Nam ngay trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Nếu những hành động này của Trung Quốc ở vùng biển các nước khác, thì tàu Trung Quốc đã bị đánh chìm. Vì hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, đã kiên trì nhưng độ nhân nhượng, kiên trì của chúng ta cũng có những giới hạn nhất định. Kiện Trung Quốc ra tòa sẽ bóc trần bộ mặt lừa dối của Trung Quốc - nước luôn rêu rao với thế giới rằng hòa bình hữu nghị, hợp tác nhưng những hành động ngang ngược luôn đi ngược với những lời mà Trung Quốc đã tuyên bố".
Chung quan điểm, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh: "Việt Nam chưa kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế bởi chúng ta muốn giải quyết bằng ngoại giao, hòa bình. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc lấn tới thì buộc chúng ta phải hành động. Đấu tranh về mặt pháp lý với chúng ta rất quan trọng. Bởi cái yếu nhất hiện nay của Trung Quốc là mặt pháp lý. Pháp luật quốc tế thừa nhận chủ quyền của ta. Đây là vấn đề phải đấu tranh lâu dài, nhà nước ta phải có những chính sách khôn khéo. Hiện nay, Việt Nam đang có đủ thế và lực để đấu tranh lại Trung Quốc bằng con đường hòa bình. Cái đích của chúng ta là hòa bình chứ không phải chiến tranh. Chúng ta sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh hải bằng sức mạnh tổng hợp của mình. Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của chính mình và lợi ích của quốc tế".
Ngày 23/6, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Tổng thư ký Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) Hugo Hans Siblesz vừa ký kết Hiệp định nước chủ nhà và Thư trao đổi về hợp tác giữa Việt Nam và PCA. Theo đó, hai văn kiện vừa ký kết được xem là cơ sở để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trong lĩnh vực trao đổi thông tin, đào tạo và tư vấn về các vấn đề thủ tục thuộc quy trình trọng tài quốc tế do PCA điều hành. Tổng Thư ký PCA Hugo Hans Siblesz cho rằng, việc ký kết hai văn kiện trên sẽ giúp Việt Nam tiếp cận tốt hơn với các thủ tục trọng tài, tăng cường tính thượng tôn pháp luật, góp phần giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực. 
Tòa Trọng tài thường trực có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp, bao gồm cả tranh chấp lãnh thổ, giữa các quốc gia thành viên, trừ khi các quốc gia thỏa thuận lựa chọn một phương thức giải quyết khác. Hiện, PCA có 115 nước thành viên, trong đó có Trung Quốc.

 


Hoàng Hoa

Bình luận(0)