Đại gia Xuân Trường gây sốc
Tin tức trên Trí thức trẻ, theo thông tin từ UBND tỉnh Thái Nguyên, Công ty xây dựng Xuân Trường do đại gia Xuân Trường làm giám đốc vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về ý tưởng thiết kế, xây dựng chùa Tháp trong tổng thể của Dự án thành phần Khu du lịch văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc tại khu vực Đền Gàn, thuộc xóm 10, xã Vạn Thọ (Đại Từ).
Theo đó, tỷ phú Xuân Trường nêu ý tưởng xây dựng chùa Tháp có chiều cao 150m, nền móng Tháp có chiều rộng 10.000m2, có thể chứa được từ 5 đến 10 nghìn người trong cùng một thời điểm. Chùa Tháp được thiết kế bằng cách đổ bê tông phần thô, phần này sẽ do thợ Việt Nam đảm nhiệm.
Toàn bộ nội thất trang trí bên trong và bên ngoài Tháp gồm 12 nghìn bức tranh đá kể về cuộc đời của đức Phật sẽ do các nghệ nhân, thợ của 2 nước Indonexia và Ấn Độ chế tác. Sau khi hoàn thiện xong tượng phật, 12 nghìn bức tranh đá tại Indonexia và Ấn Độ sẽ được Doanh nghiệp Xuân Trường đưa về Tháp lắp đặt. Riêng phần móng của Tháp là do các chuyên gia và thợ của Nhật Bản đảm nhiệm.
Theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ nỗ lực hết sức để có thể đặt móng trong năm 2016, phần thô sẽ được làm xong trong 5 năm để đón khách vãng cảnh, bái phật và sẽ hoàn thành chùa Tháp trong vòng 10 năm (2016-2026)… Dự kiến, tổng kinh phí xây dựng chùa Tháp khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Theo như kế hoạch thiết kế xây dựng, thuyết trình và mô hình Tháp của tỷ phú Xuân Trường thì chùa Tháp tại tỉnh Thái Nguyên sẽ là chùa Tháp hội tụ đầy đủ linh khí của đất nước Việt Nam và sẽ là một Tháp phật giáo lớn nhất thế giới.
Được biết, dự án Tháp Phật giáo là một phần quan trọng trong dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc vừa được Xuân Trường động thổ xây dựng vào tháng 2/2016 vừa qua. Dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc có tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2035.
Vùng thực hiện dự án thuộc địa bàn 10 xã, thị trấn của 3 địa phương: thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ.Diện tích quy hoạch sử dụng đất: khoảng 18.940 ha (trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500 ha).
Đại gia Nguyễn Văn Trường sinh năm 1963, tại Hoa Lư, Ninh Bình, là một doanh nhân nổi tiếng nằm trong nhóm doanh nhân đạt danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" và Cúp Vàng hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông hiện là Ủy viên Ban Chấp hành VCCI khóa V - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Giám đốc Doanh nghiệp Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Cổ phần Du lịch Hoa Lư, Giám đốc Khách sạn Hoa Lư, nhưng ông lại là tỷ phú kín tiếng, giản dị, ăn chay nhiều năm nay.
Doanh nhân Nguyễn Văn Trường là người mạnh tay đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư, cùng nhiều khu du lịch khác như hồ Đồng Chương, công viên văn hóa Tràng An, tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế...
Bầu Thắng “tiền đầy ví”
Công ty cổ phần Đồng Tâm vừa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2016. Tại đại hội, Đồng Tâm cho biết năm 2015, công ty đạt doanh thu thuần 1.886 tỷ đồng, tăng 6,88% so với năm 2014. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng tới 58,09%, lên mức 279 tỷ đồng.
Đây là mức lãi lớn nhất của Đồng Tâm, ghi nhận dấu ấn trở lại của Bầu Thắng sau giai đoạn làm ăn sa sút vào khoảng 2011-2012.
