|
Xe tăng M1 Abrams của Mỹ. Nguồn Wikipedia
|
Cuộc đấu tăng hơn 30 năm về trước ở chiến trường Iraq
Cho đến khi chiến dịch “Bão táp Sa mạc” trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, xe tăng Abrams chưa bao giờ được sử dụng trong thực chiến.
Vào ngày 26/2/1991, 120 lính bộ binh cùng 12 xe chiến đấu M3A2 Bradley và 9 xe tăng M1A1 Abrams của Quân đội Mỹ, đã tiến hành các hoạt động trinh sát trên chiến trường; với nhiệm vụ tiến 67 km về phía đông, dọc theo khu vực chiến tuyến.
Chỉ huy lực lượng này là Đại úy HR McMaster, trong quá trình trinh sát, lực lượng hỗn hợp này được hỗ trợ từ trên không, chủ yếu là bằng máy bay cường kích A-10 và trực thăng vũ trang. Tuy nhiên, một cơn bão cát bất ngờ đã làm ngừng các hoạt động của không quân vào ngày đó.
Cánh quân do McMaster chỉ huy đã đi lạc về phía bắc của một con đường, song song với đường hành quân của họ, kéo dài từ đông sang tây. Con đường đó dẫn thẳng vào một căn cứ huấn luyện quân sự của Iraq, do một lữ đoàn của Sư đoàn thiết giáp số 10 Iraq đóng quân.
|
Xe tăng M1 Abrams của Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh. Nguồn Wikipedia
|
Ngay lập tức, quân Iraq lao vào chiến đấu sau khi nhận lệnh chặn bước tiến của quân Mỹ. Chỉ huy đơn vị thiết giáp của Iraq, Thiếu tá Mohammad đã lệnh đưa 4 khẩu pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka, để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất.
Lúc này, có hàng trăm lính bộ binh Iraq phân tán trong boongke và chiến hào được đào vội, đồng thời có rất nhiều xe tăng và xe chiến đấu bộ binh BMP-1 ở trong căn cứ.
Ngoài ra quân Iraq còn bố trí các bãi mìn chống tăng trên một số trục đường đi, buộc các lực lượng thiết giáp của Mỹ đang tiến công phải phân tán về phía bắc và phía nam của thị trấn, nơi họ đã bố trí sẵn các trận địa hỏa lực hạng nặng, có thể tiêu diệt xe tăng Abrams và xe chiến đấu bộ binh Bradleys.
|
Xe chiến đấu bộ binh M3A2 Bradley; phương tiện song hành với M1 Abrams trong chiến đấu. Nguồn Wikipedia
|
Quân Iraq còn bố trí thêm 18 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 thành vòng tròn, cách đó khoảng 3 km về phía đông, để chúng có thể cơ động nhanh chóng chi viện, trong trường hợp quân Mỹ chọc thủng được tuyến phòng thủ.
Thông thường, việc định hướng trong sa mạc, phải đi theo những con đường để tránh bị lạc. Do đó, chỉ huy quân Iraq đã bố trí lực lượng phòng thủ của mình quay mặt ra đường; nhưng không tính đến khả năng xe tăng Mỹ đột phá từ phía sau qua sa mạc.
Do những chiếc xe tăng Abrams và xe chiến đấu bộ binh Bradley tiên tiến của Mỹ, được trang bị hệ thống định vị toàn cầu (GPS) mới xuất hiện khi đó, cho phép chúng tự do đi lại trên sa mạc Iraq.
Trong khi lực lượng phòng thủ của Iraq đang chú ý phòng ngự lực lượng Mỹ đột nhập từ các con đường phía trước, thì quân Mỹ đã bất ngờ vu hồi từ hướng bắc, cách đó vài km, khiến đội hình quân Iraq rối loạn.
|
Xe tăng T-72 của Quân đội Iraq. Nguồn History Word |
13 chiếc Bradley sử dụng kính hồng ngoại, tiến vào sa mạc trong cơn bão cát dữ dội; theo sát là 9 xe tăng M1 Abram. Quân đội Mỹ tiếp tục cho đến khi họ phát hiện thấy ba xe tăng và hai xe BMP-1 của Iraq đang trong ẩn nấp trong công sự sơ sài.
