Trong báo cáo hàng năm công bố hôm nay (29/4), Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho biết, năm ngoái, chi tiêu quốc phòng trên thế giới tổng cộng đạt 1.820 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2017.
Cụ thể, ngân sách dành cho quốc phòng của Mỹ đã tăng lần đầu tiên trong 7 năm, đạt 649 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2017 và chiếm tới 36% trên tổng chi tiêu quốc phòng của toàn thế giới, tương đương tổng ngân sách quốc phòng của 8 nước xếp hạng sau quốc gia này.
|
Mỹ vẫn là quốc gia có chi tiêu giành cho quốc phòng cao nhất thế giới kể từ sau Chiến tranh Lạnh cho tới nay. |
Aude Fleurant, Giám đốc của chương trình Chi tiêu quân sự và vũ khí của SIPRI (AMEX), phân tích chi tiêu cho ngân sách quốc phòng của Mỹ đã gia tăng kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump áp dụng các chương trình thu mua vũ khí mới từ năm 2017.
Trung Quốc đã góp phần đẩy tổng chi tiêu trên toàn cầu về mảng quân sự gia tăng so với cùng kỳ năm trước đó. Bắc Kinh chi ngân sách quốc phòng tăng 83% so với năm 2009, chiếm vị trí thứ hai sau Mỹ. Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã dành 1,9% GDP cho chi tiêu quốc phòng.
Ngoài Mỹ và Trung Quốc, những cái tên khác có mặt trong top 5 lần lượt là Ả Rập Xê Út, Ấn Độ và Pháp. Tiếp sau đó là Nga, Anh, Đức và Hàn Quốc.
Là nước dẫn đầu liên quân Ả Rập trong cuộc chiến chống nhóm phiến quân Hồi giáo người Houthi tại Yemen, năm ngoái, A Rập Saudi đã tăng mạnh ngân sách dành cho quốc phòng và vượt qua Mỹ trở thành nước có chi tiêu quốc phòng mạnh nhất trên thế giới nếu tính trên đầu người.
Trong khi đó, Nga rơi khỏi top 5 vì ngân sách quốc phòng nước này liên tục giảm kể từ năm 2016. Theo SIPRI, các biện pháp cấm vận kinh tế của phương Tây được triển khai từ năm 2014 sau cuộc chiến tại Ukraine đã tác động đến ngân sách quốc phòng của Nga.