Tác chiến đổ bộ là gì?
Về cơ bản, học thuyết tác chiến độ bộ đã được hoàn thiện bởi quân đội Mỹ trong thời gian diễn ra Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ở mặt trận Thái Bình Dương, quân đội Mỹ với lực lượng Thuỷ quân Lục chiến và Hải quân, đã tiến hành chiến thuật "nhảy cóc", đưa quân đổ bộ tấn công từng cụm đảo từ tay Nhật Bản.
|
Vành đai thuộc địa của Nhật ở Thái Bình Dương lớn tới nỗi quân đội Mỹ phải vất vả tiến hành hàng loạt các cuộc đổ bộ lớn nhỏ, để đẩy hải quân Nhật lùi về lãnh thổ.
|
Trong tình thế muốn tấn công một hòn đảo cô lập giữa biển, đổ bộ bằng đường biển gần như là lựa chọn duy nhất (kèm với đó là đổ bộ đường không). Với bối cảnh tác chiến giữa Nhật Bản và Mỹ ở mặt trận Thái Bình Dương hồi Chiến tranh Thế giới thứ hai, đổ bộ đường biển là lựa chọn duy nhất, do các máy bay vận tải chở quân không đủ tầm bay từ đất liền Mỹ tới những hòn đảo của Nhật Bản.
|
Những cuộc đổ bộ của Thuỷ quân Lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương luôn diễn ra cực kỳ khó khăn và vất vả.
|
Một cuộc đổ bộ đường biển cần những gì?
Muốn biết một cuộc đổ bộ xuyên biển cần những gì, chúng ta có thể nhìn vào tình thế của Đức quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Sau khi chiếm được cả châu Âu một cách chóng vánh, mục tiêu quan trọng nhất có thể giúp trùm phát xít Hitler chấm dứt chiến tranh đó là Anh Quốc. Nhiều nhà sử học khẳng định rằng, nếu Hitler có thể chiếm được Anh, toàn bộ phe Đồng minh sẽ đầu hàng ngay lập tức - vì khi này Mỹ, Liên Xô chưa tham chiến, Pháp đã đầu hàng và Anh là thành trì chống phát xít cuối cùng ở châu Âu.
Tuy nhiên, các sĩ quan chỉ huy của Đức cũng nhận ra tình hình khó khăn mà quân đội nước này phải đối mặt, nếu muốn đổ bộ xuyên biển tới Anh. Quãng đường biển chỉ dài 60 km từ Pháp đến Anh (khi này Pháp đang nằm dưới sự kiểm soát của Đức), lại đòi hỏi nhiều hơn những gì quân đội Phát xít Đức đang có.
|
Eo biển Manche chia cách Anh và Pháp cùng với kế hoạch Sư Tử Biển đầy tham vọng của Đức quốc xã, khi muốn đưa quân lên tham chiến trực tiếp ở Anh.
|
Theo đó, các chuyên gia quân sự của Đức quốc xã tin rằng, binh lính của họ chỉ có thể đổ bộ an toàn qua eo biển Manche nếu như lực lượng Không quân Đức có thể làm chủ bầu trời và Hải quân Đức có thể làm chủ mặt biển. Nghĩa là, một cuộc đổ bộ đường biển yêu cầu Đức phải chiếm được ưu thế cả trên không lẫn trên biển.
Hải quân Đức vốn đã chịu sự kìm hãm phát triển sau khi thất bại ở chiến tranh Thế giới thứ nhất, rõ ràng không phải là đối thủ của Hải quân Anh - lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới ở thời đó. Vậy lựa chọn duy nhất của Đức, đó là phải chiếm hoàn toàn ưu thế trên không, dùng máy bay yểm trợ các tàu vận tải đổ bộ của mình đi xuyên qua eo biển Manche.
|
Người Anh đặt cược toàn bộ vào trận không chiến với Đức quốc xã. Nếu Berlin hạ gục được không quân Anh, rất có thể chiến dịch Sư Tử Biển sẽ thành hiện thực.
|
Để đạt được tham vọng chiếm ưu thế trên không, Đức đã tiến hành trận không chiến lớn nhất lịch sử, tung gần như toàn bộ lực lượng không quân tới tham chiến trên bầu trời nước Anh, nhằm hạ gục Không quân Hoàng gia và qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch Sư Tử Biển - chiến dịch đổ bộ xuyên eo biển Manche để tấn công nước Anh - có thể diễn ra an toàn.