Một chiếc Bradley dừng lại và phóng tên lửa chống tăng BGM-71 TOW, trúng chiếc xe tăng ở phía nam, trước khi thiết giáp Iraq kịp phản ứng. Một quả tên lửa TOW thứ hai được tiếp tục phóng đi, đã bắn trúng xe tăng thứ hai trong vài giây và bắn vào chiếc xe tăng thứ ba bằng pháo M242 Bushmaster 25 mm của nó.
Các lực lượng Iraq ẩn náu trong các tòa nhà biệt lập ở phía đông nam đã nổ súng vào quân Mỹ. Ngay lập tức, 9 chiếc xe tăng Abrams dùng pháo bắn thẳng vào tòa nhà, chấm dứt ngay lập tức hỏa lực vũ khí bộ binh đến từ những ngôi nhà đó.
|
Xe tăng T-72 của Quân đội Iraq bị bắn cháy trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Nguồn History Word |
Lính Mỹ đã phát hiện những chiếc xe tăng T-72 bị bắn cháy, tháp pháo bị hất tung ra khỏi xe; một cảnh tượng quen thuộc trên chiến trường Ukraine hiện nay. Đến lúc này, 4 chiếc T-72 và 2 chiếc BMP đã bị tiêu diệt.
Xe tăng T-72 của Nga có cơ số đạn 40 viên, được bố trí vòng quanh tháp pháo, trái ngược với xe tăng Abrams, khoang đạn pháo được để phía sau tháp pháo. Do vậy nếu T-72 bị trúng đạn pháo, rất dễ kích nổ số đạn trong xe, dẫn đến thổi tung tháp pháo khỏi xe tăng.
Lúc này quân Mỹ tiếp tục tiến lên theo đội hình tam giác, và lúc này Đại úy McMaster nhìn thấy cái bẫy đầu tiên mà Thiếu tá Mohammed sắp đặt, đó là 5 chiếc xe tăng xếp cạnh nhau, cùng 3 chiếc nữa đang chờ dự bị ở phía sau. Cự ly giữa hai bên lúc này là 1.300 mét.
Đại úy McMaster ra lệnh bắn một viên đạn xuyên giáp M829A1, có lõi đạn bằng uranium, được chế tạo đặc biệt để phá hủy mục tiêu bọc thép của đối phương và tiêu diệt chiếc T-72 đâu tiên; một chiếc M1 khác tiêu diệt tiếp chiếc T-72 khác chỉ ba giây sau đó.
|
Xe tăng T-72 của Quân đội Iraq bị bắn cháy trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Nguồn History Word |
Khi 9 chiếc xe tăng Mỹ tiến đến đỉnh một con dốc nhỏ, 6 chiếc xe tăng T-72 còn lại của Iraq đồng loạt khai hỏa đạn pháo 125mm xuống quân Mỹ.
Tuy nhiên các lực lượng xe tăng và xe bọc thép của Mỹ tiếp tục tiến về phía trước; khi tiếp cận được phòng tuyến quân Iraq, quân Mỹ đã tiêu diệt được 15 chiếc T-72.
Lúc này nhưng khẩu pháo phòng không ZSU-23-4 bắt đầu khai hỏa, nhưng một trong những chiếc Bradley đã nhanh chóng làm chúng im lặng bằng tên lửa TOW. Những chiếc Bradleys khác tấn công các vị trí bộ binh.
|
Xe tăng M1 Abrams của Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh. Nguồn Wikipedia |
Các lực lượng Iraq tiếp tục tấn công quân Mỹ nhưng không hiệu quả; do lúc này, cuộc giao tranh ở rất gần nhau, nên việc ngắm mục tiêu dễ dàng hơn nhiều, và xe tăng và thiết giáp Mỹ nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ đội hình quân Iraq.
Kết quả của cuộc chiến đấu, quân Mỹ đã phá hủy 34 xe bọc thép và 47 xe tăng của Iraq, tất cả đều không bị thương tích cá nhân hoặc hư hỏng thiết bị. Đây nhanh chóng trở thành chiến thắng mang tính biểu tượng và quyết định nhất của xe tăng M1 Abrams, cùng phương tiện chiến đấu đi cùng là xe bọc thép Bradley.
|
Xe tăng M1 Abrams của Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh. Nguồn Wikipedia |
Vinh quang của M1 Abrams có lặp lại ở chiến trường Ukraine?
