Trực thăng quân sự truyền thống sắp hết thời?

Google News

(Kiến Thức) - Trực thăng truyền thống thống trị thế giới suốt hơn nửa thế kỷ đang bị đe dọa bởi các thiết kế UAV trực thăng và cả trực thăng dùng cơ cấu cánh quạt cải tiến.

Vượt ra khỏi những thiết kế trực thăng quân sự tiêu chuẩn không thay đổi trong suốt hơn 50 năm, những chiếc trực thăng thế hệ mới có thể bay cao và xa hơn bao giờ hết. Chúng có thể có, hoặc không có phi công, nhưng đều đạt đến những đẳng cấp mới của trực thăng.
Đây là một chiếc máy bay? Hay là một máy bay trực thăng? Nó có phi công không? Đây từng là câu hỏi dễ trả lời khi mô tả một chiếc máy bay, nhưng bây giờ nó không còn phù hợp. Mong muốn thay thế phi đội trực thăng cũ bằng những máy bay hiệu quả cao hơn, với chi phí rẻ hơn, Mỹ đã công bế kế hoạch máy bay trực thăng cánh quay đa nhiệm tương lai FVL (Future Vertical Lift) vào tháng 10/2011.
 Những chiếc trực thăng với cơ cấu cánh quạt truyền thống đã chiếm lĩnh bầu trời trong hơn nửa thế kỷ.
Khác với thiết kế trực thăng cũ với một cánh quạt chính và một cánh quạt triệt tiêu mô men xoay ở đuôi, thiết kế trực thăng mới sử dụng các cánh quạt xoay, giống như trên máy bay V-22 Osprey và các công nghệ phi truyền thống khác.
Một trong những thiết kế khá ưu việt là máy bay trực thăng “hỗn hợp”, kết hợp một cánh quạt hướng về phía trước, giống như máy bay trực thăng tiêu chuẩn, với cánh quạt chính. Cả hai thiết kế cánh quay và thiết kế “hỗn hợp” đều giúp tăng đáng kể tốc độ, trong khi vẫn đảm bảo khả năng cất hạ cánh thẳng đứng.
Thiết kế máy bay trực thăng mới hơn cũng được tích hợp công nghệ không người lái. Các nhà chiến lược quân sự hi vọng trực thăng không người lái có thể lặp lại thành công của máy bay cánh cố định không người lái, như Predator.
 Tuy nhiên, các quốc gia trên thế giới ngày nay ít ra mẫu trực thăng mới (chủ yếu là phát triển biến thể từ mẫu cũ), thay vào đó họ tập trung "phá cách" truyền thống tạo ra mẫu cách tân, mang dáng dấp tương lai.
Sự trỗi dậy của trực thăng không người lái
Trực thăng không người lái đã được đưa vào sử dụng một thời gian, nhưng có nhiều hạn chế và không tin cậy. Nỗ lực của Boeing dành cho dự án máy bay trực thăng trinh sát A160 Hummingbird đã bị hủy bỏ do hàng loạt vấn đề về kĩ thuật và tai nạn hồi năm ngoái. Nhưng điều này có thể sẽ thay đổi.
Trong tháng 10/2013, trực thăng không người lái mới MQ-8C Fire Scout của Northrop Grumman đã thực hiện chuyến bay đầu tiên của mình tại căn cứ hải quân hạt Ventura, California. MQ-8C được thiết kế dựa trên khung thân máy bay thương mại Bell 407 và phiên bản tiền thân là MQ-8B. Biến thể C có thể có tải trọng gấp ba lần MQ-8B và thời gian bay gấp đôi.
 Trực thăng không người lái với ưu điểm về tính an toàn người điều khiển đang trỗi dậy - tương lai đây có lẽ là một trong những "kẻ soán ngôi" đưa trực thăng truyền thống về dĩ vãng.
Hải quân Mỹ có kế hoạch mua 28 máy bay loại này để phục vụ trên các tàu chiến đấu duyên hải LCS. Đây là một nỗ lực của Hải quân Mỹ để có thể nhanh chóng triển khai lực lượng, đáp ứng những nhiệm vụ đặc biệt và khẩn cấp.
