Dù không còn là thứ vũ khí phòng không hiện đại bậc nhất thế giới nhưng các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 vẫn mang trên mình sức mạnh có thể đánh bại mọi kẻ thù trên không. Và dưới đây là ba bí mật biến tổ hợp tên lửa S-300 trờ thành kẻ canh giữ bầu trời nguy hiểm nhất hiện nay.
Có thể liên kết nhiều tổ hợp S-300 làm một
Mỗi tổ hợp tên lửa phòng không S-300 (hay còn có tên NATO là SA-10 Grumble) có thể hoạt động liên kết cùng nhau dù chúng là các phiên bản khác nhau, tối đa có thể có 11 tổ hợp cùng liên kết bất kể nó sử dụng phiên bản phần mềm và loại tên lửa gì.
Thông thường, một sư đoàn tên lửa phòng không S-300 sẽ có 12 tổ hợp S-300, trong đó có một tổ hợp được sử dụng như trạm chỉ huy trung tâm, sẽ bắt và điều phối mục tiêu cho 11 tổ hợp còn lại.
|
Tổ hợp phòng không S-300 của Nga. Ảnh: Sputnik.
|
Hệ thống radar và dò tìm mục tiêu hiện đại
Mỗi tổ hợp S-300 có thể phát hiện và nhắm bắn các mục tiêu trên không trong bán kính tầm phát hiện từ 60 tới 90 độ, tùy thuộc vào phiên bản của hệ thống S-300 đó. Mỗi tổ hợp tên lửa S-300 còn có thể khóa cùng lúc 6 mục tiêu bay, điều khiển cùng lúc 12 tên lửa. Nghĩa là mỗi mục tiêu sẽ bị nhắm bắn và bị tiêu diệt bởi 2 tên lửa cùng lúc - cho phép hiệu suất diệt mục tiêu tăng lên gấp đôi so với khi phóng 1 quả.
Các phiên bản cũ của S-300 có khả năng bắn mục tiêu ở tốc độ tối đa Mach 4, trong khi đó các phiên bản hiện đại nhất ngày nay có thể hạ được mục tiêu ở Mach 8,5.
Chưa hết, các hệ thống radar của nhiều tổ hợp S-300 cũng có thể kết nối và hoạt động đồng bộ với nhau, điều này giúp cho kể cả các máy bay của đối phương có ranh mãnh và khôn lỏi cố tình bay với quỹ đạo ngẫu nhiên không xác định cũng sẽ bị phát hiện và khóa chặt một cách chính xác nhờ vào việc kết hợp nhiều hệ thống radar cùng theo dõi một mục tiêu từ nhiều góc khác nhau.
Triển khai nhanh, ẩn nấp giỏi
Các tổ hợp S-300 được thiết kế để phóng tên lửa thẳng đứng, khi phóng, các tên lửa sẽ bay lên độ cao 50 mét trước khi kích hoạt hệ thống đẩy phản lực và điều chỉnh hướng bay phù hợp với mục tiêu. Điều tưởng chừng như đơn giản này lại giúp S-300 có một vài lợi thế nhất định.
Đầu tiên, có thể khẳng định các xe phóng của tổ hợp phòng không S-300 có thể được triển khai ở bất cứ đâu, từ giữa các khu nhà cho tới khe núi hay thậm chí là triển khai từ rừng rậm. Điều này cho phép S-300 trở nên vô hình trước đối phương và kẻ xấu số chỉ phát hiện ra S-300 khi quá muộn.
Trong mọi điều kiện hoạt động kể trên, tổ hợp S-300 vẫn hoàn toàn không bị ảnh hưởng và hiệu suất tiêu diệt mục tiêu vẫn là như bình thường.
Thứ hai, tổ hợp S-300 có khả năng phóng với các mục tiêu ở bất cứ góc nào xung quanh xe phóng, có khả năng tiêu diệt cả các tên lửa hành trình lẫn các vật thể bay của đối phương với hiệu suất cực cao.
|
Tên lửa S-300 rời bệ phóng và bay lên cao khoảng 50 mét trước khi khai hỏa tên lửa đẩy. Ảnh: Star.
|
Điều quan trọng nhất là khả năng tiêu diệt nhiều mục tiêu từ nhiều hướng khác nhau mà xe phóng không cần phải xoay hay di chuyển, điều này cho phép S-300 có thể bắn với tốc độ tối đa giây mỗi quả với mỗi mục tiêu khác nhau. Quả tên lửa sau khi được phóng lên không sẽ tự điều chỉnh hướng bay phù hợp với mỗi mục tiêu, về cơ bản thì S-300 chỉ việc "hạ càng", nâng bệ phóng và sau đó tiêu diệt mục tiêu, không cần phải xoay hay di chuyển kể cả khi mục tiêu tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau.
Điều này là cực kỳ lợi hại vì ngay cả khi đối phương biết trong khu vực có các tổ hợp phòng không S-300, chúng cũng không thể có được bất cứ góc tiếp cận nào hợp lý để tiêu diệt các tổ hợp S-300 này vì đơn giản là S-300 không có góc chết như một vài tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại và phổ biến ngày nay.
Mời độc giả xem Video: Cận cảnh tên lửa S-300 khai hỏa, tiêu diệt mục tiêu bay. Nguồn: Star.