Theo quảng cáo của Mỹ, xe tăng Abrams là cỗ máy “khó bị tiêu diệt”, vì chúng được trang bị giáp composite tiên tiến, mang lại khả năng phòng thủ hiệu quả trước hỏa lực đối phương.
Nhiên liệu và đạn pháo của M1 Abrams được chứa ở những khoang riêng, phòng tránh đạn và nhiên liệu phát nổ, nếu xe bị trúng đạn.
Với hệ thống điều khiển hỏa lực được vi tính hóa tích hợp của M1 Abrams, pháo thủ có thể tấn công mục tiêu chỉ bằng cách “chỉ và bắn”.
|
Xe tăng M1 Abrams của Mỹ bị bắn cháy tại chiến trường Iraq. Nguồn Wikipedia |
Do có hệ thống điều khiển hỏa lực và hệ thống kính ngắm tốt, Abrams có thể tấn công các mục tiêu ở cự ly xa, cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.
Trước đó, chuyên gia quân sự Nga Ruslan Pukhov khẳng định, xe tăng M1 Abrams của Mỹ vượt trội hơn tất cả các loại xe tăng sản xuất hàng loạt của Nga.
Pukhov nói với giới truyền thông rằng, loại đạn chống tăng hiện được xe tăng Nga sử dụng chủ yếu bao gồm các loại đạn lạc hậu của Liên Xô, chỉ có thể tiêu diệt các loại xe tăng như T-64, T-72 và T-80 của Ukraine ở cự ly khá gần.
Mặt khác, xe tăng phương Tây với pháo mạnh, đạn xuyên giáp hiện đại và hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, có thể thực hiện các trận đấu tăng ở cự ly xa. Trong một kịch bản như vậy, xe tăng Nga có thể gặp bất lợi.
Trận chiến tăng Medina Ridge trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Nguồn HistoryWord
Về phần mình, Nga đã nhiều lần bác bỏ những tuyên bố này và khẳng định rằng, lực lượng xe tăng Nga sẽ đánh bại bất kỳ trận chiến xe tăng nào chống lại xe tăng phương Tây.
Trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, M1A1 Abrams của Mỹ đã “tàn sát” xe tăng Liên Xô trong một trận chiến xe tăng mà ngày nay được ghi nhớ là một trong những trận đáng chú ý nhất trong lịch sử đương đại.
Tuy nhiên, những chiếc xe tăng này chưa bao giờ tham gia cuộc đấu xe tăng nào với lực lượng của Nga. Xe tăng cũ thời Liên Xô của Nga đã được nâng cấp, và các xe tăng chiến đấu tiên tiến hơn đã được sản xuất và tham chiến tại Ukraine. Hơn nữa, các chiến thuật của Nga đã phát triển, và quân đội Nga khác hẳn về chất so với quân đội Iraq.
|
Xe tăng M1 Abrams của Mỹ bị phá hủy tại chiến trường Iraq. Nguồn Wikipedia
|
Trên thực tế là trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai (năm 2003), rất nhiều xe tăng M1A2 (phiên bản hiện đại hơn M1A1 trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất) đã bị quân Iraq bắn cháy và bắn hỏng.
Không chỉ vậy, vào tháng 2/2023, một trang web thân Nga đã công bố một video mô tả chi tiết các lỗ hổng của xe tăng Abrams và cung cấp một danh mục cho quân đội Nga về cách họ có thể tiêu diệt M1 Abrams nếu Mỹ cung cấp ở Ukraine.
|
Những tử huyệt trên xe tăng M1A1 Abram của Mỹ. Nguồn eurasiantimes |
Cả hai bên đều tuyên bố sẵn sàng đánh bại bên kia, và trận chiến xe tăng giữa Abrams của Mỹ, do quân Ukraine điều khiển và xe tăng Nga là điều không bao giờ có thể tránh khỏi.