Đi tìm vũ khí chống tăng cầm tay số 1 NATO

Google News

Chỉ một năm sau khi trình làng, Panzerfaust 3 đã trở thành vũ khí chống tăng tiêu chuẩn phổ biến nhất trong quân đội Tây Đức, và sau đó nhanh chóng xuất hiện trong quân đội nhiều nước NATO.

Một quá khứ oanh liệt
Panzerfaust 3 (nghĩa là "nắm đấm xe tăng") là vũ khí chống tăng cầm tay dùng một lần, do Dynamit Nobel AG phát triển từ năm 1978, chính thức được hoàn thiện năm 1985, được quân đội Đức đưa vào sử dụng năm 1992 thay thế Panzerfaust 2 (PzF 44 Light Lanze) của Tây Đức và súng không giật hạng nặng Carl Gustaf 84 mm của Thụy Điển để chống lại các loại xe tăng hiện đại lúc bấy giờ T-72 và T-80 của Liên Xô.
Cái tên Panzerfaust 3 (Pzf 3) bắt nguồn từ Panzerfaust, ra đời vào 1943 với tên gọi Panzerfaust 30M Klein (hay Faustpatrone), tầm bắn 30m, được quân đội Đức sử dụng trong Thế chiến II, là vũ khí chống tăng không điều khiển. Các phiên bản cải tiến dài 950mm, nặng khoảng 13kg, cỡ nòng 60mm, đường kính đầu đạn 110mm, trọng lượng đầu đạn 3,9kg, tầm bắn 400m, tối đa 920m, bao gồm ống phóng dùng một lần và thiết bị ngắm bắn có thể tái sử dụng.
Di tim vu khi chong tang cam tay so 1 NATO
Dòng súng chống tăng Panzerfaust 3 với các đầu đạn có tính năng khác nhau; Nguồn: slideserve.com.
Panzerfaust 3 hoạt động dựa trên cơ chế không giật, cùng với lượng thuốc phóng được thiết kế cực kỳ đặc biệt, giúp giảm hiệu ứng nổ, nhờ đó, súng có thể sử dụng được trong phòng kín mà không gây hại cho xạ thủ cũng như đồng đội. Khi đạn đã bay đi một khoảng an toàn, động cơ đẩy chính sẽ được kích hoạt và duy trì cho đến khi chạm mục tiêu.
Phạm vi chiến đấu hiệu quả của Panzerfaust 3 từ 15m - 300m đối với các mục tiêu di động và từ 400 - 600m đối với các mục tiêu cố định. Cùng với pháo 88mm Flak, rocket Panzerschreck và các loại xe tăng, Panzerfaust là một trong những vũ khí hiệu quả nhất, đặc biệt khi chiến đấu trong vùng đô thị hay rừng cây rậm rạp, từng là cơn ác mộng với xe tăng quân đồng minh.
Trên chiến trường quang đãng, tầm bắn của Panzerfaust quá thấp khiến binh sĩ Đức chưa kịp áp sát xe tăng quân đồng minh thì đã bị hạ bởi súng máy và đạn pháo phá mảnh. Trong các trận chiến ở Normandy năm 1944, số bị hạ bởi Panzerfaust chỉ chiếm 6% tổng số xe tăng đồng minh bị tiêu diệt, tuy nhiên, trong các trận giao chiến trong đô thị sau đó, con số này lên tới 70% (cả phía Tây và phía Đông).
Tới cuối cuộc chiến, lực lượng của Đức được trang bị rất nhiều loại súng này, không chỉ dùng để chống tăng, mà còn bắn bộ binh và thậm chí còn sử dụng như chùy để đập khi cận chiến. Theo World Gun, Panzerfaust là một trong số rất nhiều vũ khí mang tính cách mạng của phát xít Đức trong Thế chiến II. Nó trở thành hình mẫu cho các dự án vũ khí chống tăng vác vai sau này, trong đó có súng chống tăng đầu tiên của Liên Xô thời hậu chiến là RPG-2.
Một hiện tại lẫy lừng
Chỉ một năm sau khi trình làng, Panzerfaust 3 đã trở thành vũ khí chống tăng tiêu chuẩn phổ biến nhất trong quân đội Tây Đức và bắt đầu được xuất khẩu với khách hàng đầu tiên là Nhật Bản - năm 1989, tiếp theo, Thụy Sĩ - năm 1991. Hai nước này đều có giấy phép sản xuất Panzerfaust 3 và trang bị đại trà cho quân đội của mình. Hiện tại, Panzerfaust 3 có trong trang bị quân đội 11 quốc gia và đã tham chiến ở Afghanistan, Iraq và Syria.
Súng chống tăng Panzerfaust 3 có các biến thể Panzerfaust 3-T, Panzerfaust 3-IT600, Panzerfaust 3LW, Panzerfaust 3LW-HESH…với các đầu đạn có tính năng khác nhau. Đạn của Pzf 3 về cơ bản có ba loại, gồm đầu đạn nổ lõm; đầu đạn nổ lõm Tandem để chống các loại xe tăng được trang bị giáp phản ứng nổ hoặc giáp đa lớp; và đầu đạn chống boong ke có thể xuyên lớp bê tông dày tới 360mm.
Di tim vu khi chong tang cam tay so 1 NATO-Hinh-2
Panzerfaust 3 được đánh giá là súng chống tăng số một NATO; Nguồn: dn-defence.com.

