Vừa cầm kéo cắt nhỏ nắm lá rau muống, cá rốt, chuối cho vào hàng chục chiếc khay nhỏ trước mặt để cho rồng ăn, anh Đặng Ngọc Hùng (SN 1997), trú tại Trịnh Như Khuê, xã Bình Chánh (Bình Chánh, TP HCM) vừa cho biết, năm 2016, anh được mẹ mua cho một con rồng Nam Mỹ, không nghĩ rằng đó lại là ngã rẽ lớn để anh có được ngày hôm nay.
“Ngày đó tôi vẫn còn đang đi học. Trong một lần cùng gia đình đi chơi Thảo Cầm Viên, được thấy tận mắt những con rồng Nam Mỹ mà trước đó chỉ mới được coi trên tivi nên mê lắm. Mẹ tôi thấy vậy nên mua cho tôi một con màu xanh lá mạ về ba la quá trời”, anh Hùng kể lại.
Được mẹ mua cho con rồng Nam Mỹ có giá 800 nghìn đồng nhưng anh Hùng lại không nhận được sự đồng ý của ba vì sợ ảnh hưởng đến việc học. Vì vậy, để đỡ bị ba mắng, anh lại càng cố gắng học hơn.
Rồng Nam Mỹ sinh sản từ 30-50 trứng/lần, tỷ lệ ấp nở đạt 80%.
Vừa học, anh Hùng vừa buôn bán thêm giày dép, quần áo và nhiều thứ khác, được bao nhiêu tiền anh lại đi mua rồng về nuôi. Có rồng màu xanh lá rồi anh mua thêm rồng màu đỏ, rồng màu vàng, rồng màu cam, rồng màu trắng cho đủ bộ.
“Nhiều người thấy những con rồng của tôi ngầu quá, ngỏ ý mua lại nên tôi giữ lại con to, bán con nhỏ đi, mỗi con lời vài trăm nghìn thôi nhưng tôi vui lắm. Bởi vì, mình vừa thoả mãn đam mê nuôi rồng làm thú cưng vừa kiếm được tiền từ đam mê đó”, anh Hùng nói.
Mỗi tháng, anh Hùng cung cấp ra thị trường từ 200-300 con rồng Nam Mỹ.
Càng sở hữu nhiều rồng Nam Mỹ, đam mê kiếm tiền từ loại thú cưng này của anh Hùng càng lớn. Sau khi tốt nghiệp trường Y, anh Hùng quyết định không làm việc theo đúng chuyên ngành mình được đào tạo mà mở trại nuôi rồng Nam Mỹ.
Với số vốn khoảng 20 triệu đồng, anh bắt tay vào làm chuồng trại và nuôi rồng sinh sản. Vốn ít, ba anh không đồng ý nhưng thấy con đam mê nên cũng thương, tự tay làm lồng nuôi rồng cho con.
Giá rồng Nam Mỹ bán ra thị trường từ vài trăm nghìn đến cả chục triệu đồng/con.
Theo anh Hùng, rồng Nam Mỹ còn được gọi là Iguana, thuộc loài kỳ nhông khổng lồ, khoác lên lớp áo vảy rồng xếp như tổ ong ở hai bên má, có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Nhìn bên ngoài, rồng Nam Mỹ rất hung dữ nhưng chúng lại rất hiền lành và dễ nuôi. Chỉ cần có một chiếc chuồng và có nắng, thời tiết nóng ấm là có thể nuôi được.
Ngoài nuôi rồng Nam Mỹ, anh Hùng còn mở dịch vụ chụp ảnh cùng rồng.
Rồng Nam Mỹ ăn chay. Chúng ăn các loại rau củ quả như chuối, cà rốt, rau lang, rau muống, bí… “Rau muống mình mua về thì vặt lấy lá. Rồng nhỏ thì cắt thành từng đoạn ngắn và cho chúng ăn thôi. Cà rốt cũng bào thành sợi, chuối cắt thành đoạn ngắn”, anh Hùng nói.
Hiện tại, sau 4 năm chính thức khởi nghiệp từ rồng Nam Mỹ, anh Hùng đã sở hữu trại nuôi khoảng 50 ô chuồng với vài trăm con rồng Nam Mỹ lớn nhỏ. Trong đó có 40 con rồng cái sinh sản và 20 con rồng đực giống.
Sau vài năm, trại anh Hùng hiện có khoảng trên 500 con rồng Nam Mỹ.
Theo anh Hùng, rồng cái trưởng thành sinh sản lứa đầu tiên được khoảng 15-20 trứng. Từ lứa sau sẽ sinh khoảng 30-50 trứng. Nếu có kinh nghiệm thì tỷ lệ ấp nở khoảng trên 80%.
Ngoài cho sinh sản đơn thuần giữa các con cùng dòng, cùng màu với nhau, anh Hùng còn cho lai tạo chéo giữa con đực màu này với con cái màu khác để tạo ra những con rồng Nam Mỹ có màu sắc đột biến.
Anh Hùng sở hữu 2 cửa hàng bán thức ăn, đồ trang trí cho rồng Nam Mỹ.
Ngoài nuôi rồng và cung cấp rồng cho các bạn trẻ nuôi làm thú cưng, anh Hùng còn mở cửa hàng thú cưng bò sát với 2 chi nhánh, cung cấp phụ kiện trang trí cho rồng, thức ăn cho rồng Nam Mỹ và dịch vụ cho thuê chụp ảnh cùng pet (thú cưng).
Rất nhiều bạn trẻ thích thú đến chụp ảnh, thăm quan trại nuôi rồng của anh Hùng và chụp ảnh cùng những con rồng đáng yêu.
Trung bình, mỗi tháng, trại của anh Hùng cung cấp ra thị trường khoảng 200-300 con rồng Nam Mỹ với giá từ 600 nghìn đồng đến 10 triệu đồng/con. Doanh thu chưa trừ chi phí đạt khoảng 100 triệu đồng/tháng.
“Ngoài việc nuôi chó mèo làm thú cưng thì hiện nay, nuôi bò sát, rồng Nam Mỹ rất được ưa chuộng vì chúng rất dễ nuôi, ăn chay lại có nhiều màu sắc. Vì vậy, hầu như rồng của trại tôi sinh sản đến đâu cũng được đặt mua hết đến đó”, anh Hùng chia sẻ.