|
Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” phấp phới bay trên nóc hầm Tướng De Castries. (Ảnh: TTXVN) |
“Điện Biên Phủ - Cột mốc bằng vàng”
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) - tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa quân ta và quân địch, trực tiếp dẫn đến việc ký kết Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở bán đảo Đông Dương, đồng thời gióng lên hồi chuông báo hiệu buổi chiều tàn của chủ nghĩa thực dân cũ.
Một nửa đất nước Việt Nam lúc bấy giờ đã được giải phóng, đánh dấu thời kỳ cách mạng mới đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất toàn dân tộc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ càng trở nên vĩ đại hơn vì đó là chiến công đến từ đội quân non trẻ của một dân tộc nhỏ bé, nhưng với sự kiên định và ý chí quyết tâm, quân ta đã hạ gục gã khổng lồ của chủ nghĩa đế quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa... dân tộc Việt Nam có thêm một cột mốc lịch sử mới: Điện Biên Phủ - Cột mốc bằng vàng”. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một đội quân viễn chinh chuyên nghiệp đến từ châu Âu lại bại trận thê thảm tại một quốc gia thuộc địa.
Đóng lại chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, có thể nói Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả tất yếu của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử kết hợp với đường lối kháng chiến đúng đắn, toàn diện và đường lối quân sự độc lập, sáng tạo của Ðảng ta, dưới sự lãnh đạo và tư tưởng thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảy thập kỷ đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn là minh chứng chói lọi nhất cho bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Thắng lợi ấy đã làm sâu sắc thêm niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đặt nền móng cho phong trào giải phóng dân tộc toàn cầu
Không chỉ là một “thiên sử vàng” trong lịch sử quân sự của Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là một chiến thắng có tính biểu trưng đối với toàn thế giới, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự thống trị và áp bức; đồng thời góp phần lan tỏa tinh thần đấu tranh cho tự do, công bằng và nhân quyền trên khắp các nẻo đường của hành trình giải phóng dân tộc trên thế giới.
Từ sau năm 1945 đến năm 1954, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới phát triển còn rời rạc, chưa mạnh mẽ và đều khắp. Năm 1945, kháng chiến mới nổ ra và thắng lợi chủ yếu ở một số nước Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar...). Từ sau năm 1946, phong trào giải phóng dân tộc bị đàn áp và bước vào thời kỳ khó khăn. Ở một vài nước như Indonesia, Philippines, Myanmar... phong trào cách mạng bị đế quốc thực dân núp dưới danh nghĩa quân Đồng minh đàn áp. Hai cuộc khởi nghĩa năm 1948 và 1951 ở Algeria chống Pháp nhanh chóng bị dập tắt. Ở châu Mỹ Latin, các lực lượng vũ trang Cuba do Fidel Castro lãnh đạo cũng đang nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh đánh đổ bọn độc tài Batixta tay sai của Mỹ.
Trong bối cảnh ấy, thắng lợi của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ, tiêu biểu là Chiến thắng Điện Biên Phủ đã gửi đi thông điệp về tình đoàn kết, ý chí dân tộc và tinh thần yêu nước vô song trên phạm vi toàn thế giới. Theo lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định một chân lý của thời đại: Các dân tộc chịu áp bức, xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định có đầy đủ khả năng để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Với “nguồn cảm hứng” mang tên Việt Nam, nhân dân thuộc địa ở nhiều nơi đã đứng lên đánh đổ chủ nghĩa thực dân, giành lại quyền làm chủ đất nước mà trước tiên là ở những nước đang bị thực dân Pháp cai trị ở châu Phi. Chỉ trong chưa đầy 6 tháng sau khi thất bại tại chiến trường Việt Nam, đế quốc Pháp đã phải đương đầu với sự vùng dậy không có gì kìm hãm nổi của nhân dân Algeria sau 124 năm bị thống trị.
