Giá dầu sôi sục
Nền kinh tế toàn cầu vốn đã bị xáo trộn bởi lạm phát tăng cao, hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng địa chính trị khác ở Trung Đông, sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel. Tuy nhiên, tác động đến nền kinh tế thế giới còn tùy thuộc vào diễn biến xung đột. Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế Agustin Carstens cho rằng, còn quá sớm để có thể chỉ ra tác động của cuộc xung đột hiện nay dù thị trường dầu mỏ và chứng khoán có thể bị ảnh hưởng ngay lập tức.
Hậu quả của xung đột Hamas-Israel đối với nền kinh tế toàn cầu có thể phải mất một thời gian mới thấy rõ. Nhưng nó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu xung đột lan sang phần còn lại của Trung Đông, đặc biệt là Iran, nhà sản xuất dầu lớn đang ủng hộ Hamas. “Một kênh tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu chính là giá dầu, vốn đã tăng gần mức 90USD/thùng. Sự leo thang hơn nữa của cuộc xung đột đối với các quốc gia Trung Đông khác, vốn là những nhà sản xuất dầu mỏ quan trọng, đặt ra mối đe dọa lớn hơn đối với nền kinh tế toàn cầu” - Kanika Pasricha, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered, nói.
Giá dầu thô tăng mạnh vào phiên đầu tiên sau cuộc xung đột (9-10) vì Trung Đông, nơi xảy xung đột, chiếm gần 1/3 nguồn cung dầu toàn cầu. Dầu thô Brent tăng 3,44% lên 87,49USD/thùng, trong khi dầu thô Trung cấp West Texas của Mỹ tăng 3,85% lên 85,98USD/thùng.
Các nhà phân tích cho biết, dù có nhiều báo cáo cho rằng Iran có liên quan đến các cuộc tấn công chống lại Israel, nhưng bất kỳ hành động trả đũa nào nhắm vào Tehran đều có thể gây nguy hiểm cho việc đi qua eo biển Hormuz - tuyến đường quan trọng Iran từng đe dọa đóng cửa.
Iran tham gia có thể ảnh hưởng đến các tuyến đường biển và đẩy chi phí vận tải và bảo hiểm tăng cao. Giá dầu thô tăng cao sẽ làm biến dạng cán cân thương mại và xuất khẩu, do đó gây áp lực lên các đồng nội tệ của châu Á. “Vấn đề là nếu chiến tranh kéo dài, các nước châu Á có thể bị ảnh hưởng nếu giá dầu vẫn ở mức cao do nguồn cung tiếp tục bị gián đoạn” - Madan Sabnavis, Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Baroda, cho biết.
Lạm phát gia tăng trở lại
Khi giá dầu thô tăng cao, mối đe dọa lạm phát cao lại bao trùm nền kinh tế toàn cầu. Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác là những nước nhập khẩu dầu lớn, có thể chứng kiến lạm phát nhập khẩu cao nếu giá dầu tiếp tục tăng. Khi giá dầu tăng, chi phí sản xuất của nhiều ngành công nghiệp và chi phí năng lượng của doanh nghiệp và hộ gia đình cũng tăng cao, khiến lạm phát tăng cao.
Giá năng lượng cao và xu hướng lạm phát mới có thể làm suy yếu nỗ lực của các NHTW trong việc kiểm soát lạm phát. Điều này có thể khiến lãi suất tiếp tục ở mức cao trong thời gian dài.
Xung đột Hamas-Israel có nguy cơ tạo ra những tác động khó dự đoán trước đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang chậm lại.
Những lo ngại về lãi suất cao hơn làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ ra rằng sẽ có thêm đợt tăng lãi suất nữa và lãi suất có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn, đã giáng đòn mạnh vào hy vọng của các nhà đầu tư rằng các đợt tăng lãi suất đã lên đến đỉnh điểm, và các NHTW có thể bắt đầu nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất.
Không có tác động ngay lập tức đến thương mại của Việt Nam với Israel do xung đột ở Tây Á. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết nó có thể tạo ra các vấn đề về phía nguồn cung nếu xung đột leo thang. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2021. Về đầu tư, lũy kế tới ngày 20-7, Israel có 40 dự án FDI tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 140 triệu USD, xếp thứ 47 trong tổng số 148 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, xung đột Hamas-Israel đã làm rung chuyển thị trường chứng khoán khắp nơi, khi các nhà đầu tư chuyển sang tài sản trú ẩn an toàn. Các nhà đầu tư vẫn thận trọng và theo dõi các sự kiện toàn cầu với tâm lý chấp nhận rủi ro đang cản trở thị trường. Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm, trong khi thị trường châu Á giao dịch thấp hơn vào 9-10. Giá vàng trú ẩn an toàn tăng hơn 1%.
Đồng USD và đồng yên Nhật cũng tăng cao hơn. “Đây là thời điểm cần phải thận trọng. Các nhà đầu tư có thể hạn chế chấp nhận rủi ro lớn. Chờ đợi diễn biến mở ra. Các nhà đầu tư dài hạn có thể từ từ tích lũy cổ phiếu chất lượng cao khi giá giảm" - VK Vijayakumar, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Geojit Financial Services, cho biết.
Trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (FII) liên tục bán ra do lợi suất trái phiếu cao hơn và giá dầu thô cao có thể gây thêm nhiều vấn đề. “Cuộc xung đột đang diễn ra ở Israel là sự kiện không lường trước được, ảnh hưởng đến thị trường và có thể phải mất thời gian khá dài mới hấp thụ hết những ảnh hưởng của nó. Theo dõi chặt chẽ tình hình, đặc biệt về sự tham gia tiềm tàng của các chủ thể khác như Iran, là điều cần thiết. Khả năng xuất hiện mặt trận thứ ba liên quan đến Iran là mối lo ngại đáng kể, vì nó có thể khiến giá dầu thô tăng mạnh" - Santosh Meena, Giám đốc Nghiên cứu của Swastika Investmart cho biết.
Lo ngại nạn đói ở dải Gaza
Không chỉ gây lo ngại đối với kinh tế, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hiệp quốc ngày 8/10 ra tuyên bố bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tác động của cuộc xung đột giữa Hamas và Israel đối với những người dân đang phải vật lộn để có được nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu. WFP cũng lo ngại về chất lượng của các mặt hàng tại hệ thống cửa hàng thực phẩm và tác động tiêu cực từ tình trạng mất điện ở dải Gaza, nơi vẫn phải đối mặt với vấn đề thiếu điện kinh niên.
Đề cập tới Gaza, tuyên bố đánh giá, mặc dù hầu hết cửa hàng ở những khu vực chịu ảnh hưởng tại Palestine hiện duy trì lượng thực phẩm dự trữ trong 1 tháng, song có nguy cơ sẽ “cạn kiệt nhanh chóng khi mọi người mua hết thực phẩm vì lo ngại xung đột kéo dài”. WFP khẳng định đang chuẩn bị sẵn số lượng thực phẩm để phân phối cho những người phải di dời và đang sinh sống tại những nơi tạm trú, đồng thời kêu gọi “tất cả các bên tuân thủ các nguyên tắc của luật nhân đạo”.