"Việc sử dụng MQ-8B Fire Scout từ tàu hải quân cực kỳ thành công. Trong thời gian triển khai trên biển, các phía khai thác sử dụng đã thấy rõ sự cần thiết của một hệ thống thu thập tin tức tình báo tương tự như MQ-8B, nhưng bay lâu hơn và có tải trọng lớn”, Phó Chủ tịch Northrop Grumman phụ trách hệ thống chiến thuật tầm trung George Vardoulakis nói.
"Thay đổi các khung máy bay, lắp đặt hệ thống điều khiển và hệ thống điện tử, và sau đó tiến hành bay thử, tất cả diễn ra chỉ trong một năm là một kì tích. Tôi không thể tự hào hơn về đội ngũ của mình”, ông nói thêm.
Thử nghiệm và loại bỏ nguy hiểm
Sự cần thiết có các máy bay trực thăng không người lái đã trở nên đặc biệt cấp thiết trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, khi có hàng loạt sự cố xảy ra với các máy bay. Do phải hoạt động ở độ cao thấp, với tốc độ chậm, máy bay trực thăng dễ gặp trục trực và thường xuyên bị tấn công.
Chỉ trong năm nay, đã có 5 sự cố máy bay trực thăng tại Afghanistan, trong đó có một vụ tai nạn máy bay Black Hawk hồi tháng 3, giết chết 5 binh sĩ Mỹ. Mặc dù hầu hết là do lỗi cơ khí, đây vẫn là lời cảnh báo về sự nguy hiểm của các máy bay trực thăng .
Trong tháng 3, Lính thủy đánh bộ Mỹ đã kéo dài vô thời hạn việc sử dụng hai máy bay trực thăng không người lái K-MAX - phát triển bởi Lockheed Martin và Kaman Corp ở Afghanistan.
 Trực thăng không người lái K-MAX đã chứng minh tính hữu dụng trên chiến trường.
Chiếc máy bay này tỏ ra rất đắc dụng khi thay thế cho việc sử dụng đường bộ, cũng như không đẩy phi công vào các tình huống nguy hiểm. K-MAX có thể bay một tuyến đường được lập trình trước đến đích của nó và chỉ đòi hỏi tương tác với con người để khởi động.
Bên kia bờ Thái Bình Dương, Trung Quốc cũng đang thử nghiệm các thiết kế máy bay trực thăng không người lái. Trong tháng 9, một công ty Trung Quốc đã công bố mẫu JY-8 tại Triển lãm máy bay trực thăng Trung Quốc lần thứ hai ở Thiên Tân. JY-8 được dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm trong năm 2015 và sẽ có thể đạt vận tốc 400km/h. JY-8 là mẫu máy bay trực thăng hỗn hợp không có cánh quạt đuôi, đã cho thấy sự sẵn sàng của Trung Quốc để bắt đầu các thử nghiệm trong lĩnh vực này.
Chưa thể loại bỏ vai trò của phi công
Mặc dù tập trung đổi mới về mảng máy bay không người lái, nhưng nhiều quân đội trên thế giới vẫn đang đầu tư vào việc phát triển các phiên bản máy bay có người lái. Điều này đặc biệt đúng đối với Quân đội Mỹ, đã trải nghiệm những khó khăn của máy bay trực thăng trong suốt thập kỷ qua ở Iraq và Afghanistan. Hiện nay đã có nhiều ý kiến đổi mới đội máy bay đã lão hóa.
Gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hàng không và Tên lửa Mỹ (AMRDEC) đã trao hợp đồng cho 4 công ty để phát triển một mẫu máy bay thế hệ tiếp theo. Đây là một phần của chương trình máy bay đa nhiệm JMR TD (Joint Multi-Role Technology Demonstrator).
Tất nhiên là trực thăng không người lái không hẳn là sẽ thay thế hoàn toàn trực thăng có người lái. Trong nhiệm vụ chở quân đột kích đường không, trực thăng có người lái vẫn tin cậy hơn là không người lái.
Mục đích của chương trình là xác định các công nghệ tương lai có thể tác động tích cực đến các hoạt động hàng không cho 50 năm tiếp theo .
