Video: Lịch sử hình thành thương hiệu BYD.
Từ một công ty chuyên sản xuất pin với chỉ 20 nhân viên, giờ đây, BYD đã vươn lên trở thành một hãng xe điện top đầu thế giới, cạnh tranh trực tiếp với “gã khồng lồ” xe điện Tesla.
BYD của Trung Quốc được thành lập vào năm 1995 với chỉ 20 nhân viên. Hãng mở văn phòng quốc tế đầu tiên tại Rotterdam, Hà Lan sau đó 3 năm. Tới năm 2000, BYD khởi công xây dựng nhà máy công nghiệp đầu tiên tại Thâm Quyến. Tới 2007, nhà máy này đi vào hoạt động và trở thành tổng hành dinh của BYD từ đó tới nay.
|
BYD - từ công ty sản xuất pin trở thành hãng ôtô lớn nhất thế giới. |
Ban đầu BYD là một công ty cung ứng pin lithium-ion cho điện thoại Nokia và Motorola. Sau đó, vào năm 2003, BYD mua lại Xi'an Qinchuan Automobile và chính thức “bước chân” vào ngành xe.
Sản phẩm đầu tiên BYD cho ra mắt chính là mẫu sedan cỡ nhỏ mang tên F3. Ba năm sau, tới năm 2008, hãng tiếp tục giới thiệu phiên bản hybrid sạc điện của xe lấy tên F3DM.
Cùng thời điểm đó, quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của tỷ phú Mỹ Warren Buffet đã bất ngờ mua một lượng lớn cổ phiếu của BYD, nắm bắt được “thời cơ”, hãng đã nhanh chóng mở rộng hoạt động sản xuất, đánh mạnh vào mảng xe điện.
|
Ban đầu BYD là một công ty cung ứng pin lithium-ion cho điện thoại Nokia và Motorola. |
Hiện tại, thương hiệu ôtô BYD không chỉ cung cấp ra thị trường xe du lịch mà hãng còn có cả xe buýt và xe tải. Họ thậm chí đã có nhà máy sản xuất xe buýt tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác từ lâu.
BYD cũng thành lập thương hiệu con lấy tên là Denza và một thương hiệu chuyên sản xuất xe hạng sang có tên Yangwang. Không chỉ thế, BYD còn tự đóng tàu để chở xe xuất khẩu đi các nước khác giúp tiết kiệm tối đa chi phí vận chuyển.
Theo các báo cáo, BYD đã chính thức vượt mặt Tesla để trở thành công ty sản xuất xe điện hàng đầu thế giới về doanh số bán.
|
Vào năm 2003, BYD mua lại Xi'an Qinchuan Automobile và chính thức “bước chân” vào ngành xe. |
Cụ thể trong quý IV/2023, hãng xe điện từ Trung Quốc đã bán được 525.409 chiếc xe điện, cao hơn so với 484.507 chiếc của Tesla. Do đó dù cả 2 hãng đều có doanh số đạt kỷ lục trong 3 tháng cuối năm nhưng Elon Musk vẫn mất ngôi vương về tay đối thủ Trung Quốc.
Tuy nhiên nếu tính cả năm 2023, Tesla vẫn bán nhiều xe điện hơn BYD nếu không tính dòng xe Hybrid. Cụ thể Tesla bán được 1,8 triệu chiếc xe điện trong khi BYD là 1,57 triệu chiếc, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, BYD cũng bán thêm được 1,44 triệu chiếc xe Hybrid, qua đó khẳng định vị thế ông trùm của mình trong ngành. Dù vẫn bán nhiều xe điện hơn trong cả năm 2023 nhưng khoảng cách 400.000 chiếc xe điện năm 2022 giữa BYD và Tesla hiện đã bị thu hẹp xuống chỉ còn 230.000 chiếc.
|
Hiện tại, BYD không chỉ cung cấp ra thị trường xe du lịch mà hãng còn có cả xe buýt và xe tải. |
Sự trỗi dậy của BYD cho thấy vị thế ngày một áp đảo của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện. Các hãng xe của Trung Quốc đã thích ứng nhanh hơn các công ty ôtô của phương Tây trong việc đưa ra thị trường các dòng xe điện kỹ thuật số cao.
Các mẫu xe điện của BYD có giá thành cạnh tranh hơn so xe của Tesla, giúp hãng xe Trung Quốc thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị phần. BYD chưa bán xe điện tại thị trường Mỹ, nhưng đang mở rộng ra toàn cầu, trong đó có Châu Âu.
|
Không chỉ là một hãng xe điện thành công mà BYD hiện tại còn là một trong những nhà cung ứng pin điện lớn nhất thế giới. |
Không chỉ là một hãng xe điện thành công mà BYD hiện tại còn là một trong những nhà cung ứng pin điện lớn nhất thế giới. Mọi pin điện hãng sử dụng trên ôtô của mình đều là hàng tự sản xuất. Hiện đang có nhiều thương hiệu ngỏ ý muốn mượn pin điện BYD trong đó có thể là Mercedes-Benz.
Hiện tại, nhiều quốc gia ở Châu Âu đang “đau đầu” khi BYD cũng như các hãng xe đến từ Trung Quốc đang ngày càng phủ sóng, khiến các hãng xe nội địa bị “lép vế”. Họ đang dự thảo áp thuế nhập khẩu cao lên xe điện Trung Quốc giống cách Mỹ đang làm để ngăn chặn "làn sóng xe điện giá rẻ" từ quốc gia châu Á này.
|
Tính đến năm 2021, BYD đã xuất khẩu và mở rộng phạm vi hoạt động của mình ở ít nhất 40 quốc gia trên thế giới. |
Tính đến năm 2021, BYD đã xuất khẩu và mở rộng phạm vi hoạt động của mình ở ít nhất 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều khu vực như: Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi, Đông Nam Á, châu Đại Dương và châu Âu. Việt Nam có lẽ cũng là quốc gia mà BYD nhắm tới trong thời gian gần.