Nối tiếp thắng lợi của nhân dân Algeria, một loạt cuộc đấu tranh khác liên tục nổ ra mạnh mẽ, nhanh chóng khắp các thuộc địa thuộc Pháp ở châu Phi và đều giành được thắng lợi, như: Guinea, Mali, Madagaxca, Camorun, Tuynidi, Maroc... Điều này buộc Pháp không còn con đường nào khác là phải trao trả nền độc lập cho các nước này. Chỉ tính riêng trong năm 1960, 17 nước đã giành được độc lập, thế giới còn gọi đây là “năm châu Phi”. Bên cạnh công cuộc giành độc lập dân tộc, cũng trong năm này, hàng loạt cuộc biểu tình, bãi công đòi nâng cao mức sống cho công nhân, chống phân biệt chủng tộc đã nổ ra ở Nam Phi, Kenya, Uganda, Tanzania, Rhodesia... Cao trào cách mạng dâng cao mạnh mẽ càng làm cho nhịp độ sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân diễn ra nhanh chóng hơn.
Đối với các quốc gia thuộc địa ở khu vực Mỹ Latin, Chiến thắng Điện Biên Phủ được nhận định là “kim chỉ nam hành động”, tiếp thêm sức mạnh cho họ đứng lên chống lại chế độ độc tài thân Mỹ với hàng loạt cuộc biểu tình, đình công, đấu tranh đòi thành lập các chính phủ tiến bộ, cùng với các cuộc khởi nghĩa vũ trang diễn ra liên tục, mạnh mẽ, biến châu lục này thành “lục địa bùng cháy”. Bằng nhiều hình thức đấu tranh phong phú, đa dạng, các nước Mỹ Latin như Bolivia, Venezuela, Colombia, Peru... đã nhanh chóng lật đổ chính quyền độc tài phản động, thành lập các chính phủ dân tộc, dân chủ, giành lại quyền tự quyết dân tộc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ hiển nhiên ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đấu tranh của nhân dân hai nước anh em Lào và Campuchia. Ba dân tộc Đông Dương cùng một kẻ thù, cùng một mục tiêu đấu tranh, đã kề vai sát cánh trong chiến đấu và tương trợ lẫn nhau để giành thắng lợi vẻ vang. Theo báo Pasaxon, cơ quan ngôn luận của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ là của nhân dân Việt Nam mà là của chung nhân dân Đông Dương, bởi nó có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ chiến trường Đông Dương: dập tắt ý chí xâm lược của chủ nghĩa thực dân cũ, buộc Pháp ký Hiệp định Genève về Đông Dương, thừa nhận độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Loại bỏ vĩnh viễn chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn cầu
Sở dĩ, Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành nguồn cổ vũ, động viên lớn cho nhiều dân tộc thuộc địa đến thế bởi trong hoàn cảnh nghèo khó, quân đội non trẻ, không có vũ khí tối tân, hiện đại, nhưng dân tộc Việt Nam với sức mạnh đại đoàn kết và sự quyết tâm được phát huy ở mức cao nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã giành thắng lợi vẻ vang trước Quân đội Pháp rất tối tân và hùng mạnh.
Chiến thắng Điện Biên Phủ ở thời điểm đó là biểu tượng sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, ghi dấu bước ngoặt lịch sử đối với nhiều dân tộc thuộc địa, bị áp bức dưới nhiều hình thức khác nhau của chế độ thực dân hoặc chế độ đế quốc. Nếu trước Điện Biên Phủ, bọn thực dân muốn tránh một cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc đã vội vã trao trả độc lập chính trị thì sau Điện Biên Phủ, các dân tộc đã thấy rõ phải đấu tranh mạnh mẽ mới buộc chúng phải thừa nhận nền độc lập thực sự của mình.
Với việc công nhận nền độc lập của hàng loạt quốc gia ở châu Á, Phi, Mỹ Latinh, các nước đế quốc phương Tây phải thừa nhận sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Tại Pháp, vô số người dân yêu chuộng hòa bình cũng ghi nhận Chiến thắng Điện Biên Phủ như một dấu mốc đánh dấu sự sụp đổ của chế độ thực dân, thậm chí tiến hành nhiều cuộc biểu tình nhằm phản đối cuộc chiến tranh do Quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam trong giai đoạn sau đó.
Hiện nay, trong bối cảnh thế giới đang đối diện với nhiều mâu thuẫn và xung đột, những bài học kinh nghiệm đúc rút từ Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử sâu sắc. Dù trực tiếp hay gián tiếp, chiến thắng này và quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam sẽ luôn là nguồn cổ vũ, động viên, là minh chứng vĩnh cửu cho việc dân tộc nào cũng có thể đứng lên chống lại sự áp bức và giành thắng lợi nếu dân tộc đó có niềm tin, quyết tâm vượt khó khăn, cùng đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo.