Theo tờ The Wall Street Journal, Jordan và Bahrain mỗi nước sẽ mất 1 tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa PAC-3 Patriot của Mỹ từ tháng tới, trong khi Kuwait bị rút 2 tổ hợp.
Các hệ thống này không được thay thế, có nghĩa là việc Mỹ rút Patriot sẽ làm giảm vĩnh viễn khả năng phòng thủ của 3 quốc gia. Một nguồn tin nói với tờ The Wall Street Journal, những hệ thống này đang chuẩn bị được di chuyển.
Tờ báo không tiết lộ Patriot sẽ được tái triển khai ở đâu, nhưng nói rằng đây là một phần trong chiến lược thay đổi của Lầu Năm Góc, chuyển trọng tâm từ Trung Đông sang Trung Quốc và Nga - 2 nước bị coi là mối đe doạ chính đối với lợi ích toàn cầu của Mỹ trong chiến lược quốc phòng của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
|
Tổ hợp Patriot PAC-3 của Mỹ ở Kuwait. Ảnh: Reuters |
Tên lửa MIM-104 Patriot là đối trọng của Mỹ với S-300 và S-400 của Nga. Ở phiên bản PAC-3 hiện tại, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa được thiết kế để bảo vệ các vị trí chiến lược khỏi máy bay và tên lửa của kẻ thù.
Điều trớ trêu là khi Mỹ rút PAC-3 đi thì Nga lại quyết định cung cấp S-300 cho Syria sau khi máy bay Il-20 của Nga vô tình bị hạ gục bởi hệ thống phòng không lỗi thời của Syria trong một cuộc không kích của Israel.
Phản ứng trước thông tin trên, quân đội Kuwait giảm nhẹ quyết định của Lầu Năm Góc, nói rằng hệ thống phòng không tầm xa của chính họ - những tên lửa Patriot mua của Mỹ - là đủ để bảo vệ đất nước.
Washington thường xuyên sử dụng việc triển khai vũ khí tiên tiến tại các nước đồng minh như 1 con chip mặc cả, nơi các quốc gia này muốn tăng cường phòng thủ của mình.
Chẳng hạn đầu năm 2013, Mỹ, Đức và Hà Lan triển khai Patriot đến Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara phàn nàn về mối đe doạ gây ra bởi cuộc chiến ở nước láng giềng Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm đó không có hệ thống phòng không quốc gia tiên tiến nên đã chọn tên lửa SAM tầm xa để mua, lựa chọn trong số các nhà sản xuất Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc.
Khi mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh Mỹ và Châu Âu căng thẳng trong những năm vừa qua, các nhà cung cấp vũ khí ban đầu rút lui, để Tây Ban Nha và Ý bước vào.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng quyết định mua S-400 của Nga hơn là sản phẩm của một nước thành viên NATO, bất chấp sự phản đối của Washington.