Theo Zing, ở Việt Nam, có 2 đại gia nổi tiếng thay vì chi tiền vào các dự án bất động sản để bán nhà đất thu lời, lại đổ hàng nghìn tỷ để xây dựng các khu du lịch tâm linh. Một người xây lạc cảnh tại Đại Nam là ông Huỳnh Uy Dũng và người còn lại là ông Nguyễn Văn Trường, đại gia xây chùa Bái Đính tại Ninh Bình.
Đại gia Văn Trường (còn gọi là đại gia Xuân Trường) cũng chính là Tổng giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, đơn vị trúng thầu xây lắp của dự án nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê (dự án Sào Khê) đang gây xôn xao dư luận những ngày qua. Dự án do UBND tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư với tổng vốn ban đầu 72 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, sau đó bị đội vốn thành 2.595 tỷ đồng, gấp 36 lần.
Ngoài dự án Sào Khê, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường còn sở hữu hàng loạt các dự án nghìn tỷ khác.
Khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính
Tên tuổi của tỷ phú Xuân Trường được biết nhiều khi ông mạnh tay đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) vào năm 2006. Nhiều thông tin cho hay, ông Trường đã bỏ ra 100.000 USD để đích thân đưa ngọc xá lợi từ Ấn Độ về ngôi chùa này.
|
Khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính. Ảnh: Zing. |
Khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính nổi tiếng với rất nhiều kỷ lục Việt Nam, Đông Nam Á và thậm chí là châu Á. Đây là ngôi chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, có chuông đồng 36 tấn lớn nhất Việt Nam, có 500 tượng La Hán, có giếng ngọc lớn nhất, có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam...
Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao 11.000 tỷ đồng
Ngoài khu Du lịch Tràng An chùa Bái Đính, năm 2006, tỉnh Hà Nam phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án chính là Công ty Xây dựng Xuân Trường.
|
Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao. Ảnh: hanam.tintuc.vn. |
Với diện tích lên đến 5.1000ha, khu du lịch bao gồm các khu chức năng như khu lòng hồ Tam Chúc, khu văn hóa tâm linh chùa Ba Sao, khu trung tâm đón tiếp nghỉ dưỡng, khu sân golf 36 lỗ; khu cây xanh và dịch vụ ven hồ; khu bảo tồn di tích và cảnh quan thiên nhiên.
Khu du lịch này được kỳ vọng sẽ là gạch nối giữa khu du lịch Chùa Hương với quần thể du lịch Vân Long - Tam Cốc - Bích Động - Tràng An - Bái Đính tạo thành một quần thể các khu du lịch sinh thái vùng ngập nước. Đây cũng chính là ba điểm trong trục du lịch tâm linh của khu vực phía Bắc.
Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp 9,8 nghìn tỷ đồng
Cuối năm 2015, Công ty Xây dựng Xuân Trường có tờ trình đề nghị thành phố Hải Phòng chấp thuận chủ trương, cho doanh nghiệp đầu tư dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp, với số vốn đầu tư dự kiến 9,8 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, nổi bật là khu tâm linh với diện tích 88,7ha với tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 150m và khu dịch vụ đón tiếp 108ha cho khu dịch vụ với khách sạn 5 sao và đặc biệt là có cả casino, sân golf...
|
Dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp. Ảnh: Internet. |
Tỷ phú Xuân Trường từng cho biết, dự án thành công sẽ tạo ra điểm nhấn cho quần thể du lịch ven biển, kết nối với khu du lịch tâm linh Tràng Kênh - khu dự trữ sinh quyển Cát Bà - khu di tích lịch sử Bạch Đằng (Quảng Ninh). Hiện tại dự án này vẫn đang chờ chủ trương chấp thuận đầu tư từ các cơ quan chức năng.
Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc 15.000 tỷ đồng
Năm 2016, tỷ phú Xuân Trường đã chính thức động thổ xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) với diện tích quy hoạch sử dụng đất của siêu dự án này vào khoảng 18.940 ha, trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500 ha.
Dự án sẽ bao gồm Khu tâm linh có Chùa Tháp cao 150m; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền; Khu làng văn hóa các dân tộc.
Điểm nhấn của siêu dự án Hồ Núi Cốc sẽ là Tháp phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, nền móng Tháp có chiều rộng 10.000m2, tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng. Tháp có thể chứa được từ 5 đến 10 nghìn người trong cùng một thời điểm tại.
|
Mô hình chùa Tháp sẽ được xây dựng tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: thainguyen.gov.vn. |
Chùa Tháp được thiết kế bằng cách đổ bê tông phần thô. Toàn bộ nội thất trang trí bên trong và bên ngoài Tháp sẽ được trang trí bằng 12 nghìn bức tranh đá kể về cuộc đời của đức Phật sẽ do các nghệ nhân, thợ của 2 nước Indonexia và Ấn Độ chế tác. Riêng phần móng của Tháp là do các chuyên gia và thợ của Nhật Bản đảm nhiệm.
Dự kiến, phần thô Tháp phật giáp sẽ được làm xong trong 5 năm để đón khách vãng cảnh, bái phật và sẽ hoàn thành chùa Tháp trong vòng 10 năm (2016-2026)… Tổng kinh phí xây dựng chùa Tháp ước khoảng 10 nghìn tỷ đồng.