Vụ ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Lại lo giá cà phê giảm

Google News

Những lùm xùm quanh vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng "vua" cà phê Việt Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang làm dấy lên mối lo ngại về thương hiệu quốc gia cà phê Trung Nguyên.

Điều này khiến nhiều người đang làm trong ngành cà phê, nhất là những lao động dưới "đế chế" cà phê Trung Nguyên không khỏi lo ngại. Trong khi đó, khảo sát mới đây cho thấy, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên đã giảm từ 1.000 – 1.500 đồng/kg so với hồi giữa tháng 3.2018.
Hiện tại, giá cà phê ở các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông xê dịch ở mức 36.100 – 36.900 đồng/kg. Nguyên nhân giá cà phê Việt Nam giảm là do giá cà phê trên thế giới cũng liên tục trong xu hướng mất giá.
Với mức giá trên, nhiều nông dân của vùng cà phê Tây Nguyên đang “than trời” vì vụ mùa cà phê 2016 – 2017 có chi phí cao, năng suất thấp, nhưng quan trọng hơn cả là “nông dân đã phá nhiều diện tích cà phê trước đây để chuyển sang trồng tiêu, chanh dây… nên sản lượng cà phê của nhiều nông hộ không nhiều như trước đây”, như lời ông Hồ Hay, một nông dân ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) chia sẻ.
Còn như lời ông Châu Phương, một nông dân của vùng cà phê Chư Sê, vì giá cà phê trong nhiều năm qua không có đột biến nên nông dân không còn hứng thú với cây cà phê, dẫn đến diện tích, năng suất và sản lượng cà phê của Chư Sê không còn xứng đáng là vựa cà phê như mười năm trước.
“Theo quan sát của tôi, phải vài năm nữa, khi lứa cà phê trồng xen trong vườn tiêu cho thu hoạch chính, sản lượng cà phê ở đây mới tăng lên”,ông Phương nói thêm.
Vì giá hạ, nhiều vườn cà phê để trái chín đỏ cây. Trong ảnh: nông dân trồng cà phê ở Chư Sê đến ngó cà phê rồi về. 
Theo thống kê mới nhất của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vụ mùa cà phê 2017, Việt Nam xuất khẩu 1,42 triệu tấn với giá trị là 3,21 tỷ USD. So với vụ mùa 2016, cà phê Việt Nam xuất khẩu giảm 20,2% về lượng và 3,8% về giá trị.
Còn vụ mùa 2018, theo các chuyên gia về cà phê, chưa thấy tín hiệu tốt đẹp cho cà phê, vì giá trên thị trường thế giới chưa có dấu hiệu tăng, trong khi đó, nông dân sản xuất cà phê của vùng Tây Nguyên đang mệt mỏi với chi phí đầu tư cho cây cà phê: xăng dầu, tiền công, phân bón… đang “tăng đều từng bước”!
Sản lượng và giá xuất khẩu giảm, nhưng một tín hiệu vui của cây cà phê Việt Nam trong hai năm qua là lượng tiêu thụ cà phê nội địa đang tăng lên.
Theo một chuyên gia về cà phê chế biến, nếu năm 2012, lượng cà phê tiêu thụ nội địa ước chừng 5% lượng hàng xuất khẩu (tự rang xay, cà phê hoà tan), còn năm 2017, theo một báo cáo của Bộ NN&PTNT từ khảo sát của BMI, trong giai đoạn 2015 – 2017, lượng tiêu thụ cà phê nội địa ước chừng 10% sản lượng (tương đương với 140.000 tấn cà phê nhân) chủ yếu là mô hình quán cà phê rang xay, chế biến cà phê hoà tan và tiêu thụ tại nhà.
Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu lượng cà phê tiêu thụ nội địa sẽ tăng lên 15% vào năm 2020. Việc tiêu thụ cà phê tại thị trường nội địa tăng, đã kéo theo việc hình thành những trang trại cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn như vùng Cầu Đất (Lâm Đồng), Buôn Hồ (Dăk Lăk), Ia Grai (Gia Lai), Dăk Hà (Kon Tum)…
Nhưng những mô hình trang trại sản xuất cà phê an toàn vẫn chưa phát triển rộng, vì chưa có mô hình liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp thương mại nội địa – xuất khẩu, doanh nghiệp chế biến… Nhiều ý kiến cho rằng, lượng cà phê tiêu thụ nội địa sẽ càng tăng do dân số gia tăng, thu nhập tăng, mô hình quán cà phê sạch phát triển mạnh…
Nhưng, như lời ông Đinh Anh Huân, chủ trang trại cà phê ở vùng Cầu Đất (Lâm Đồng), nếu có nhà tiêu thụ ổn định về giá cả và cam kết về số lượng, mô hình trang trại cà phê sạch sẽ bùng nổ.
“Nông dân sẵn sàng đầu tư những vườn cà phê đạt chuẩn với những lời cam kết chắc chắn từ phía doanh nghiệp. Còn với cách làm hiện nay, chỉ có ai đủ lực tiêu thụ mới dám cam kết. Mà số này còn ít lắm…”, ông Huân nhận xét.
Theo Thịnh An/Thế Giới Tiếp Thị

>> xem thêm

Bình luận(0)