Khoản lợi nhuận lớn của Đồng Tâm là do chiến lược đầu tư vào đế chế bánh kẹo Kinh Đô (sau này đổi tên thành KiDo) trong năm 2014, dù Đồng Tâm suốt 45 năm chỉ gắn với gạch, ngói, bê tông và sơn nước…
Cuối tháng 5/2014, Bầu Thắng và ban lãnh đạo Đồng Tâm đã quyết định chi gần 460 tỷ đồng mua hơn 10,4 triệu cổ phần KDC.
Khi đó Bầu Thắng giải thích quyết định đầu tư vào Kinh Đô vì đây là doanh nghiệp tốt, có chiến lược kinh doanh mới tiềm năng và cổ tức hàng năm chi trả ở mức khá cao.
Cuối năm 2014, khoản đầu tư đã cho "quả ngọt" khi giá cổ phiếu tăng mạnh do thông tin Kinh Đô đã hoàn tất thương vụ bán 80% mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International thu về 7.846 tỷ đồng (tương đương 370 triệu USD).
Ngay sau đó, Kinh Đô quyết định trả cổ tức "khủng" 200%, cổ phiếu KDC được nhà đầu tư săn lùng và luôn trong tình trạng cháy hàng.
Đến tháng 8/2015, Đồng Tâm với việc sở hữu gần 12,5 triệu cổ phiếu (tăng do chia cổ phiếu thưởng) đã nhận về khoảng 260 tỷ đồng tiền mặt. Trước đó năm 2014 cũng nhận về 23 tỷ đồng tiền cổ tức. Khoản tiền này đã góp phần lớn vào lợi nhuận của Đồng Tâm năm 2015.
Năm 2016, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 2.050 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm xuống 210 tỷ, trả cổ tức dự kiến là 25%.
Bầu Đức sắp trồng cây ăn quả và làm nước ép
Thông tin trên VnExpress, tỉnh Gia Lai đã chính thức có quyết định thu hồi 2 dự án trồng tiêu và chuyển đổi dự án trồng cỏ nuôi bò của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG).
Theo đó, tỉnh Gia Lai đã nhận được công văn đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà máy nước ép trái cây tại tỉnh và đồng ý cho phía Hoàng Anh Gia Lai chuyển đổi tổng cộng gần 685ha đất trồng cỏ sang trồng cây ăn trái để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chế biến các sản phẩm trái cây của tập đoàn.
Cụ thể, Công ty Bò sữa Tây Nguyên được chuyển đổi 195,8ha đất tại huyện Ia Grai do tỉnh cho thuê tại quyết định số 73 năm 2015.
Đây là một hướng đầu tư mới của Hoàng Anh Gia Lai trong giai đoạn khó khăn này. Khoản nợ 28.000 tỷ đồng dù được phía Ngân hàng Nhà nước phát tín hiệu giãn nợ, song vẫn là một gánh nặng đòi hỏi tái cơ cấu doanh nghiệp. Cách đây vài ngày Hoàng Anh Gia Lai đã bị thu hồi dự án nuôi bò, trồng cỏ và nuôi bò thịt công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng thu hồi 50ha của Hoàng Anh Gia Lai ở TP Pleiku với hiện trạng là đất đang trồng tiêu và đất đường lô. Sau khi thu hồi, đất sẽ được giao cho Công ty nông nghiệp Nuti (công ty con của Nutifood) để tiếp tục đầu tư và chăm sóc cây hồ tiêu.
Số đất trên do UBND tỉnh Gia Lai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tập đoàn năm 2001 và còn hiệu lực đến năm 2042.
Kết thúc quý I/2016, doanh thu của tập đoàn tăng gần gấp đôi lên 1.972 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí vay lãi quá lớn lên tới 304 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh chỉ còn 90 tỷ, trong khi cùng kỳ đạt 303 tỷ đồng.
Mời quý độc giả xem video Tiểu sử Cường đô la (nguồn Youtube):