'Vua cà phê' Trung Nguyên và chuyện King Coffee của người đàn bà đẹp

Google News

Cả ông "vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ cũ – bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều vốn rất kín tiếng trước truyền thông về cuộc sống, cũng như tâm tư chẳng mấy khi được thể hiện về cuộc hôn nhân của mình.
 

Chuyện người đàn bà đẹp và mối tình định mệnh
“49 ngày thiền định đã cướp đi Đặng Lê Nguyên Vũ tuyệt vời của tôi!”, bà Diệp Thảo đã nói như thế sau rất nhiều ngày im tiếng trước truyền thông về sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân và cả những lùm xùm về hãng cà phê Trung Nguyên đang ở tầm thế giới của ông Vũ. Bà Thảo đã từng có một cuộc tình đẹp như tiểu thuyết với ông Vũ từ thủơ hàn vi, khi còn làm nhân viên tổng đài của Bưu điện Tỉnh Gia Lai và cuộc gọi định mệnh cho những lời giải đáp.
Vốn là hoa khôi phố núi Pleiku, con nhà giàu, ba mẹ kinh doanh vàng bạc đá quý nên người đàn bà ấy ắt hẳn phải cành vàng lá ngọc. Nhưng rồi người đàn ông giàu ý chí và kiến thức đã chinh phục được người đẹp phố núi. Thủa hàn vi của ông Vũ liệu có phải là đã may mắn gặp được người đàn bà đẹp này không? Khi mà bà Thảo vẫn giấu thân phận, khi mà ông Vũ còn rất nghèo thủa mới lập nghiệp, rồi tốt nghiệp đại học Y cùng lúc bắt tay vào xây dựng Trung Nguyên. Có phải chăng chính những thông tin về ngành cà phê mà bà thảo nắm được đã giúp ông Vũ trong những ngày đầu tiên ấy! Rồi những ngày khởi nghiệp với “túp lều tranh”, và rồi Trung Nguyên đã được gây dựng từ những ngày gian khó như thế, lớn mạnh từng ngày nhờ công sức của hai người, để trở thành một thương hiệu lớn.
Kết hôn, cùng khởi nghiệp để xây dựng một đế chế cà phê hùng mạnh nhưng 3 năm qua, cuộc sống của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên liên tiếp trong vòng xoáy pháp lý.
Đặng Lê Nguyên Vũ đã làm nên thương hiệu Trung Nghuyên đáng tự hào ấy. Câu chuyện ông Vũ khởi nghiệp và bắt đầu từ khơi nguồn sáng tạo từ hai bàn tay trắng, vượt biết bao khổ ải, chạy vạy vay tiền bạn bè, mượn xe máy của bạn học để mua lò rang, mua chịu cafe hạt để rang cafe, một mình lóc cóc xe đạp đi giao cafe cho các quán... Những nếm trải của ông Vũ, có lẽ bà Thảo là người biết rõ nhất.
Ở Trung Nguyên, ông Vũ là Chủ tịch HĐQT, có nhiệm vụ xây dựng và quảng bá thương hiệu. Việc của ông Vũ là đối ngoại, là tiếp xúc với truyền thông. Còn bà Thảo đảm nhận vai trò Phó TGĐ Thường trực – như một người nội tướng của Trung Nguyên, được quyền tự quyết toàn bộ mọi việc, từ chuyện lập ra các chiến lược, kế hoạch hành động, đến việc phát triển thị trường trong và ngoài nước, ký kết tất cả các hợp đồng…
Nhưng rồi, “Trước khi anh Vũ tham gia khoá thiền nhịn ăn 49 ngày và bỗng nhiên thay đổi khi trở về, thì tôi rất hạnh phúc. Nhưng 49 ngày thiền định nhịn ăn của anh ấy, đã phá đi tất cả, đã cướp đi Đặng Lê Nguyên Vũ tuyệt vời của tôi…”. Khi người ta làm vợ chồng 20 năm, thì đó không chỉ là tình yêu, mà còn là tình nghĩa. Vì tình yêu đẹp nên họ mới có kết quả là 4 đứa con. Vì nghĩa, nên họ đã luôn ở cạnh nhau lúc gian khó.
