Tỷ phú Xuân Trường - ông chủ siêu dự án Hồ Núi Cốc - là ai?

Google News

(Kiến Thức) - Dư luận đang có nhiều thông tin trái chiều về việc dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc của tỷ phú Xuân Trường bị dừng thi công. Điều này khiến danh tính ông chủ của dự án được quan tâm hơn bao giờ hết.

Dự án xây dựng Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư với số vốn dự kiến kỷ lục là 15.000 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2035. Mới đây, rộ lên tin đồn siêu dự án của tỷ phú Xuân Trường bị tỉnh Thái Nguyên ra quyết định dừng thi công đến sau năm 2020. Mặc dù vậy, nhiều thông tin khác lại bác bỏ tin đồn này.
Trong khi thông tin cuối cùng vẫn chưa được xác thực thì câu hỏi ông chủ của siêu dự án nghìn tỷ này là ai lại đang được nhiều người tò mò muốn biết.
Theo Bizlive.vn, việc thi công hàng loạt những các siêu dự án nghìn tỷ như dự án Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư (17 nghìn tỷ đồng), dự án khu du lịch Hồ Núi Cốc ở Thái Nguyên (15.000 tỷ đồng), Khu du lịch Tam Trúc - Ba Sao ở Hà Nam (gần 11.000 tỷ đồng), khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp ở Hà Nam (9,8 nghìn tỷ đồng)...đủ để cho thấy Công ty Xây dựng Xuân Trường hùng mạnh đến mức nào.
Tuy nhiên, một điều khá đặc biệt là ngoài những thông tin về dự án mà doanh nghiệp này triển khai, có rất ít thông tin khác liên quan đến doanh nghiệp cũng như về vị tỷ phú Xuân Trường.
Được biết, tỷ phú Xuân Trường tên thật là Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1963, tại Hoa Lư, Ninh Bình. Ông vốn là người kín tiếng, giản dị, cũng chính vì thế mà thông tin về ông xuất hiện trên báo chí cũng vô cùng khiêm tốn. Một thông tin hiếm hoi về vị tỷ phú này từng được chia sẻ trên Vietnamnet là ông rất quyết liệt trong công việc, kể cả bạn bè ông cũng không thỏa hiệp.
 Tỷ phú Nguyễn Văn Trường. Ảnh: Vietnamnet.
Theo thông tin trên Báo Đời sống & Pháp luật, tỷ phú Xuân Trường từng được biết đến với danh hiệu  tỷ phú khi ông mạnh tay đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) vào năm 2006. Đây là ngôi chùa nổi tiếng với rất nhiều kỷ lục Việt Nam, Đông Nam Á và thậm chí châu Á. 
Bên cạnh đó, vị đại gia này cũng đã mạnh tay chi rất nhiều tiền để xây dựng các công trình "để đời". Năm 2006, tỉnh Hà Nam đã phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án không phải là ai xa lạ mà chính là Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường. Với diện tích lên đến 5,1 nghìn ha, khu du lịch bao gồm các khu chức năng như khu lòng hồ Tam Chúc, khu văn hóa tâm linh chùa Ba Sao, khu trung tâm đón tiếp nghỉ dưỡng, khu sân golf 36 lỗ; khu cây xanh và dịch vụ ven hồ; khu bảo tồn di tích và cảnh quan thiên nhiên.
Khu du lịch này được kỳ vọng sẽ là gạch nối giữa khu du lịch Chùa Hương với quần thể du lịch Vân Long - Tam Cốc - Bích Động - Tràng An - Bái Đính tạo thành một quần thể các khu du lịch sinh thái vùng ngập nước. Đây cũng chính là ba điểm trong trục du lịch tâm linh của khu vực phía Bắc.
Trước đó, cuối năm 2015, Công ty Xây dựng Xuân Trường có tờ trình đề nghị thành phố Hải Phòng chấp thuận chủ trương, cho doanh nghiệp đầu tư dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Khu du lịch đảo Cái Tráp) với số vốn đầu tư dự kiến 9,8 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, dự án đình đám gần đây nhất của tỷ phú Xuân Trường phải kể đến là Dự án xây dựng khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (tại Di tích lịch sử văn hoá Đền Gàn, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) với số vốn dự kiến kỷ lục là 15.000 tỷ đồng.
Điểm đặc biệt của siêu dự án này là kế hoạch xây Tháp phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, nền móng tháp có chiều rộng 10.000m2, có thể chứa được từ 5 đến 10 nghìn người trong cùng một thời điểm tại.
Không chỉ điều hành doanh nghiệp Xuân Trường, ông Trường còn là chủ tịch HĐQT Công ty CP du lịch Hoa Lư, giám đốc khách sạn Hoa Lư.
Trong lĩnh vực khách sạn - du lịch, đại gia Nguyễn Xuân Trường đầu tư 200 tỷ đồng hoàn thiện nhà khách 5 sao trên diện tích 20.000m2. Đây là khách sạn hạng sang theo phóng cách Á Đông cổ điển, với nguyên vật liệu chính là các loại gỗ quý hiếm như trắc, cẩm lai, gỗ đỏ.
Hồng Liên (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)