Biến thể Panzerfaust 3-IT có khả năng xuyên thủng thép dày 900mm, đủ sức xuyên giáp phía trước xe tăng chiến đấu chủ lực T-80U Nga, xuyên giáp của tăng M1A2 Abrams Mỹ và Challenger 2 Anh. Pzf 3 được cho là trên cơ nhiều loại súng chống tăng, trong đó có cả RPG-29 Vampir, RPG-30 và RPG-32, chỉ thua RPG-28 của Nga. Đến nay, có khoảng 250 ngàn đầu đạn các loại đã được sản xuất và Panzerfaust 3 vẫn được đánh giá là một trong những vũ khí chống tăng cầm tay hiệu quả bên cạnh tượng đài RPG-7 và AT-4.
Kính ngắm quang học mới có tên Dynarange (nặng 2,3kg) hiện đang được lên kế hoạch trang bị cho lục quân Đức. Về cơ bản, đây là một máy tính kiểm soát việc ngắm bắn gắn với thiết bị đo xa giúp tăng tầm bắn hiệu quả của loại vũ khí này lên 600m đối với các mục tiêu di động và cố định. Dynarange đã được trang bị cho Thủy quân lục chiến và Quân đội Hoàng gia Hà Lan.
Theo một số chuyên gia, dù được đánh giá rất cao nhưng Panzerfaust 3 cũng có những hạn chế riêng như khá nặng và cồng kềnh, không thể được triển khai từ vị trí có không gian hạn chế, trong khi đây là những thế mạnh của khẩu RPG-7. Trọng lượng nặng hơn gấp đôi so với RPG-7 nhưng Panzerfaust 3 chỉ có thể xuyên phá lớp giáp khoảng 700mm trong khi RPG-7 thời Liên Xô có thể dễ dàng xuyên giáp lên tới 750mm; ống phóng của Panzerfaust 3 cũng không thể tái sử dụng ngay..., chưa kể đến hiện tượng bị hư hại ống phóng cũng như máy ngắm trong một số điều kiện trên chiến trường.
Vỏ thép của xe tăng và các phương tiện bọc thép đã có nhiều cải tiến, các loại xe tăng hiện tại đều đã được trang bị giáp phản ứng nổ ERA và điểm yếu chí tử của Panzerfaust 3 là tỏ ra kém hiệu quả khi phải đối đầu với các phương tiện thiết giáp được bọc giáp phản ứng nổ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, loại vũ khí này vẫn tiếp tục được sử dụng và phổ biến, cho dù đang có kế hoạch được thay thế bởi các mẫu súng phóng lựu không giật RGW (Rückstoßfreie Granatwaffe) cỡ nòng 60mm và 90mm đang trong quá trình thử nghiệm.
Theo Lê Ngọc/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)