Hai người ly hôn, cuộc chiến pháp lý về sở hữu Tập đoàn Trung Nguyên ngày càng căng thẳng trong mấy năm vừa qua. Ngày 21/3/2018, Tòa Kinh tế TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện dân sự giữa nguyên đơn là Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (TNH) do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị và bị đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ cũ ông Vũ). Ông Vũ đứng đơn khởi kiện yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi chiếm giữ trái phép các con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của TNH cùng các công ty con thuộc Tập đoàn Trung Nguyên. Yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền của TNH; chấm dứt hành vi nhân danh TNH để thực hiện các công việc không thuộc thẩm quyền.
 Góc khuất câu chuyện tình và sức sống của một thương hiệu nổi tiếng
Trong những năm qua, vụ tranh chấp của vợ chồng doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Người ta có thể bàn luận nhiều chiều về cuộc hôn nhân đẹp như tiểu thuyết nhưng đang trên bờ vực đổ vỡ của 2 vợ chồng ông Vũ và bà Thảo, nhưng không ai có thể phủ nhận những thành công tuyệt vời của ông Vũ cũng như sự ảnh hưởng của ông đến giới trẻ, nhất là những người giàu khát vọng, đam mê khởi nghiệp ở Việt Nam.
Đặng Lê Nguyên Vũ là một thương hiệu đặc biệt. Ông từng được tạp chí National Geographic Traveller gọi là "vua cà phê", tạp chí Forbes đặt cho danh hiệu "Zero to hero". 20 năm qua, đây là cái tên đại diện cho những hoài bão, khát vọng vươn ra thế giới của doanh nhân Việt. Từ chiếc xe đạp cọc cạch đến từng đại lý thu mua cà phê để bắt đầu sự nghiệp, ông Vũ đã biến giấc mơ cà phê Việt Nam thành sự thực. Trong số hàng nghìn cái tên kinh doanh cà phê ở thị trường nội địa Việt Nam, chỉ có một vài tên tuổi lớn thống trị thị trường bán lẻ cà phê, gồm Trung Nguyên (gần đây được bày bán với tên Legend), Vinacafe (thuộc Masan Group), và Nescafé (của tập đoàn Nestlé's). Năm 2012, Trung Nguyên sở hữu 5 nhà máy và một chuỗi 40 cửa hàng cà phê.
 Đặng Lê Nguyên Vũ là người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên.
Năm 2015, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã bất ngờ nộp đơn kiện chồng ra Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương. Theo đơn kiện, bà Thảo không đồng ý với các quyết định miễn nhiệm bà khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của CTCP Hòa tan Trung Nguyên bởi cuộc họp công bố Nghị quyết miễn nhiệm chỉ được ông Vũ tổ chức cùng với mẹ của ông mà không có mặt bà Thảo. Cũng trong thời gian này, tòa án thụ lý đơn ly hôn của 2 người.
Cuộc hôn nhân kết thúc, kéo theo là những nhùng nhằng pháp lý và cả những vấn đề của tình và lý, kéo theo sự suy giảm của nhãn hiệu cà phê nổi tiếng. Từ con số 1.295 tỷ đồng của năm 2014, trong 2 năm sau, lợi nhuận trước thuế của Trung Nguyên Group chỉ còn 809 tỷ đồng và 768 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp sở hữu toàn bộ các công ty hiện tại của Trung Nguyên như Trung Nguyên Coffee, Trung Nguyên hòa tan và Trung Nguyên franchise. Đơn vị sở hữu của Trung Nguyên Group là Đầu tư Trung Nguyên – một công ty do ông Vũ và bà Thảo nắm cổ phần.
