Rộ tin đồn siêu dự án Hồ Núi Cốc của tỷ phú Xuân Trường bị dừng?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều thông tin trái chiều về việc tỉnh Thái Nguyên vừa ra quyết định dừng dự án Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc của tỷ phú Xuân Trường tại Thái Nguyên đến sau năm 2020 đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Dự án xây dựng Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư với số vốn dự kiến kỷ lục là 15.000 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2035.
Vùng thực hiện dự án thuộc địa bàn 10 xã, thị trấn của 3 địa phương: thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ gồm các xã: Phúc Xuân, Phúc Trìu, Tân Cương của thành phố Thái Nguyên; thị trấn Quân Chu và các xã: Tân Thái, Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Quân Chu của huyện Đại Từ; xã Phúc Tân của thị xã Phổ Yên.
Ro tin don sieu du an Ho Nui Coc cua ty phu Xuan Truong bi dung?
 Quy hoạch tổng thể Khu du lịch Hồ Núi Cốc. Ảnh: Internet.
Diện tích quy hoạch sử dụng đất khoảng 18.940 ha, trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500 ha. Dự kiến phân khu chức năng chính của dự án, gồm: Khu tâm linh có Chùa Tháp cao 150m; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền; Khu làng văn hóa các dân tộc. Ngoài ra còn xây dựng 2 cổng chính vào khu du lịch: vị trí 1 tại nút giao đường cao tốc với đường trục chính vào trung tâm thành phố, kết nối với đường vào khu du lịch; vị trí 2 tại nút giao đường phía Tây với Tỉnh lộ 261.
Đặc biệt, tại siêu dự án Hồ Núi Cốc, Công ty Xuân Trường sẽ xây dựng Tháp phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, nền móng tháp có chiều rộng 10.000m2, có thể chứa được từ 5 đến 10 nghìn người trong cùng một thời điểm tại.
Ro tin don sieu du an Ho Nui Coc cua ty phu Xuan Truong bi dung?-Hinh-2
Mô hình chùa Tháp lớn bậc nhất thế giới ở Thái Nguyên. Ảnh: Internet. 
Chùa Tháp được thiết kế bằng cách đổ bê tông phần thô, phần này sẽ do thợ Việt Nam đảm nhiệm. Toàn bộ nội thất trang trí bên trong và bên ngoài Tháp gồm 12 nghìn bức tranh đá kể về cuộc đời của đức Phật sẽ do các nghệ nhân, thợ của 2 nước Indonexia và Ấn Độ chế tác. Sau khi hoàn thiện xong tượng phật, 12 nghìn bức tranh đá tại Indonexia và Ấn Độ sẽ được Doanh nghiệp Xuân Trường đưa về Tháp lắp đặt. Riêng phần móng của Tháp là do các chuyên gia và thợ của Nhật Bản đảm nhiệm.
Theo kế hoạch, Xuân Trường sẽ nỗ lực hết sức để có thể đặt móng trong năm 2016, phần thô sẽ được làm xong trong 5 năm để đón khách vãn cảnh, bái phật và sẽ hoàn thành chùa Tháp trong vòng 10 năm (2016-2026)… Dự kiến, tổng kinh phí xây dựng chùa Tháp khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo Lao động, đến thời điểm này "siêu dự án" nhóm A này vẫn chưa được phê duyệt theo quy định. Bên cạnh đó, hàng loạt khó khăn không dễ tháo gỡ như việc duy trì cao độ mực nước Hồ Núi Cốc cũng như ảnh hưởng đến 16 dự án đã được tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư trước đó.
Theo báo Xây Dựng, ngay từ cuối năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho rằng, nguồn vốn đầu tư công là rất khó khăn, nên đã đề nghị tỉnh Thái Nguyên rà soát, tính toán lại tổng mức đầu tư của dự án phù hợp với tình hình, khả năng đáp ứng về nguồn vốn của ngân sách Trung ương, địa phương cũng như của doanh nghiệp và các nguồn vốn xã hội khác.
Đại diện cho tỉnh Thái Nguyên, một Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất sau đó đã đưa tổng mức đầu tư của dự án xây dựng khu du lịch Hồ Núi Cốc xuống còn gần 6,5 nghìn tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ trên 80% còn lại là ngân sách địa phương).
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án như vậy vẫn quá cao so với khả năng cân đối ngân sách. Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 nguồn vốn ngân sách tỉnh Thái Nguyên cũng đã được HĐND tỉnh thông qua và chưa cân đối được vốn cho Dự án hạ tầng Khu tâm linh Hồ Núi Cốc.
Trước thực tế trên, theo thông tin trên báo Lao động, UBND tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo xin ý kiến và ngày 15/1/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có Văn bản số 246-KL/TU cho phép thực hiện Dự án hạ tầng Khu tâm linh Hồ Núi Cốc sang giai đoạn sau năm 2020.
Mặc dù vậy, thông tin trên báo Đất Việt cho hay ông Trần Quốc Tỏ - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên khẳng định: "không dừng dự án".
Về văn bản số 246-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đề nghị cho phép thực hiện Dự án hạ tầng Khu tâm linh Hồ Núi Cốc sang giai đoạn sau năm 2020, ông Tỏ cho biết chưa biết về văn bản này.
Ngoài ra, ông Phạm Đức Toàn - Trưởng ban Ban quản lý khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc - cũng cho biết chưa nghe nói có thông tin nào sẽ dừng dự án khu du lịch Hồ Núi Cốc.
"Có thể tỉnh đang xem xét sẽ thực hiện dự án thời điểm nào và chưa nên thực hiện vào thời điểm nào thôi, chứ chưa thấy thông tin nào chỉ đạo sẽ dừng thực hiện dự án. Tôi cho rằng, muốn thực hiện dự án chắc tỉnh phải huy động thêm nguồn vốn đầu tư từ xã hội hóa, nếu dựa vào nguồn lực từ ngân sách là rất khó khăn. Hiện tại nguồn kinh phí đầu tư giai đoạn trung hạn cho Thái Nguyên từ nay tới năm 2020 đã được phân bổ hết, nhiều dự án đã được phê duyệt vẫn đang phải chờ vốn", ông Toàn trả lời trên Đất Việt.
Tương tự, ông Hoàng Thái Cương - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Thái Nguyên (KH-ĐT) khẳng định siêu dự án khu du lịch Hồ Núi Cốc vẫn đang triển khai bình thường.
Ông Cương cũng khẳng định, dự án đã được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hồng Liên (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)