Sẽ có ngư lôi mạnh hơn cả “quái vật biển” VA-111 Shkval

Google News

(Kiến Thức) - Được mệnh danh là siêu ngư lôi nhưng VA-111 Shkval lại mang trên mình những điểm yếu khiến nó sắp bị thay thế trong Hải quân Nga.

Theo Navy Recognition, Cục thiết kế Elektropribor của Nga đang phát triển một mẫu siêu ngư lôi mới có tên là Khishchnik để thay thế cho ngư lôi VA-111 Shkval có trong biên chế Hải quân Nga hiện tại. Kế hoạch phát triển ngư lôi Khishchnik của Elektropribor có thể sẽ sớm được hoàn thành trong tương lai gần khi nó có thể sử dụng lại một phần thiết kế của VA-111 Shkval.
VA-111 Shkval là mẫu ngư lôi đầu tiên trên thế giới sử dụng hiện tượng siêu khoang do Liên Xô phát triển, tốc độ di chuyển dưới mặt nước của nó có thể lên đến 370km/h và cũng là mẫu ngư lôi có tốc độ di chuyển nhanh nhất thế giới hiện nay.
Các thông tin ban đầu về Khishchnik được Elektropribor tiết lộ lần đầu tiên vào năm 2015 tại một triển lãm hàng không diễn ra tại Nga, thậm chí vào thời điểm đó Elektropribor có tới hai hướng phát triển khác nhau dành cho Khishchnik. Dù mọi thông tin về đề án phát triển mẫu ngư lôi siêu tốc này cho đến nay vẫn rất ít một phần do nó được giữ bí mật ở mức tối đa.
Se co ngu loi manh hon ca
 Vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu thiết kế ngư lôi "siêu khoang" nhưng Nga vẫn không cảm thấy hài lòng với những gì mình có. Nguồn ảnh: ljplus.ru.
Tuy nhiên, có một thông tin được xác nhận là Elektropribor không phải là đơn vị duy nhất tham gia vào đề án phát triển Khishchnik. Theo đó còn một công ty công nghệ hàng không khác tham gia vào đề án này, còn Elektropribor chỉ đảm nhận việc phát triển pin nhiên liệu dành cho hệ thống động cơ và hệ thống kiểm soát trung tâm trên Khishchnik.
Quay lại với VA-111 Shkval, mẫu ngư lôi này được phát triển bởi Viện nghiên cứu NII-24 nay là một trong những công ty con của Tổng công ty tên lửa chiến thuật Nga. Đề án phát triển VA-111 Shkval được khởi động từ năm 1960 với các yêu cầu tác chiến do Quân đội Liên Xô đề ra khi đó là nó phải có tốc độ di chuyển dưới nước xấp xỉ 370km/h, có tầm bắn lên đến 20km và phải được triển khai thông qua các ống phóng ngư lôi 533mm.
Nguyên mẫu VA-111 Shkval đầu tiên được chế tạo vào năm 1964 và trong cùng năm đó nó thực hiện lần bắn thử nghiệm đầu tiên của mình tại Hồ Issyk-Kul và tiếp theo sau đó là tại Biển Đen gần thành phố Feodosiya. Tuy nhiên các nguyên mẫu này đều không thành công trong thử nghiệm và phải đến lần thử nghiệm thứ 6 VA-111 Shkval mới được thông qua.
Tốc độ siêu cao dưới nước mà VA-111 Shkval đạt được là nhờ ứng dụng hiện tượng siêu khoang – ngư lôi chuyển động trong một bong bóng khí khổng lồ giúp làm giảm đáng kể lực ma sát và cho phép ngư lôi chuyển động ở tốc độc cực cao. Ngoài ra nó còn được trang bị một động cơ đẩy tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn cho phép ngư lôi có thể đạt vận tốc tối đa trong suốt hành trình.
Se co ngu loi manh hon ca
  Với việc ứng dụng hiện tượng siêu khoang, VA-111 Shkval có thể đạt tới vận tốc 370km/h dưới mặt nước bỏ xa các mẫu ngư lôi khác của Phương Tây. Nguồn ảnh: xexe.club.
Dù có tốc độ di chuyển cực nhanh dưới nước, nhưng VA-111 Shkval lại có tầm bắn khá hạn chế chỉ khoảng 13km, độ sâu quy ước để triển khai nó là 30m và nó sẽ tự kích nổ khi chỉ còn cách mục tiêu 6m. Ban đầu Hải quân Liên Xô định trang bị cho VA-111 Shkval một đầu đạn hạt nhân có sức công phá lên đến 150kt tuy nhiên sau đó kế hoạch trên bị bãi bỏ và được thay bằng đầu đạn nổ cực mạnh nặng 210kg.
Trong quá trình sử dụng, VA-111 Shkval bộc lộ nhiều hạn chế, lợi thế duy nhất của nó chỉ là tốc độ, thậm chí nó cũng không được trang bị đầu dẫn. Ngoài ra tốc độ của ngư lôi sẽ giảm dần khi bong bóng khí vỡ ra, bên cạnh đó độ ồn khi hoạt động của VA-111 Shkval khá lớn khiến nó dễ bị phát hiện hoặc đánh chặn.
Trên lý thuyết là như vậy nhưng việc đánh chặn VA-111 Shkval khó có thể thực hiện được khi với tốc độ 370km/h nó chỉ mất khoảng 130s để đi đến mục tiêu ở khoảng cách 13km. Mục tiêu của VA-111 Shkval cũng khá hạn chế do tầm bắn kém hiệu quả và nó không thể tấn công được các mục tiêu cỡ lớn như tàu sân bay hay các tàu khu trục hoạt động theo biên đội vốn luôn đi kèm với lực lượng tàu ngầm và chống ngầm đông đảo.
Se co ngu loi manh hon ca
  Dù vậy VA-111 Shkval vẫn mang trên mình các điểm yếu có thể sẽ khiến nó "hụt hơi" trong môi trường chiến tranh hiện đại. Nguồn ảnh: Navy Recognition.
Do đó không có gì quá ngạc nhiên khi VA-111 Shkval ít được Hải quân Nga sử dụng trong sẵn sàng chiến đấu và tương lai của nó sẽ sớm được định đoạt sau khi Khishchnik xuất hiện. Ngược lại một số quốc gia khác trên thế giới vẫn dành sự quan tâm tới các tính năng đặc biệt trên VA-111 Shkval như Đức và Iran, cả hai nước này đều có các nguyên mẫu ngư lôi sử dụng hiện tượng siêu khoang nhưng chỉ mới dừng lại ở thử nghiệm.
Theo thông báo chính thức từ Elektropribor, Khishchnik không phải là biến thể cải tiến của VA-111 Shkval tuy nhiên nó vẫn có thể sẽ sử dụng lại hiện tượng siêu khoang. Bên cạnh đó siêu ngư lôi mới của Nga cũng sẽ được trang bị đầu dẫn, hệ thống động cơ mới cùng với đó cải thiện tầm bắn cũng như khả năng tàng hình dưới nước so với VA-111 Shkval.
Để hiện thực hóa đề án siêu ngư lôi Khishchnik, liên doanh của Elektropribor đã được Bộ Quốc phòng Nga rót vốn ít nhất 25 triệu USD cho giai đoạn đầu thiết kế và phát triển của Khishchnik con số này trong tương lai có thể được tăng thêm nếu như Elektropribor cho ra được một nguyên mẫu hoàn chỉnh của Khishchnik.
Trà Khánh

>> xem thêm

Bình luận(0)