Đáng tiếc là không quân Đức không đủ năng lực để đối đầu với Không quân Hoàng gia, kết cục là chiến dịch Sư Tử Biển cũng bị Berlin đưa vào quên lãng, sau đó Đức chuyển hướng sang phía Đông - tấn công Liên Xô.
Một chiến dịch đổ bộ xuyên biển kiểu mẫu
Nếu như người Đức đã thất bại trong việc tìm đường đổ bộ lên Anh Quốc, thì phe Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, lại thành công khi đổ quân từ Anh, xuyên qua eo biển Manche tới Pháp, mở ra mặt trận thứ hai tại phía Tây, qua đó chia lửa cho Liên Xô ở mặt trận phía Đông, tạo thế gọng kìm "kẹp chặt" phát xít Đức.
Cuộc đổ bộ của liên quân Anh, Mỹ, Canada qua eo biển Manche, được bắt đầu lên kế hoạch từ cuối năm 1943, sau khi lãnh đạo các nước đồng minh họp ở hội nghị Tehran, quyết định mở mặt trận thứ hai ở châu Âu, để sớm dứt điểm Đức quốc xã.
Việc hội quân và huấn luyện binh lính diễn ra khá chóng vánh, trung bình những người lính tham gia chiến dịch đổ bộ này chỉ được huấn luyện hai tháng.
|
Liên quân Anh, Mỹ và Canada tiến hành đổ bộ lên nước Pháp - khi này đang bị Đức chiếm đóng.
|
Phía quân Đồng minh chiếm hoàn toàn ưu thế trên không và trên biển, ngay từ giờ phút đầu tiên của cuộc đổ bộ, quân Đức chỉ có một lựa chọn duy nhất - đó là phòng thủ trên đất liền, binh lính Đức không có bất cứ cơ hội nào để đối đầu với không quân hay hải quân đối phương.
Theo thống kê của tờ History, trong đêm trước ngày đổ bộ, khoảng 1000 máy bay ném bom Anh, đã thả khoảng 5000 tấn bom xuống các boong-ke, lô cốt của Đức dọc bờ biển nơi diễn ra cuộc đổ bộ.
Tiếp theo đó vào sáng ngày hôm sau, khi cuộc đổ bộ chính thức bắt đầu, hải quân Anh và Mỹ tập trung ở eo biển Manche, sử dụng những khẩu hải pháo cỡ lớn được trang bị trên các tàu chiến, bắn yểm trợ cho cuộc đổ bộ trên bờ biển.
|
Chiến dịch đổ bộ của quân đồng minh lên nước Pháp, được coi là chiến dịch đổ bộ xuyên biển lớn nhất và kiểu mẫu nhất lịch sử chiến tranh hiện đại.
|
Tuy nhiên, một kế hoạch quy mô cực kỳ lớn như chiến dịch đổ bộ của quân đồng minh qua eo biển Manche, cũng suýt nữa thành thảm hoạ kể cả khi liên quân Anh - Mỹ chiếm được hoàn toàn ưu thế trên không và trên biển.
Đầu tiên là vấn đề về thời tiết, gió quá mạnh kèm theo đó là sương mù khiến tầm nhìn của cả không quân và hải quân đều rất hạn chế. Do lo ngại có thể tấn công nhầm vào quân mình, các tàu chiến chỉ khai hoả sau khi sương mù đã tan - nghĩa là vào cuối đợt đổ bộ thứ nhất. Trong khi đó, các máy bay do không có tầm nhìn và cũng vì lo sợ ném nhầm bom vào quân mình, đã thả bom chậm vài phút - lệch hoàn toàn so với mục tiêu ban đầu.
|
Dù quãng đường là không lớn, nhưng cuộc đổ bộ xuyên biển đòi hỏi một sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và đặc biệt là phối hợp tốt giữa không quân, hải quân, thuỷ quân lục chiến và cả lính dù.
|
Rất may mắn, cuộc đổ bộ của quân đồng minh lên các bãi biển ở Pháp, vẫn thành công ở những phút cuối, tuy nhiên kéo theo sau đó, là cả một chiến dịch hậu cần lớn nhất lịch sử, khi mà từng viên đạn, từng khẩu súng của lính Mỹ tham chiến ở châu Âu, phải vượt hành trình xuyên Đại Tây Dương, tới Anh Quốc để rồi được chở tới Pháp.
Như vậy, có thể khẳng định rằng một cuộc đổ bộ xuyên biển là điều không hề dễ dàng, ngay cả khi nhiều cường quốc cùng bắt tay nhau thực hiện. Thậm chí, những yếu tố khách quan ngoài dự tính, có thể khiến một kế hoạch công phu bị xụp đổ trong phút chốc.