Khi Mỹ tính chuyện "lời lãi" với đồng minh

Google News

Tức giận trước chi tiêu quân sự chậm trễ của đồng minh, chính quyền Washington được cho là đang theo đuổi kế hoạch yêu cầu các quốc gia mà có lính Mỹ đồn trú phải trả toàn bộ chi phí và cộng thêm 50%.
 

Theo bài viết trên báo Bloomberg dẫn hơn chục nguồn tin trong chính quyền Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng đang lên kế hoạch yêu cầu Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí bất kỳ quốc gia nào có lính Mỹ đồn trú phải trả “cost plus 50” (chi phí cộng thêm 50%) – tức là 150% chi phí để duy trì sự đồn đóng của lính Mỹ tại khu vực, trong đó phần lớn dùng để trả lương cho binh sĩ.
Lầu Năm Góc cũng được giao nhiệm vụ thu thập thông tin về chi phí duy trì lính Mỹ tại nước ngoài và đóng góp của các quốc gia đối với khoản chi tiêu này, một vài quan chức giấu tên tiết lộ cho hãng tin AP ngày 8/3. Giới chức Mỹ cho biết đây chỉ là một trong nhiều ý tưởng đang được Chính phủ Mỹ cân nhắc, trong bối cảnh Washington gây sức ép buộc các đồng minh phải chi trả kinh phí nhiều hơn.
Khi My tinh chuyen
 Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, hàng đầu từ phải qua) cùng các nhà lãnh đạo đồng minh. Ảnh: Al Jazeera
Theo Press TV, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ, khi nhiều quan chức lo ngại động thái sẽ làm “bẽ mặt” các đồng minh của Mỹ tại châu Á và châu Âu – những nước vốn dĩ luôn nghi ngờ về cam kết của Tổng thống Trump với họ.
Tổng thống Donald Trump từng đề cập đến đề xuất này, thậm chí còn yêu cầu kế hoạch “cost plus 50” trong một tài liệu gửi tới Cố vấn An ninh Quốc giao John Bolton, khi Mỹ đang đàm phán về hiện trạng 28.500 binh sĩ Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc. Kết thúc cuộc đàm phán, hai nước nhất trí Seoul phải trả 924 triệu USD trong năm 2019, tăng so với 830 triệu USD năm trước đó.
Trong một trường hợp so sánh khác, theo nhà nghiên cứu David Ochmanek thuộc Viện Rand Corporation, Đức hiện phải trả 28% chi phí lính Mỹ đồn trú trên lãnh thổ nước này. Tại một phiên điều trần quốc hội mới đây, một tướng Mỹ cấp cao tại châu Âu đã yêu cầu chi viện thêm binh sĩ, với lý do đối phó cái gọi là “mối đe dọa” từ Nga.
Giới quan sát cho rằng động thái yêu cầu đồng minh chi thêm tiền của Mỹ không chỉ phục vụ mục đích kiếm thêm kinh phí, mà chính quyền nước này còn muốn sử dụng nó như một “đòn bẩy” để các quốc gia làm theo yêu cầu của Mỹ.
Quân đội Mỹ có khoảng 600 căn cứ bên ngoài lãnh thổ vào năm 2013, với gần 200.000 binh sĩ ở nước ngoài tính đến năm 2017. Binh sĩ Mỹ đóng quân tại Nhật Bản và Đức kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II năm 1945 và ở Hàn Quốc kể từ khi lệnh ngừng bắn tạm thời đạt được vào cuối cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953.
Trong danh sách chi tiêu quốc phòng thế giới, Mỹ hiện chi nhiều hơn so với tổng chi phí 12 quốc gia đứng sau cộng lại – trong đó có Trung Quốc (224 tỷ USD), Nga (44 tỷ USD) và Ấn Độ (55,2 tỷ USD). Ngân sách quốc phòng năm 2019 của Mỹ là 716 tỷ USD, và ngân sách đề xuất năm 2020 được dự đoán sẽ lên tới 750 tỷ USD. Trong khi đó, nợ quốc gia của Mỹ đã vượt qua 22.000 tỷ USD và đang tiếp tục tăng.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức

>> xem thêm

Bình luận(0)