Cho đến tháng 2 năm nay, vụ kiện tụng của nhà Trung Nguyên vẫn chưa ngã ngũ và bà Thảo nói mình chưa được bước chân vào Trung Nguyên để tham gia điều hành. Là một đế chế lớn trong ngành cà phê nhưng sự mâu thuẫn giữa 2 người sáng lập không khỏi khiến hoạt động của Trung Nguyên bị ảnh hưởng. Sau đơn kiện năm 2015, sản phẩm cà phê hòa tan G7 từng bị ngừng phân phối một thời gian với lý do bảo trì máy móc.
Vụ kiện tụng giữa 2 vợ chồng doanh nhân nhà Trung Nguyên ầm ĩ một thời gian dài và trái với phong cách "chém gió" thường lệ, ông Đặng Lê Nguyên Vũ luôn im lặng. Trong khi đó, từ người phụ nữ chỉ đứng đằng sau chồng, bà Thảo xuất hiện liên tục trên truyền thông và cho ra mắt hãng cà phê mới mang tên King coffee của công ty riêng TNI Corporation. Với tư cách là Chủ tịch và CEO của thương hiệu King Coffee tại Việt Nam, Lê Hoàng Diệp Thảo gây sự chú ý với hình mẫu nữ doanh nhân thành đạt. Sản phẩm cà phê hòa tan của công ty này đã bước chân vào 60 thị trường quốc tế, với doanh số lên tới 60 triệu USD ngay trong năm đầu tiên.
Khi mối quan hệ giữa 2 vợ chồng Chủ tịch đổ vỡ, Trung Nguyên đã đánh mất vị trí trên thị trường, phải đóng cửa các quán cà phê (bao gồm cả ở Singapore) trong khi đối thủ cạnh tranh không ngừng gia tăng thị phần. Có phải điều đó đã buộc bà tạo ra King Coffee như một thương hiệu cao cấp?
"Người ta nói: "Phía sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ". Những thành công trước đó đã giúp bà Thảo có thể tự xây dựng cơ ngơi riêng cho mình. "Tôi đã mất 2 năm để gây dựng King Coffee, và tôi coi nó như con đẻ của mình. Đứa con cả của tôi là Trung Nguyên. Tôi không hề có ý định để King Coffee cạnh tranh với Trung Nguyên. King Coffee là nơi tôi hiện thực hóa ước mơ gây dựng nên một thương hiệu cà phê 'Made in Vietnam'. Tôi muốn cả Trung Nguyên lẫn King Coffee đều cùng thành công”, bà Thảo đã nói như vậy.
Trong cuốn nghiên cứu về nhà bác học Einstein, Đặng Lê Nguyên Vũ tâm đắc với câu: “Cảm xúc đẹp nhất và sâu xa nhất của con người là cảm xúc trước sự huyền bí”. Nhiều người có lẽ không hiểu, nhiều người khác lại đặt câu hỏi rằng sự huyền bí ấy liệu có liên quan gì đến việc Trung Nguyên suy giảm lợi nhuận, liên quan tới việc King Coffee ra mắt và song hành cùng Trung Nguyên chiếm lĩnh thị trường cà phê mấy năm gần đây. .
Và còn rất nhiều điều khác nữa vẫn như một dấu hỏi đang còn ẩn kín như trong góc khuất của chuyện tình định mệnh của hai con người, tạo nên hai thương hiệu cà phê Việt. Nhưng, bảo vệ Trung Nguyên không chỉ là bảo vệ thành quả chính đáng của người tâm huyết, mà còn là bảo vệ một thương hiệu Việt, một niềm tự hào Việt, tránh khỏi những kịch bản truyền thông không đáng có.
Trung Nguyên bây giờ không chỉ là của riêng ông Vũ và bà Thảo, mà còn là một dấu ấn của Thương hiệu Việt, niềm tự hào của ngành cà phê Việt Nam.
Theo Tiêu dùng

>> xem thêm

Bình luận(0)