Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TPHCM) vừa ký quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Quyết định cưỡng chế được ban hành theo đề nghị của Cục Thuế TPHCM. Theo đó, Tân Hoàng Minh nợ thuế nội địa chây ỳ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định, với tổng số tiền trên 174,6 tỷ đồng.
Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 8/9. Quyết định chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách Nhà nước.
3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành 9 lô trái phiếu trị giá lên tới 10.030 tỷ đồng (Biểu đồ: Văn Hưng).
Trước đó, trong danh sách 1.019 doanh nghiệp nợ thuế phí, nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai tại Hà Nội (kỳ khóa sổ ngày 28/2), Cục Thuế Hà Nội cho biết có 2 công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh là Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil và Công ty Cổ phần Cung Điện Mùa Đông.
Cụ thể, Công ty Soleil nợ hơn 846 triệu đồng tiền sử dụng đất và 147,2 tỷ đồng nợ thuế, phí. Trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4, công ty này mới tiến hành nộp gần 15 tỷ đồng tiền nợ thuế, ngày 14/4, phí và nợ vẫn còn khoảng 132,3 tỷ đồng.
Trong đó, khoản nợ thuế phí lớn nhất là 73 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản, trên 35 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng, hơn 16 tỷ đồng vì chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp...
Còn Công ty Cung Điện Mùa Đông nợ 50,6 tỷ đồng tiền thuế, phí, trong đó số nợ cao nhất trên 37 tỷ đồng từ thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản.
Liên quan đến vụ án tại Tân Hoàng Minh, mới nhất, Bộ Công an thông tin từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, bị can Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và đồng phạm đã sử dụng các pháp nhân gồm: Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung Điện Mùa Đông để thực hiện hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu nhằm huy động tiền trái quy định pháp luật của nhiều nhà đầu tư (người mua, góp vốn đầu tư trái phiếu).
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định những nhà đầu tư này là người bị hại trong vụ án.
Bước đầu cơ quan điều tra xác định, số tiền các đối tượng chiếm đoạt của các bị hại khoảng 8.000 tỷ đồng.
Để điều tra kết luận vụ án, đảm bảo quyền lợi của người bị hại theo quy định của pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị những bị hại hiện còn dư nợ trái phiếu của các pháp nhân nêu trên chưa đến trình báo, khẩn trương liên hệ để cung cấp hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Bộ Công an cho biết, nếu hết thời hạn điều tra nhưng người bị hại không đến làm việc, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an không đảm bảo quyền lợi của người bị hại trong quá trình giải quyết vụ án.