Thông báo trên kênh MSNBC, trợ lý của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Mark Regev cho biết: “Chúng tôi đang yêu cầu mọi người di dời. Tôi biết điều đó không dễ dàng với nhiều người trong số họ, nhưng chúng tôi không muốn thấy dân thường bị cuốn vào cuộc giao tranh”.
Động thái trên có thể buộc hàng trăm ngàn người Palestine chạy về phía Nam phải di dời một lần nữa, cùng với cư dân của Khan Younis, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo đang rất nghiêm trọng. Khan Younis hiện có dân số hơn 400.000 người. Trả lời phỏng vấn của hãng tin CBS (Mỹ), ông Netanyahu cho biết mục tiêu là đảm bảo giải thoát khoảng 240 con tin bị giữ ở dải Gaza.
Trong một diễn biến mới nhất, chuyến viện trợ nhiên liệu đầu tiên từ Ai Cập đã vào Gaza vào cuối ngày 17-11, sau khi Israel đồng ý với yêu cầu của Mỹ cho phép cung cấp nhiên liệu một cách hạn chế nhằm chấm dứt tình trạng mất điện, khiến các đoàn xe viện trợ phải tạm dừng trong hai ngày qua. Quan chức Mỹ cho biết theo thỏa thuận, 140.000 lít nhiên liệu sẽ được phép sử dụng trong mỗi 48 giờ, trong đó 20.000 lít sẽ được dành cho máy phát điện để khôi phục mạng điện thoại.
|
Chuyến viện trợ nhiên liệu đầu tiên từ Ai Cập đã vào Gaza. Ảnh: ARAB NEWS |
Phía Palestine cũng xác nhận chuyến nhiên liệu đầu tiên khoảng 17.000 lít cho công ty viễn thông Paltel đã đi qua cửa khẩu Rafah vào cuối ngày 17-11. Theo thông tin mới nhất, Israel cho biết sẽ đồng ý cho 2 xe chở dầu diesel vào Gaza mỗi ngày để vận hành các cơ sở xử lý nước thải, đồng thời nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trong lúc này hàng ngàn người biểu tình Israel, bao gồm cả thành viên gia đình các con tin, tiếp tục tuần hành từ Tel Aviv đến Jerusalem để kêu gọi thả các con tin Israel ở Gaza. Những người này dự kiến sẽ đến Jerusalem vào tối 18-11 và biểu tình bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Trong một diễn biến có liên quan, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết quỹ đang “nghiêm túc cân nhắc” khả năng tăng chương trình cho vay trị giá 3 tỷ USD dành cho Ai Cập do những khó khăn kinh tế nảy sinh từ xung đột Hamas – Israel.
Trả lời phỏng vấn báo giới bên lề Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ngày 17-11, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế Georgieva cho rằng, xung đột đang gây ảnh hưởng nặng nề đến người dân và nền kinh tế của Gaza, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế khu Bờ Tây, đồng thời đặt ra nhiều khó khăn cho các nước láng giềng như Ai Cập, Liban và Jordan do thiệt hại trong lĩnh vực du lịch và sự gia tăng chi phí năng lượng.