Chương trình JMR TD sẽ giảm thiểu rủi ro cho Chương trình máy bay cánh quay tương lai của Quân đội Mỹ (FVL), cùng với kế hoạch FVL phát triển các mẫu máy bay lên thẳng cho 25 đến 40 năm tới. Kế hoạch này cho hay gần như tất cả các quyết định hoặc kéo dài tuổi thọ, nghỉ hưu, hoặc thay thế phi đội máy bay trực thăng của Lầu Năm Góc sẽ được thực hiện trong tám đến mười năm tới.
Thúc đẩy sự đổi mới
Quân đội Mỹ sẽ đầu tư tổng cộng 217 triệu USD trong giai đoạn đầu. Mỗi công ty được lựa chọn sẽ nhận được 6,5 triệu USD. Các mẫu trực thăng của Bell và Sikorsky đã được lựa chọn như dự đoán, nhưng 2 công ty khác cũng đã được trao hợp đồng.
Việc lựa chọn các thiết kế cấp tiến từ các nhà cung cấp phi truyền thống như AVX Aircraft và Karem Aircraft cho thấy mong muốn đổi mới của Lầu Năm Góc. Karem Aircraft được thành lập bởi Abraham Karem, một nhà thiết kế trước đây cho Không quân Israel và các nhà phát triển của UAV Predator.
Bell và Karem Aircraft đều đang dùng công nghệ cánh quạt lật, và đưa nó lên một tầm cao mới. Thiết kế Bell V280 có kích thước tương đương với Black Hawk nhưng sẽ có thể bay ở vận tốc gần gấp đôi loại trực thăng Black Hawk. Karem đưa ra sản phẩm là TR36TD, một máy bay cánh quạt lật với đường kính cánh quạt 10,2m có thể nâng xe bọc thép trên chiến trường.
 Tuy nhiên, cường quốc quân sự hướng tới phát triển trực thăng dùng cơ cấu cánh quạt, động cơ kiểu mới, không bám vào truyền thông. Trong ảnh là ảnh đồ họa thiết kế trực thăng Bell V-280.
Sikorsky và AVX Aircraft lại dùng một phương pháp thiết kế khác. Sikorsky cộng tác cùng với Boeing, đã đệ trình một thiết kế dựa trên mô hình trực thăng X-2 dùng cơ cấu cánh quạt đồng trục và cánh quạt đẩy ở đuôi.
AVX ít được biết đến, nhưng đã đệ trình một thiết kế tương lai tương tự cũng có tính năng cánh quạt chính đồng trục và có khoảng trống lớn phía sau để vận tải hàng hóa. AVX cũng đã đệ trình đề xuất cho chương trình trinh sát vũ trang trên không, được lên kế hoạch để thay thế cho máy bay OH-58 Kiowa, đang phục vụ trong quân đội Mỹ. AVX đảm bảo sẽ thay thế OH-58 bằng mẫu máy bay mạnh mẽ hơn.
Có phải là tương lai duy nhất?
Tuy nhiên, có một thực tế là các máy bay trực thăng mới có thể không bao giờ đi vào hoạt động.
AMRDEC gặp phải nhiều trở ngại, chương trình FVL được coi “là một sáng kiến, chưa phải là một giải pháp". Quân đội Mỹ chỉ có thể mở rộng lực lượng hiện tại, chứ khó có thể có những chương trình mới. Ngân sách tài chính vẫn đang chịu sức ép và các dự án như F-35 có thể sụp đổ vì thiếu kinh phí. Khó có thể tìm kiếm một nguồn tài chính đủ mạnh cho mẫu máy bay trực thăng mới.
Điều này được thể hiện rõ ở châu Âu, nơi chỉ có đầu tư hạn chế trong các mẫu máy bay mới. Anh chỉ được chi tiêu 1 tỉ bảng để mua máy bay trực thăng Chinook, một thiết kế cũ nhưng vẫn phục vụ tốt trong Không quân Hoàng gia.
Nhưng cũng có thể các chương trình mới sẽ thuyết phục được chính phủ mở hầu bao. Giai đoạn 2của JMR TD dự kiến vào cuối năm 2014 khi hai công ty sẽ được lựa chọn để xây dựng mô hình nguyên mẫu phục vụ thử nghiệm bay. Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch, chuyến bay thử nghiệm có thể bắt đầu vào năm 2017 và sẽ xuất hiện những mẫu máy bay trực thăng tương lai.
Lương Minh

Bình luận(0)